OPEC 'nói không' với ông Biden về việc bơm mạnh nguồn cung dầu
Theo kết quả khảo sát của Reuters, sản lượng dầu của OPEC trong tháng 11/2021 chỉ tăng 220.000 thùng/ngày, vẫn thiếu 13% so với mức kế hoạch đặt ra trước đó.
Kết quả cuộc khảo sát được Reuters công bố hôm 30/11 cho thấy các nước thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không thực hiện đúng kế hoạch tăng sản lượng dầu vào tháng 11 theo thỏa thuận được nhóm OPEC+ (gồm OPEC và các nước đồng minh) nhất trí tại cuộc họp hồi tháng 7 năm nay.
Theo cuộc khảo sát được công bố ngày 30/11, sản lượng dầu thô của OPEC đã tăng 220.000 thùng mỗi ngày, còn thiếu 13% so với mức tăng mà OPEC cần tuân thủ.
Theo thỏa thuận OPEC+ đạt được hồi tháng 7 năm nay, 10 quốc gia thành viên OPEC sẽ tăng sản lượng tổng cộng thêm 254.000 thùng/ngày mỗi tháng, trong khi các đồng minh ngoài khối này, bao gồm cả Nga, sẽ tăng thêm 146.000 thùng mỗi ngày. Tổng nguồn cung của liên minh OPEC+ sẽ tăng lên tổng cộng 400.000 thùng mỗi ngày trong năm tới, cho đến khi sản lượng dầu đạt đến con số trước đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Reuters, một số thành viên OPEC không có khả năng sản xuất thêm. Trong khi các nhà sản xuất lớn của OPEC là Ả Rập Saudi và Iraq tuân thủ hạn ngạch tăng sản lượng vào tháng 11, Angola, Gabon và Equatorial Guinea không thể bơm thêm dầu.
Trong khi đó, Angola là quốc gia xuất khẩu đạt mức thấp kỷ lục trong tháng 11 theo lịch trình của tàu chở dầu với chỉ 50.000 thùng/ngày. Kế đó là Libya, một trong những quốc gia được miễn trừ khỏi giới hạn nguồn cung của OPEC do bảo trì đường ống.
Sản lượng ở Iran vẫn ổn định trong tháng 11. Các cuộc đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc trên thế giới sẽ cho phép phục hồi xuất khẩu lớn hơn đã được tiếp tục trong tuần này.
Theo kế hoạch, các bộ trưởng năng lượng nhóm OPEC+ sẽ họp trong ngày 2/12 để đánh giá thị trường và quyết định mức sản xuất cho tháng 1/2022.
Trước thềm các cuộc họp chính sách trong tuần này, hai nhà sản xuất lớn nhất trong OPEC+ là Nga và Ả Rập Saudi nói rằng không cần có "phản ứng tự động" để điều chỉnh chính sách sản lượng. Trong khi đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Ihsan Abdul Jabbar nhận định OPEC+ sẽ chỉ mở rộng chính sách sản lượng hiện nay trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, theo Reuters, một số nhà phân tích cho rằng OPEC+ có thể trì hoãn kế hoạch cung cấp thêm 400.000 thùng/ngày vào tháng 1/2022. Liên minh OPEC+ đã cân nhắc những tác động về việc Mỹ và các nước tiêu thụ lớn khác gồm: Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh tuyên bố mở kho dự trữ dầu thô khẩn cấp vào tuần trước để hạ nhiệt giá năng lượng. Quyết định của Mỹ đưa ra trong bối cảnh OPEC+ đã nhất trí tiếp tục duy trì mức tăng sản lượng dầu thô ở mức 400.000 thùng/ngày trong bối cảnh giá dầu liên tiếp chạm các mốc kỷ lục.
Theo tờ Arab News, OPEC+ không cho rằng việc xuất dầu thô từ các kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của một số quốc gia có thể tạo ra tác động “có ý nghĩa" trên thị trường dầu toàn cầu.
OPEC+ dự báo nguồn cung toàn cầu sẽ dư thừa 3 triệu thùng/ngày trong quý I/2022, sau khi các kho dự trữ nói trên được mở, cao hơn so với mức 2,3 triệu thùng/ngày dự báo trước đó. Điều này cũng đồng nghĩa với khả năng OPEC+ sẽ tạm dừng kế hoạch bổ sung nguồn cung 400.000 thùng/ngày vào tháng 1/2022.
Giá “vàng đen” phục hồi khi tăng hơn 4% trước cuộc họp của OPEC+. Chốt phiên giao dịch ngày 1/12, giá dầu Brent cộng 3 USD, tương đương 4,4%, lên mức hơn 72 USD/thùng, tong khi giá dầu WTI tăng 2,86 USD, tương đương 4,3%, đạt 69 USD/thùng./.