Ông Vỡ
Có tiếng dép lê soàn soạt trước cổng và tiếp đó là tiếng chuông điện. Con chó to như con bê bị giam trong lồng sắt sủa váng trời đất, gầm gừ như muốn nhảy chồm ra. Ông Vỡ thừa biết là ai tới nhưng vẫn nhòm qua khe cửa sổ. Lão này khỏe đến thế. Rõ là rách việc.
Ông lững thững ra cổng:
- Lại đi buôn dưa lê ở đâu về hả?
Ông Thế toét miệng cười. Đúng là ông là dân "buôn dưa lê" không khác gì mấy bà rỗi hơi. Ông lê la khắp chốn trong làng ngoài quán nên biết đủ thứ chuyện trên đời. Cánh công chức làng gọi ông là "thông tấn xã vỉa hè", chỉ có điều nhiều chuyện, tin tức của ông thường đúng sai lẫn lộn, có khi tự thêm thắt vào.
- Có chuyện gì mới không? - Ông Vỡ hất hàm.
- Nhiều. Cứ từ từ tôi sẽ
kể hết.
Cũng nhờ ông Thế mà ông Vỡ biết nhiều chuyện làng xã, cả chuyện về mình, chứ ông ít giao du, chơi bời trừ những người thân thiết. Không có ông Thế, ông Vỡ đôi lúc cũng trống trải. Vợ chỉ quanh quẩn chùa chiền và đi vãn cảnh khắp chốn, mặc cho chồng làm gì thì làm. Sáng qua bà ấy đã đi với đoàn người cao tuổi xã đến chùa gì ấy tận Hà Nam rồi tới cả Ninh Bình. Rủng rỉnh tiền mà. Ông và ông Thế đều ở nơi khác đến, nói như ngày xưa là dân ngụ cư. Cả hai cùng cữ tuổi nhau, suýt soát thất tuần. Một thời ông Vỡ đóng quân ở làng Chum này, độ nửa tháng gì đó. Vốn là chàng trai bẻm mép, tinh ranh, Vỡ - chàng trai rẻo cao tán tỉnh quen ngay với cô gái xinh đẹp gặp ở đầu làng. Thế rồi cả hai hẹn hò thề thốt để rồi khi Vỡ xuất quân đã thành hôn. Ông Thế là dân xứ Nghệ làm công nhân xí nghiệp huyện này.
- Chuyện gì nào?
Ông Thế oang oang:
- Thằng Hiệp trưởng thôn nói bô bô với mấy ông bà già trong đám cỗ nhà bà Lê là ông Vỡ phải gọi là ông Kiệt, ông Quản Hai.
Ông Vỡ hừm hừm, xì rõ mạnh. Nhất Vỡ thì đúng là ông đại gia ở làng đây - một làng nay mai sẽ nhập vào thị xã. Nhưng ông biết họ nói nhất Vỡ là có ý xỏ xiên, rằng lão kiệt xỉ về sự đóng góp cho làng, cho thôn. Đóng góp thì tùy tâm. Ừ thì ông đóng gọi là, không cũng chẳng sao, tiền có phải vỏ hến, vỏ chai đâu. Bảo ông giống Quản Hai cơ. Giống cái gì? Ông Quản con ông Hai như người làng kể cách đây mấy chục năm giàu nứt đố đổ vách vì buôn bán hêrôin chỉ chơi bời với người đẩu người đâu ở nơi nọ nơi kia, đi về chả ai biết, có bốn năm cô dạng "già nhân ngãi non vợ chồng". Ông này bị bắt rồi sinh bệnh chết trong tù, con cái lêu lổng toàn đầu trộm đuôi cướp. Họ lại ví ông như ông Quản Hai à? Đúng là bậy bạ. Ông làm giàu chính đáng, không vợ nọ con kia, con cái đều có việc làm tử tế, ông chỉ ít giao du, chơi bời người làng người xóm. Thế thì đã sao?
- Nhiều ông bảo, ông Vỡ ít khi có mặt đám hiếu, đám hỉ ở làng, lại còn…
Ông Thế vội im bặt không dám nói thêm nữa sợ ông Vỡ mất lòng. Dù sao ông vẫn luôn nhờ vả ông đại gia này, lúc vay nóng tiền, lúc được đi ăn kẹ, lúc được đi nhờ ô tô.
- Vớ vẩn. Rách việc - Ông Vỡ cau có lại còn cái gì nữa?
- Không, không. À, lâu lắm không thấy Vững về.
- Thằng ấy lang thang khắp công trình trong Nam ngoài Bắc, cả năm mới có mặt về nhà.
