Ôtô nhập khẩu chuyển sang lắp ráp đón hỗ trợ - giá xe khó giảm
Thời gian qua, nhiều mẫu ôtô ăn khách chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp trong nước. Điều này mang đến sự kỳ vọng về giá xe tốt hơn cho người dùng Việt.
Giai đoạn đầu năm 2018, nhiều mẫu ôtô lắp ráp trong nước chuyển sang nhập khẩu từ các nước trong khối ASEAN như Thái Lan hay Indonesia. Nguyên nhân bởi theo nội dung Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ 1/1/2018, thuế nhập khẩu ôtô từ khu vực này về Việt Nam chính thức giảm còn 0%. Một số dòng xe CKD tiêu biểu chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc thời điểm đó gồm có Toyota Fortuner, Honda CR-V và Honda Civic.
Thời gian vừa qua, sau khi nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích dành cho ôtô nội địa được Chính phủ ban hành, một số dòng xe nhập khẩu bắt đầu rục rịch được lắp ráp trở lại tại Việt Nam.
Nhiều mẫu xe ăn khách quay trở lại lắp ráp nội địa
Ngày 6/6/2019, phần lớn các phiên bản của mẫu SUV Toyota Fortuner được đưa về lắp ráp trong nước thay vì nhập khẩu như trước đó. Cụ thể, 4 trên tổng số 6 phiên bản Fortuner (2.4 MT 4x2, 2.4 AT 4x2, 2.8 AT 4x4 và 2.7 AT 4x2 TRD) chuyển sang lắp ráp nội địa. Hai phiên bản 2.7 AT 4x4 và 2.7 AT 4x2 vẫn nhập khẩu từ Indonesia.
Đầu tháng 6/2020, hình ảnh của Mitsubishi Xpander 2020 xuất hiện trên trang web của Cục Đăng kiểm, cho thấy mẫu MPV cỡ nhỏ này sẽ được lắp ráp tại Việt Nam thay vì nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia.
Dựa trên thông tin được Cục Đăng kiểm đăng tải, cả hai phiên bản AT và MT của Mitsubishi Xpander mới sẽ được sản xuất tại công ty TNHH ôtô Mitsubishi Việt Nam, phường An Bình, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Song song đó, Honda Việt Nam cũng đã chính thức xác nhận Honda CR-V mới sẽ được lắp ráp trong nước và dự kiến trình làng ngày 30/7, với 3 phiên bản L, G, E cùng một số trang bị tiện nghi và an toàn được bổ sung.
Đáng chú ý, đây đều là những mẫu xe ăn khách tại thị trường Việt Nam. Xét 5 tháng đầu 2020, Xpander đạt doanh số 4.066 chiếc, dẫn đầu phân khúc MPV. Trong khi đó, Fortuner và CR-V ghi nhận doanh số lần lượt là 2.899 và 3.493 xe, đứng đầu nhóm SUV/CUV 7 chỗ.
Chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp mang lại nhiều lợi ích
Những chính sách mới của Chính phủ thời gian gần đây góp phần lớn trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp ôtô Việt Nam đầu tư, triển khai dây chuyền sản xuất, lắp ráp.
Ngày 28/6, Nghị định 70/2020 chính thức có hiệu lực, giúp các mẫu ôtô CKD được hưởng ưu đãi 50% lệ phí trước bạ đến hết năm 2020. Dù vẫn còn những tranh cãi xung quanh việc cắt giảm khuyến mại từ phía hãng xe và đại lý, không thể phủ nhận ảnh hưởng tích cực mà Nghị định 70/2020 mang lại. Tổng chi phí lăn bánh của ôtô nội đã giảm đáng kể, có thể lên tới hàng trăm triệu đồng với những mẫu xe sang như Mercedes-Benz.
Song song đó, khi Nghị định 57/2020 chính thức có hiệu lực vào ngày 10/7 sắp tới, thuế nhập khẩu các loại vật tư, linh kiện lắp ráp ôtô mà trong nước chưa sản xuất được sẽ giảm còn 0%. Chính sách này tạo ra những lợi thế lâu dài cho ôtô nội địa.
