Ông Trump vẫn còn 'cửa hẹp' cuối cùng để thay đổi kết quả bầu cử?
Ông Biden đã có một bài phát biểu mạnh mẽ sau khi được Đại cử tri đoàn xác nhận là người đắc cử Tổng thống...
Tổng thống đắc cử của Mỹ Joe Biden ngày 14/12 đưa ra những lời phản bác mạnh mẽ nhằm vào việc Tổng thống Donald Trump tìm cách phủ nhận tính hợp thức của chiến thắng mà ông giành được trong cuộc bầu cử ngày 3/11. Bài phát biểu được ông Biden đưa ra vài giờ sau khi Đại cử tri đoàn chính thức xác nhận ông đắc cử.
Về phần mình, ông Trump vẫn còn một cơ hội cuối cùng để thay đổi kết quả bầu cử, dù vô cùng mong manh.
ÔNG BIDEN KÊU GỌI "SANG TRANG"
"Trong cuộc đấu tranh tinh thần này của nước Mỹ, dân chủ đã thắng", ông Biden nói trong bài phát biểu được phát sóng trực tiếp vào giờ vàng tối ngày thứ Hai theo giờ địa phương, từ thành phố Wilmington của bang Delaware. "Giờ là lúc lật giở sang một trang mới, như những gì chúng ta đã làm trong suốt lịch sử của mình - để đoàn kết, để hàn gắn".
Cuộc bỏ phiếu ngày 14/12 của Đại cử tri đoàn tại các tiểu bang trên toàn nước Mỹ có một tầm quan trọng đặc biệt, khác với tính chất thủ tục vốn có, bởi ông Trump đến nay vẫn chưa thừa nhận thất bại và đã có hàng vụ kiện nhằm lật ngược kết quả bầu cử.
Chiến thắng thuộc về ông Biden đã được xác nhận sau khi California, bang đông dân nhất của Mỹ, đưa ông qua con số 270 phiếu đại cử tri cần thiết để chiến thắng. Toàn bộ 55 đại cử tri của bang này đã bỏ phiếu cho ông Biden và người đồng tranh cử Kamala Harris, người sẽ trở thành Phó tổng thống.
Ông Biden và bà Harris - người phụ nữ đầu tiên, người da màu đầu tiên, và người Mỹ gốc Á đầu tiên trở thành Phó tổng thống đắc cử của Mỹ - sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1.
Trong bài phát biểu kéo dài khoảng 13 phút, ông Biden kêu gọi người Mỹ đoàn kết, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng các thể chế dân chủ của nước Mỹ sẽ đứng vững trước nỗ lực nhằm thay đổi kết quả bầu cử của ông Trump.
"Ngọn lửa dân chủ đã được thắp lên ở đất nước này từ rất lâu", ông Biden nói. "Giờ đây, chúng ta đều biết rằng ngay cả đại dịch hay sự lạm quyền đều không thể dập tắt ngọn lửa đó".
Ông Biden, một cựu Phó tổng thống, nhấn mạnh rằng ông Trump và đồng minh đã triển khai "hàng tá và hàng tá" động thái pháp lý để thách thức kết quả bầu cử nhưng không thành công. Ông cũng lưu ý rằng tương quan 306-232 phiếu đại cử tri giữa ông và ông Trump cũng tương tự như chiến thắng mà ông Trump giành được vào năm 2016 - chiến thắng mà những người Cộng hòa gọi là "áp đảo".
Một hệ thống bầu cử phức tạp có từ thập niên 1780 quy định rằng một ứng cử viên trở thành Tổng thống Mỹ không phải bởi giành chiến thắng phiếu bầu phổ thông, mà phải thông qua thắng phiếu đại cử tri.
Hệ thống này phân bổ phiếu đại cử tri cho 50 bang và District of Columbia, tức thủ đô Washington, dựa trên dân số của từng bang. Số đại cử tri của mỗi bang bằng với số thượng nghị sỹ và hạ nghị sỹ của bang đó trong Quốc hội liên bang. Mỗi bang đều có hai thượng nghị sỹ, nhưng số hạ nghị sỹ lại tùy thuộc vào dân số từng bang. Đó là lý do vì sao bang đông dân nhất là California có tới 55 đại cử tri, còn bang ít dân nhất Wyoming chỉ có 3 phiếu đại cử tri.
Vào năm 2016, ông Trump thắng ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton dù kém đối thủ gần 3 triệu phiếu phổ thông. Năm nay, ông Biden giành nhiều hơn ông Trump trên 7 triệu phiếu phổ thông.
CƠ HỘI CUỐI CHO ÔNG TRUMP?
Đại cử tri thường là những người trung thành với đảng, ít có khả năng bỏ đảng. Về cơ bản, đại cử tri cam kết bỏ phiếu cho ứng cử viên đã thắng phiếu phổ thông ở bang của họ. Vì thế, ứng cử viên nào thắng phiếu phổ thông ở bang nào, là gần như mặc nhiên giành hết phiếu đại cử tri ở bang đó.
Nhưng cũng đã xảy ra những lần đại cử tri không thực hiện đúng cam kết. Chẳng hạn vào năm 2016, có 7 trong số 538 đại cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên không thắng ở bang của mình, một con số cao bất thường. Tuy nhiên, số phiếu "ngược dòng" này cũng không đủ để thay đổi kết quả cuối cùng.
Từ năm 1876 đến nay, chỉ có 4 ứng cử viên tổng thống Mỹ thua cuộc dù giành đa số phiếu phổ thông. Điều này xảy ra vào năm 2000, khi ứng viên Cộng hòa George W. Bush đắc cử dù bị thua về số phiếu phổ thông, tự như với ông Trump cách đây 4 năm.
Trước cuộc bỏ phiếu của Đại cử tri đoàn, một số người ủng hộ ông Trump đã kêu gọi biểu tình. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu đã diễn ra êm thấm, không có gián đoạn.
Tháng trước, ông Trump có nói sẽ rời Nhà Trắng nếu Đại cử tri đoàn bỏ phiếu cho ông Biden, nhưng từ đó đến nay ông chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ thừa nhận thua cuộc. Ngày 14/12, ông tiếp tục đưa ra những cáo buộc vô căn cứ.
"Các bang dao động đã phát hiện gian lận lớn trong bầu cử. Tất cả bọn họ đều không thể phê chuẩn một cách hợp pháp những kết quả bầu cử này mà không phạm vào tội lỗi đáng bị trừng trị", ông Trump viết trên Twitter.
Cơ hội cuối cùng của ông Trump là vào tháng 1 tới thuyết phục Quốc hội bác bỏ kết quả bỏ phiếu của Đại cử tri đoàn.
Theo luật liên bang, bất kỳ một thành viên Quốc hội nào cũng có quyền phản đối kết quả bỏ phiếu đại cử tri của một bang nào đó trong phiên họp diễn ra vào ngày 6/1. Trong trường hợp như vậy, Thượng viện và Hạ viện sẽ phải tranh luận về sự thách thức này trước khi bỏ phiếu để quyết định xem có giữ kết quả đó hay không.
Hạ viện do phe Dân chủ nắm đa số chắc chắn sẽ dập tắt bất kỳ thách thức nào như vậy. Còn tại Thượng viện, các nhân vật Cộng hòa cấp cao ngày 14/12 cũng đã bác bỏ ý tưởng về lật ngược kết quả bầu cử.