OPEC+ muốn tiếp tục duy trì kế hoạch tăng sản lượng hiện tại
Theo những người quen thuộc với vấn đề này, một số nhà sản xuất dầu lớn nhất của OPEC+ muốn tiếp tục chiến lược của mình và bổ sung thêm 400.000 thùng dầu/ngày vào thị trường vào tháng 4.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) - liên minh gồm 23 quốc gia do Ả Rập Xê Út và Nga dẫn đầu sẽ họp vào ngày 2/3 để đưa ra quyết định về sản lượng cho tháng sau.
OPEC+ đã từng bước nâng cao sản lượng sau khi cắt giảm sâu sản lượng khi đại dịch xảy ra và làm giảm nhu cầu về dầu.
Dầu thô đã tăng mạnh với sự phục hồi kinh tế toàn cầu và tăng khoảng 20% trong năm nay lên hơn 90 USD/thùng. Nhiều nhà phân tích cho biết giá dầu có thể sớm đạt 100 USD/thùng. Năm ngoái, một số nhà nhập khẩu lớn, bao gồm cả Mỹ đã kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng nhiều hơn để góp phần làm hạ giá dầu.
OPEC+ cho biết, mức tăng hàng tháng 400.000 thùng/ngày là đủ để ổn định thị trường. Một số thành viên OPEC+ đã cho rằng việc tăng giá là do căng thẳng địa chính trị ở Ukraine.
Tuy nhiên, những quốc gia như Angola và Nigeria đang phải vật lộn để thúc đẩy sản xuất sau khi đầu tư suy giảm trong giai đoạn trước đó. Tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, OPEC+ đã bơm ít hơn gần 1 triệu thùng/ngày so với những gì họ cam kết.
Tình hình có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu sự bất đồng giữa Nga và phương Tây về Ukraine leo thang. Trong khi Moscow cho biết họ không có kế hoạch cho một cuộc xâm lược, các quan chức phương Tây vẫn cảnh giác. Bộ trưởng Năng lượng của Cộng hòa Congo, Bruno Jean Itoua cho biết rằng, một cuộc xung đột có thể khiến giá dầu thô lên 125 USD/thùng.
Các bộ trưởng năng lượng của bốn thành viên lớn nhất của OPEC - Ả Rập Xê Út, Iraq, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Kuwait - đã gặp nhau tại Riyadh vào Chủ nhật (20/2). Các bộ trưởng cho biết, chiến lược của họ đang giúp cân bằng thị trường năng lượng.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Ihsan Abdul Jabbar cho biết: “Vì lợi ích của toàn thị trường năng lượng, OPEC+ nên duy trì thỏa thuận hiện tại và bất kỳ sự thay đổi mạnh mẽ nào cũng có thể gây ra sự mất cân bằng cung cầu”.