Trao đổi với Zing, chuyên gia ôtô Nguyễn Mạnh Thắng cho biết những chính sách mới hỗ trợ cả ngắn và dài hạn cho ôtô nội đang tạo động lực để các doanh nghiệp hướng tới sản xuất, lắp ráp xe trong nước.
"Bên cạnh những lợi ích về kinh tế mà chính sách mới mang lại, việc sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam, đặc biệt với các mẫu xe ăn khách, sẽ giúp hãng chủ động hơn về nguồn cung. Đồng thời, việc mở rộng dây chuyền và quy mô sản xuất cũng góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người dân", ông Thắng chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng nhiều khả năng các hãng sẽ chỉ sản xuất và lắp ráp những dòng xe chủ lực tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, các mẫu xe kém hút khách sẽ vẫn được đưa về nước ta theo dạng nhập khẩu. Đây là phương án hợp lý để hãng tối ưu hóa chi phí, cũng như duy trì sự đa dạng về dải sản phẩm.
Giá xe nội khó có biến chuyển lớn
Không chỉ các doanh nghiệp ôtô mà người dùng cũng sẽ nhận được nhiều lợi ích khi nhiều mẫu xe chuyển từ nhập khẩu sang sản xuất, lắp ráp nội địa. Đầu tiên phải kể đến chi phí lăn bánh trong năm 2020 của các mẫu xe trước kia là xe CBU sẽ giảm mạnh.
Đơn cử, Honda CR-V L có giá niêm yết 1,093 tỷ đồng, khi chuyển sang lắp ráp trong nước và hưởng ưu đãi 50% lệ phí trước bạ, sẽ có tổng chi phí lăn bánh tại TP.HCM và Hà Nội rẻ hơn tương ứng khoảng 55 và 66 triệu đồng.
Theo chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng, việc chủ động được nguồn cung từ hãng sẽ góp phần giúp các mẫu xe ăn khách ít rơi vào cảnh khan hàng, nhờ đó hạn chế việc các đại lý viện cớ thiếu xe để tăng giá bán hoặc bắt khách hàng "mua bia kèm lạc".
Bên cạnh đó, ông Thắng cho rằng chính sách miễn thuế nhập khẩu linh phụ kiện cũng mang tới cơ hội để các mẫu xe lắp ráp nội địa có được lượng trang bị tiện nghi, an toàn đầy đủ hơn, trong khi giá bán không thay đổi nhiều.
Tuy nhiên, ngoài những thay đổi kể trên, nhiều khả năng giá ôtô sản xuất và lắp ráp nội địa sẽ không có biến chuyển lớn. Theo ông Thắng, giá bán các mẫu xe chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp có thể giảm, nhưng không nhiều.
"So với các quốc gia cùng khối ASEAN như Thái Lan hay Indonesia, sản lượng ngành ôtô Việt Nam đang còn ở mức thấp và năng suất lao động của các doanh nghiệp cũng vậy. Do đó, với cùng một mẫu xe, chi phí cấu thành sản phẩm khi lắp ráp tại Việt Nam có thể sẽ cao hơn những nước láng giềng. Vì thế, giá bán của xe khó có thể giảm mạnh", ông Thắng nhận định.
Ngoài ra, giá xe tới tay người tiêu dùng cũng nhiều khả năng sẽ không giảm như kỳ vọng. Thời gian vừa qua, các hãng xe và đại lý đua nhau giảm giá, khuyến mại nhằm thu hút khách hàng, thậm chí chấp nhận bán giá thấp để cạnh tranh và giải phóng kho hàng. Khi phí trước bạ giảm, nhu cầu khách hàng trở lại, các chính sách này sẽ được cắt giảm.
Trước đó, trao đổi với Zing, chuyên gia ôtô Nguyễn Sơn cho rằng giá xe có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. "Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng tới cả nền kinh tế, và các đại lý ôtô cũng đã có một giai đoạn rất khó khăn. Khi có thêm chính sách hỗ trợ, họ sẽ tìm cách có thêm lợi nhuận, cụ thể là giảm bớt các chương trình khuyến mãi do đại lý tự tổ chức, hoặc thậm chí bán "bia kèm lạc" nếu lượng khách hàng trở nên dồi dào", ông Sơn cho biết.