Ông Trump và ông DeSantis muốn chấm dứt 'du lịch sinh con' ở Mỹ: Liệu có dễ?
Thống đốc bang Florida - ông Ron DeSantis là người tiếp theo sau cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh của Mỹ nếu đắc cử, vậy luật pháp Mỹ quy định thế nào về vấn đề này?
Đầu tuần này, Thống đốc bang Florida - ông Ron DeSantis đã công bố chính sách lớn đầu tiên trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 của ông, đề xuất một loạt biện pháp để giải quyết nạn nhập cư bất hợp pháp, trong đó đáng chú ý là kế hoạch chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh nếu ông thắng cử, theo đài CNN.
“Việc trao quyền công dân cho con cái của những người nhập cư bất hợp pháp là động lực chính của việc nhập cư bất hợp pháp. Điều này cũng không phù hợp với cách hiểu ban đầu về Tu chính án thứ 14. Chúng tôi sẽ khiến các tòa án và quốc hội cuối cùng phải giải quyết chính sách thất bại này” - ông nói khi vận động tranh cử tại bang Texas (Mỹ) hôm 26-6.
Quyền công dân theo nơi sinh ở Mỹ quy định những ai sinh ra ở Mỹ sẽ tự động được cấp quốc tịch Mỹ. Kế hoạch chấm dứt quyền này không phải mới. Cựu Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần lên án hình thức “du lịch sinh con” và tuyên bố sẽ tìm cách chấm dứt vấn đề này.
Tháng trước, trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump cho biết sẽ kết thúc quyền công dân theo nơi sinh nếu ông chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024. Khi còn là tổng thống vào năm 2018, ông Trump đã dự định ban hành một sắc lệnh hành pháp để hạn chế quyền công dân theo nơi sinh nhưng chưa thực hiện được.
Thống đốc DeSantis không nêu chi tiết kế hoạch chấm dứt quyền này như thế nào. Còn về phía ông Trump, cựu Tổng thống cho biết sẽ yêu cầu ít nhất một phụ huynh phải là công dân Mỹ hoặc thường trú nhân hợp pháp để con cái họ tự động trở thành công dân Mỹ.
Vậy luật pháp Mỹ hiện nay quy định thế nào về vấn đề này và kế hoạch của hai ứng viên Cộng hòa có dễ thực hiện?
Cơ sở pháp lý của quyền công dân theo nơi sinh
Theo chuyên trang PolitiFact, có ba cơ sở pháp lý củng cố quyền công dân theo nơi sinh.
Thứ nhất, quyền công dân theo nơi sinh của Mỹ được quy định trong Tu chính án thứ 14, được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1866 và phê chuẩn 2 năm sau đó. Cụ thể, Tu chính án này tuyên bố “tất cả những người được sinh ra ở Mỹ hoặc nhập quốc tịch Mỹ… đều là công dân Mỹ và là công dân của tiểu bang nơi họ sinh sống”.
Thứ hai, một phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ vào năm 1898, được gọi là vụ án Wong Kim Ark cũng quy định về quyền này. Vụ việc xảy ra với ông Wong Kim Ark - một người lao động, sinh năm 1873 tại TP San Francisco (bang California, Mỹ). Cha mẹ ông là người gốc Hoa nhưng sinh sống hợp pháp tại Mỹ.
Năm 17 tuổi, ông Wong đến thăm Trung Quốc và trở về Mỹ mà không gặp bất cứ vấn đề gì. Tuy nhiên, khoảng 3 năm sau đó, ông ấy lại đi Trung Quốc nhưng lần này khi trở về ông đã bị từ chối nhập cảnh Mỹ vì nhân viên hải quan lập luận rằng ông Wong không phải là công dân Mỹ.
Khi vụ việc được đem ra xét xử tại Tòa án Tối cao, các thẩm phán đã kết luận ông Wong và cả những người khác sinh ra trên đất Mỹ (trừ một vài ngoại lệ rõ ràng như con của các nhà ngoại giao nước ngoài,...) đủ điều kiện trở thành công dân Mỹ theo Tu chính án thứ 14.
Phán quyết của tòa viết: “Tu chính án thứ 14 khẳng định quy tắc cổ xưa và cơ bản về quyền công dân theo nơi sinh, bao gồm tất cả trẻ em là con của người nước ngoài sinh sống ở Mỹ… Tu chính án, bằng ngôn từ và mục đích rõ ràng, quy định những đứa trẻ được sinh ra trên lãnh thổ Mỹ dù thuộc bất kỳ chủng tộc hay màu da nào, đều là công dân Mỹ”.
Ngoài ra, tại điểm a của Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch Mỹ năm 1952 quy định “một người sinh ra ở Mỹ và chịu sự quản lý của Mỹ” thì sẽ mặc nhiên là công dân Mỹ.
Tổng thống có thể chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh bằng một sắc lệnh hành pháp không?
Theo phần lớn các học giả pháp lý, câu trả lời là không. Tu chính án thứ 14 nằm trong Hiến pháp Mỹ thế nên việc thay đổi nó cần thực hiện thông qua sửa đổi hiến pháp, đòi hỏi phải có một nghị quyết chung được ⅔ thành viên ở cả Hạ viện và Thượng viện thông qua hoặc thông qua một hội nghị do quốc hội triệu tập để đáp lại yêu cầu sửa đổi hiến pháp của ⅔ số bang ở Mỹ.
Ông Peter J. Spiro - Giáo sư luật tại Đại học Temple (Mỹ) nói: “Nếu một điều luật quy định trong hiến pháp thì chỉ có thể hủy bỏ bằng cách sửa đổi hiến pháp. Nếu nó được quy định trong điều luật, thì nó chỉ có thể được hủy bỏ bằng một điều luật mới. Chỉ khi nó không thuộc hai trường hợp trên thì tổng thống mới có thể chấm dứt nó bằng lệnh hành pháp”.
Giáo sư Kermit Roosevelt của Đại học Pennsylvania (Mỹ) cho rằng giải pháp tốt nhất mà ông DeSantis hay ông Trump có thể nếu muốn chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh trong trường hợp một trong hai ông đắc cử là ký một sắc lệnh hành pháp và chờ đợi một bên nào đó khởi kiện sắc lệnh này. Khi đó, vụ kiện sẽ được đưa lên Tòa án tối cao và số phận của quyền công dân theo nơi sinh sẽ do tòa án định đoạt.