Vững là công nhân thủy điện, con trai duy nhất của ông Vỡ, có nhà cửa ở Thủ đô. Vợ là giáo viên bận bịu với hai đứa con cũng ít khi về thăm bố mẹ chồng. Em Vững là Vẻ cũng là giáo viên có chồng là cán bộ thuế trên tỉnh mắc đủ thứ bệnh đã phải về mất sức.
Ông Vỡ vẫn bực về chuyện ông Thế vừa nói ra. Ừ thì ông ít khi có mặt đám hiếu, đám hỉ ở làng. Nhiều đám ông cũng đến đấy chứ chỉ có điều ngồi dăm bảy phút đã về, người thân cũng vậy, người sơ cũng thế, trừ đám ông thân thiết làm ăn, có dây mơ rễ má với các ông quyền chức ở huyện, ở tỉnh. Thì ăn có nơi, chơi có chốn. Đồng tiền phải bỏ ra chỗ xứng đáng đồng tiền.
Thấy ông Thế nét mặt tươi tỉnh, ông Vỡ cao giọng:
- Hôm nay có chuyện vui vẻ hả? Chắc cuỗm của vợ ít tiền?
Ông Thế cũng khổ, có tý đồng lương toàn bị bà vợ đanh đá thu hết. Vợ ông lại chúa ghen, không khác gì bà ngoại ngày xưa.
Ông này làm rể ở làng, tiếng là cán bộ lương thấp lại tiêu hoang, âu vì nhà nghèo, bố mẹ mất sớm, may vớ được cô vợ nhà quê con nhà giàu nhất làng.
Ông Thế cười khà khà đáp lại lời người bạn mình:
- Tôi cần gì tiền của vợ, giờ tôi khối tiền. Hôm qua tôi trúng quả đậm. Đúng là sắp đuối vớ phải cọc, buồn ngủ gặp chiếu manh. Ngẫm ra may hơn khôn ông ạ. Sáng qua có người lạ đến nhà tôi ngó nghiêng sờ mó cối xay lúa cũ rích bỏ hoang trong góc nhà ngang. Ban đầu ông ta hỏi xin, tôi nói phét có người đến mua mà tôi còn ngần ngừ chưa bán huống chi lại cho không. Vậy là ông ta bỏ tiền ra rước về. Ai dè của nợ lại sinh tiền. Không hiểu lão ta mua đồ chết tiệt đấy để làm gì.
- Được bao nhiêu tiền?
- Cũng kha khá. Thế mới hay, may hơn khôn.
Ông Vỡ gật gù. Thì ông cũng vậy. Nhà ông ở tít xóm hẻo lánh của xã vùng cao. Bỗng chốc nhà nước mở đường tỉnh qua nhà ông. Căn nhà ngói năm gian với gần héc ta trồng cây lấy gỗ được đền bù bộn tiền. Bố mẹ ông đã mất. Ông là trai độc nhất. Ông chia cho hai cô em gái ít tiền rồi vơ cả. Ấy là lúc ông đã lấy vợ - cô Ngọc làng Chum. Riêng chuyện xuất ngũ ông lấy Ngọc cũng tính toán đâu ra đấy, nghĩ gần nghĩ xa chứ không đã lấy cô Đào người làng mình. Chẳng dại gì cứ ru rú ở vùng núi hẻo lánh. Bố mẹ Ngọc mất đã lâu. Ngọc là chị cả, sau là hai em gái. Làng Chum gần quốc lộ, sát thị trấn, quán xá san sát.
Làm rể ở đây sướng vạn lần ở nhà. Chả có con chuột nào lại không thích sa vào chĩnh gạo! Người làng này có tiền đền bù đất thì thi nhau dựng nhà cao cửa rộng, sắm sanh đủ thứ hiện đại nhưng Vỡ lúc ấy mới ngoài tuổi ba mươi đã lẳng lặng đi mua đất ven đường ngã ba đầu làng, trước sau cổng chợ mặc cho nhiều người bảo là hấp, dở hơi, chim đậu chả bắt lại muốn bắt chim bay. Giờ khối người biết mình là dại, tiếc đứt ruột, khen lấy khen để Vỡ khôn ngoan, người tính còn hơn trời tính. Ông Vỡ trở thành tỷ phú của làng. Của chìm thì ít ai biết nhưng của nổi thì sờ sờ ra đó. Nhà bốn tầng kiểu cách, có dãy nhà cấp bốn mười bốn gian cho công nhân thuê, ô tô con, lại còn vài ba lô đất chưa bán…
*
* *
Nhà ông Vỡ từ ngoài vào trong đã khá đông người. Con chó liên tục sủa váng thiên địa mỗi khi có ai tới. Ông Thế hấp tấp chạy đến. Ông và vợ mới về đêm qua sau chuyến đi dài ngày về quê để họp họ.
