Ông Vũ Huy Hoàng kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt
Cựu Bộ trưởng Công Thương cho rằng cấp sơ thẩm chỉ căn cứ cáo trạng để luận tội, không xem xét các tình tiết khác nên nộp đơn kiến nghị tòa phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 19/5, TAND TP Hà Nội nhận được đơn kháng cáo của ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Công Thương, liên quan vụ án xảy ra tại khu đất của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ở TP.HCM.
Trong đơn gửi tòa phúc thẩm, ông Hoàng cho rằng cấp sơ thẩm chưa xem xét các tình tiết mới, giữ nguyên cáo trạng để làm căn cứ luận tội. Bị cáo kiến nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét toàn bộ hành vi của bị cáo trong vụ án để xác định lại tội danh, cân nhắc giảm nhẹ hình phạt.
Ngoài ông Hoàng, 3 người khác gồm Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng thuộc Bộ Công Thương), Lâm Nguyên Khôi (cựu Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM) và Lê Quang Minh (cựu trưởng phòng thuộc sở này) cũng nộp đơn xin giảm nhẹ hình phạt và mong muốn cải tạo ngoài xã hội.
Trong bản án sơ thẩm công bố chiều 29/4, TAND Hà Nội tuyên phạt ông Vũ Huy Hoàng 11 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Cùng tội danh này, ông Phan Chí Dũng lĩnh 9 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Hữu Tín, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM, bị tuyên phạt 6 năm 6 tháng tù về tội Vi phạm quy định về quản lý đất đai. Đồng phạm với ông Tín, bị cáo Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM) lĩnh 5 năm tù; Lâm Nguyên Khôi bị phạt 4 năm 6 tháng tù.
Nhóm cựu cán bộ thuộc UBND TP gồm Lê Văn Thanh lĩnh 4 năm tù; Lê Quang Minh bị phạt 3 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thanh Chương và Trương Văn Út cùng lĩnh 3 năm tù. Riêng Nguyễn Lan Châu lĩnh 30 tháng tù treo.
Cấp sơ thẩm xác định trong 10 bị cáo mắc sai phạm, ông Vũ Huy Hoàng phạm tội với vai trò chính. Hành vi của cựu Bộ trưởng Công Thương có tính chất quyết định gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến mảnh đất có diện tích hơn 6.000 m2 ở số 2-4-6 Hai Bà Trưng bị dịch chuyển từ sở hữu Nhà nước thành tài sản tư nhân.
Theo bản án, ông Vũ Huy Hoàng đã làm trái chỉ đạo của Chính phủ, quyết định cho Sabeco chuyển nhượng tài sản để đầu tư dự án xây khu tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại. Ông còn chỉ đạo bà Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng, đang bị truy nã) và cấp dưới ra văn bản yêu cầu Sabeco dùng quyền sử dụng đất cùng tiền của Sabeco góp vốn, thành lập Sabeco Pearl để kinh doanh bất động sản.
Tòa án xác định việc Sabeco đưa quyền sử dụng khu đất vàng vào liên doanh đầu tư xây dự án nhưng không định giá theo quy định để tính vào phần vốn góp của Sabeco tại Sabeco Pearl là một trong những lý do gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Căn cứ những công văn do ông Vũ Huy Hoàng và bà Hồ Thị Kim Thoa ký, tháng 4/2015, Sabeco đề nghị UBND TP.HCM cho phép Sabeco Pearl làm chủ đầu tư dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Sau đó, bị cáo Nguyễn Hữu Tín phê duyệt giá trị khu đất là 997 tỷ đồng. Căn cứ chỉ đạo của ông Tín, Văn phòng UBND TP.HCM và các sở, ngành đã tham mưu, đề xuất ông Tín chấp thuận cho Sabeco Pearl làm chủ đầu tư dự án, giống như đề nghị của Sabeco.
Hành vi của ông Nguyễn Hữu Tín và đồng phạm đã tạo điều kiện cho Sabeco Pearl (không phải là doanh nghiệp Nhà nước) thực hiện nghĩa vụ tài chính, được làm chủ đầu tư và thuê đất trái quy định.
Tháng 2/2016, Phan Chí Dũng dự thảo, đề xuất để ông Vũ Huy Hoàng ký công văn chỉ đạo cho Sabeco thoái vốn. Từ đó, Sabeco hoàn tất chuyển sở hữu khu đất ở quận 1, là tài sản Nhà nước sang tài sản tư nhân, gây thiệt hại 2.700 tỷ đồng.
Về dân sự, tòa sơ thẩm tuyên giao thửa đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, cho UBND TP.HCM giải quyết theo các quy định của pháp luật để khắc phục hậu quả vụ án. Các bị cáo không phải liên đới bồi thường.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ong-vu-huy-hoang-khang-cao-xin-giam-nhe-hinh-phat-post1217177.html