OPEC+ 'gác lại' bất đồng 'giải cứu' giá dầu

Một thỏa thuận về cắt giảm sản lượng dầu xuống còn 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6 tới vừa được Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới đạt được sau 4 ngày đàm phán khó khăn bằng hình thức trực tuyến giữa OPEC, Nga và các nước hay còn gọi là OPEC+. Thỏa thuận nhằm 'cứu' giá dầu trên thị trường thế giới đang trượt dốc không phanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành…

Thỏa thuận này được cho là mang tính lịch sử, đánh dấu sự cắt giảm sản lượng dầu lớn nhất từ trước đến nay, cao hơn gấp 4 lần so với thỏa thuận trong cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây. Theo đó, Saudi Arabia sẽ giảm 3,3 triệu thùng/ngày, Nga giảm 2 triệu thùng/ngày, các thành viên khác trong OPEC+ giảm 5 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman cho biết trên thực tế sản lượng cắt giảm của OPEC+ sẽ lên tới 12,5 triệu thùng/ngày, vì sản lượng của Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Kuwait đều cao hơn trong tháng 4. Cụ thể, Saudi Arabia sẽ cắt giảm 3,8 triệu thùng/ngày, trong khi UAE sẽ giảm 4,1 triệu thùng/ngày.

 Công nhân vận hành máy tại một cơ sở khai thác dầu mỏ ở Iran

Công nhân vận hành máy tại một cơ sở khai thác dầu mỏ ở Iran

Theo thỏa thuận, các nước OPEC+ cũng sẽ tiếp tục từng bước cắt giảm sản lượng trong vòng 2 năm, cho đến tháng 4/2022. Ngoài ra, OPEC+ còn bày tỏ mong muốn các nhà sản xuất ngoài nhóm như Mỹ, Canada, Brazil và Na Uy cắt giảm thêm 5%, tương đương 5 triệu thùng/ngày. Thỏa thuận của OPEC+ cũng chấm dứt cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia suốt thời gian qua do không bên nào chịu cắt giảm sản lượng.

Tình trạng căng thẳng năng lượng giữa hai quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới xảy ra vào đúng thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, khiến nhu cầu tiêu thụ dầu giảm mạnh trên toàn cầu (30 triệu thùng mỗi ngày) đã đẩy giá dầu xuống mức thấp kỷ lục trong hai thập kỷ trở lại đây.

Mức cắt giảm lần này tương đương khoảng 10% nguồn cung toàn cầu, được hy vọng sẽ giúp bình ổn giá dầu. Ngay sau khi thỏa thuận đạt được, giá dầu thô WTI tăng 4,6% lên 23,81USD/thùng lúc 20 giờ 25 phút ngày 12/4 (giờ New York). Mức định giá mới của dầu mỏ dự kiến tăng tới 9% ngay sau khi mở cửa, nhưng nhanh chóng được ổn định với mức thấp hơn với chỉ 4%. Dầu thô Brent tăng 2,1% lên mức 32,48 USD/thùng.

Cùng ngày, Mỹ, Nga và Saudi Arabia đã hoan nghênh việc các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu toàn cầu. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chia sẻ trên trang Twitter về thỏa thuận rằng, đây quả thực là một thỏa thuận tuyệt vời cho mọi quốc gia.

Ngay trước thời điểm đạt được thỏa thuận, Mỹ đã có một loạt nỗ lực ngoại giao để cùng với Nga và Saudi Arabia tìm cách cứu vãn giá dầu. Mỹ đã gây sức ép lên Saudi Arabia để đạt thỏa hiệp với Mexico về việc cắt giảm sản lượng của quốc gia này, cho dù trước đó Saudi Arabia và Nga đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng riêng. Giới chức Mexico thông báo kể từ tháng 5 tới, nước này sẽ cắt giảm sản lượng dầu ở mức 100.000 thùng/ngày.

Trước đó, nhóm OPEC+ đã đề nghị Mexico cắt giảm sản lượng 400.000 thùng/ngày, song Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador không chấp thuận. Theo Bộ Năng lượng Mexico, Mỹ sẽ bù đắp mức giảm sản lượng của Mexico bằng việc cắt giảm thêm 300.000 thùng/ngày, nhiều hơn 50.000 thùng so với mức 250.000 thùng mà Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Mexico Lopez Obrador đã nhất trí trước đó.

Việc các nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới "gác lại" những bất đồng, cùng chung tay để kiểm soát giá dầu là những động thái tích cực đáng hoan nghênh, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang đối diện với nguy cơ suy thoái do đại dịch Covid-19 và không một quốc gia nào có thể thoát khỏi sức tàn phá ghê gớm của nó.

Hoài Anh (t.h)

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/opec-gac-lai-bat-dong-giai-cuu-gia-dau-79159.html