Ông Vỡ nằm bệt trên giường, thi thoảng gật đầu hoặc mấp máy vài ba câu với người đến chỗ mình nằm hỏi han. Trong nhà, ngoài sân ồn ào tiếng nói các ông, các bà gần xa.
- Sống rồi ! Hôm nọ cứ tưởng ông ấy đi
- Cũng may có cậu Hiệp trưởng thôn nhanh trí, sáng ý.
- Ai ngờ ông Vỡ to khỏe mà lại sinh bệnh nặng.
Ông Thế cố len vào trong nhà.
- Bà Ngọc đâu rồi? - Ông hỏi một bà đứng cạnh.
- Đã về đâu. Vẫn ở trong Quảng Bình với đám phụ lão xã, chắc đêm nay may mới về. Chiều qua bà ấy mới biết tin. Ngay con dâu ở Hà Nội cũng chưa về được vì vừa bị ngã xe máy. Con trai hình như đang trên đường tới nhà.
Nghe mọi người trò chuyện ông mới hay sự việc. Cách đây hai hôm ông Vỡ bán được lô đất giá hời. Ông mời mấy tay cò đất lâu nay của mình vào quán chiêu đãi. Chả hiểu vì thứ rượu đặc sản của chủ quán hay là do uống quá nhiều rượu vì bị chúc tụng mà ông nằm vật ra ô tô. Giá không có tay cò đất lái thì ông phải ngủ cùng với ô tô một mình ven đường. Về nhà, ông còn tỉnh táo bước được lên phản tầng trệt rồi không hay biết gì nữa. Cổng vẫn mở toang. Cửa được khép do cò đất. Ông nằm mê man, chân tay co quắp, miệng ú ớ méo xệch.
Giữa lúc ấy Hiệp đến để vận động ông góp quỹ khuyến học làng. Rất lạ, cổng mở, chó sủa vang, ô tô để giữa sân mà không thấy chủ nhà đâu dù anh đã gọi mấy lần. Ai dè, ông Vỡ nằm lệch trên phản, một chân vẫn thõng ra ngoài, mặt tái mét, lay người vẫn bất động. Anh vội gọi điện tới trạm xá xã. Khi bác sĩ tới sơ cứu, Hiệp gọi ngay đến Công gần nhà mình vừa mua xe con để mấy hôm nữa chở khách để đưa ông Vỡ lên bệnh viện huyện. Loáng cái, Công đã phóng xe tới. Cũng nhờ được cấp cứu kịp thời, ông Vỡ đã qua cơn nguy kịch, trở lại trạng thái an lành sau hai ngày nằm điều trị tại bệnh viện được về nhà.
Bà Lê vừa đến sồn sồn:
- Sao các ông muộn báo tin cho vợ con ông ấy thế. Lẽ ra…
- Lẽ cái gì bà ơi. Lúc ông Vỡ tỉnh thì mới được biết điện thoại của bà Ngọc với cậu Vững… - Ông Hoàng ôn tồn.
Lúc này ông Thế mới để ý ngoài bà con hàng xóm còn có cả đại diện đoàn thể. Ai đó nói rõ to ở ngoài sân:
- Ông Vỡ cũng may. Mấy hôm nằm bệnh viện, ngoài đứa cháu bà Ngọc, chi hội cựu chiến binh cũng cử người đến thăm nom chu đáo. May nữa là được cứu chữa kịp thời chứ xuất huyết não thì không chết cũng biến chứng tàn tật suốt đời.
Trên giường, ông Vỡ đã tươi tỉnh hẳn, lúc lúc lại trò chuyện dăm ba câu với người mới tới.
- Ông Vỡ bây giờ gọi là ông Đỡ rồi, vài hôm nữa nhất là bà Ngọc về sẽ là ông Khỏe.
Ngồi ở ghế, ông Bình cựu chiến binh pha trò.
Ông Vỡ từ từ ngồi dậy mặc cho người ngồi bên cố ấn xuống. Ông nhìn tất cả mọi người đứng ngồi quanh mình và trong nhà, giọng run run:
- Tôi là Vỡ. Từ hôm nay tôi mới thực sự tên là Vỡ vì tôi đã vỡ ra nhiều điều. T…ô…i…
Ông khẽ nhắm mắt. Những giọt nước mắt bỗng tràn ra lăn trên gò má nhợt nhạt. Ông lấy tay xoa xoa mặt như có ý ngăn những giọt lệ rơi xuống. Ông cứ mếu máo, hổn hển như thế cho tới khi mấy người ngồi bên vội đỡ ông nằm xuống.
Truyện ngắn của Đỗ Nhật Minh
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/tac-gia-tac-pham/403267/ong-vo.html