Ôtô nhập khẩu về Việt Nam - xe Trung Quốc chưa phải là thế lực
So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng xe nhập trong quý đầu tiên của năm 2021 từ Thái Lan tăng 56%, nhưng sẽ giảm trong vài tháng tới.
Trong 3 tháng đầu năm 2021, thị trường ôtô Việt tiếp tục chứng kiến màn "đổ bộ" rầm rộ của các mẫu xe tới từ Đông Nam Á, cụ thể là Thái Lan (19.305 xe) và Indonesia (8.946 xe). Trung Quốc xếp thứ 3 với 3.938 xe.
Hai quốc gia Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt xếp dưới với số lượng chưa đến 1.000 xe, Mỹ và các quốc gia châu Âu dưới 500 xe.
Thái Lan và Indonesia đứng đầu thị phần
Trong tháng 3, tổng số xe từ Thái Lan được nhập về Việt Nam đạt 9.768 chiếc, tăng 4.572 so với tháng trước. Phần lớn xe được nhập về là dòng xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống (6.922 xe), tiếp theo là ôtô vận tải (3.480 xe). Đối với dòng xe trên 9 chỗ ngồi, Thái Lan xuất khẩu sang Việt Nam 12 xe, tương đương 100% số xe trên 9 chỗ ngồi.
Đối với Indonesia, tổng lượng xe được nhập khẩu từ nước này trong tháng 3 đạt 4.209 chiếc. Trong đó chiếm phần lớn là xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống (3.713 xe) và xe vận tải (495 xe).
Dù tăng 909 xe so với tháng trước, tổng lượng xe nhập từ Indonesia trong quý I/2021 vẫn giảm 26%. Đáng chú ý, lượng xe nhập từ Indonesia trong tháng 1 xếp sau Trung Quốc. Nguyên nhân lượng xe nhập về từ quốc gia này bị giảm là sức mua trên thị trường những tháng đầu năm yếu, một phần đến từ tình hình dịch Covid-19 cũng như tâm lý chờ phiên bản mới của các dòng xe bán chạy.
Hầu hết xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống bán chạy tại Việt Nam đều được nhập khẩu từ 2 quốc gia trên. Chẳng hạn như Ford Ranger, Toyota Corolla Cross nhập từ Thái Lan hay Mitsubishi Xpander nhập từ Indonesia.
Trong nhóm 10 xe bán chạy nhất tháng 3 ở Việt Nam, có 4 mẫu xe được nhập khẩu, tất cả đều từ Thái Lan và Indonesia. Bao gồm Ford Ranger, Mitsubishi Xpander, Toyota Corolla Cross và Mitsubishi Attrage.
Xe nhập khẩu từ Thái Lan sẽ giảm
Theo thông tin từ Ford Việt Nam, hãng sẽ lắp ráp dòng Ford Ranger trong nước thay vì nhập từ Thái Lan như trước đây. Dự kiến dây chuyền sản xuất sẽ bắt đầu từ giữa năm nay.
Với việc lắp ráp nội địa của Ford Ranger, số lượng xe nhập khẩu từ 9 chỗ ngồi trở xuống từ Thái Lan chắc chắn sẽ bị giảm đi đáng kể. Trong tháng 3, doanh số của Ranger tại Việt Nam đạt 2.171 xe, chiếm 31,3% số xe từ Thái Lan nhập về.
Với những thông tin mẫu xe này sẽ lắp ráp trong nước. Người tiêu dùng đang ồ ạt đến các đại lý để tìm mua những chiếc Ranger cuối cùng nhập từ Thái Lan. Do nguồn cung khan hiếm dần, Ranger nhập Thái đang bị các cửa hàng đội giá 30-70 triệu đồng.
Không chỉ Ranger, các mẫu xe bán tải khác trong nước đều nhập từ Thái Lan. Tuy nhiên doanh số của những mẫu xe còn lại như Toyota Hilux, Mazda BT-50 hay Isuzu D-Max khó có thể so sánh với sự thành công của Ranger.
Lý do Ford Ranger được người dùng lựa chọn nhiều nhất đến từ yếu tố sức mạnh lẫn trang bị. Mẫu xe này có đến 3 tùy chọn động cơ (2.2L, turbo 2.0L và bi-turbo 2.0L), các công nghệ an toàn không thua kém những mẫu SUV hay sedan tầm trung.
Khi không còn Ranger, lượng xe nhập từ Thái Lan dự kiến giảm khoảng 2.000 xe mỗi tháng. Với mức giảm này, tổng lượng xe nhập từ Thái Lan có thể giảm khoảng 6.000 xe trong quý II/2021. Điều này sẽ giúp lượng xe nhập từ Thái Lan và Indonesia cân bằng hơn.
Xe Trung Quốc chưa phải là thế lực
Mỗi khi có một mẫu xe mới của Trung Quốc xuất hiện tại Việt Nam, thị trường ôtô lại có một phen "dậy sóng". Giá rẻ, thiết kế như xe châu Âu, tràn ngập công nghệ, những Zotye Z8 ngày trước hay gần đây nhất là Beijing X7 khiến cộng đồng xôn xao về giá cả, tính năng lẫn chất lượng.
Tuy nhiên, số lượng xe bán ra trong 3 tháng đầu năm của những chiếc ôtô du lịch tới từ Trung Quốc trên thực tế chưa nhiều.
Trong tổng số 3.938 xe Trung Quốc nhập về Việt Nam trong 3 tháng đầu năm, có 3.423 chiếc là ôtô vận tải và xe chuyên dụng. Số ôtô dưới 9 chỗ ngồi là khoảng 515 chiếc.
Theo tìm hiểu, trong 3 tháng đầu năm, có 2 đơn vị nhập khẩu xe dưới 9 chỗ từ Trung Quốc về Việt Nam là Kylin và Tanchong. Tanchong hiện phân phối dòng xe MG, và nhập khẩu dòng MG HS từ Trung Quốc với giá từ 719 tới 949 triệu đồng. Giá cao và là cái tên mới khiến MG HS vẫn là lựa chọn kén khách tại Việt Nam.
Trong khi đó, Kylin phân phối 2 mẫu xe là BAIC X55, BAIC Beijing X7. Giá của BAIC X55 là 508 triệu và X7 có 3 phiên bản giá từ trên 500 triệu tới 698 triệu đồng. Theo đại diện Kylin, 99% khách hàng quan tâm đến bản cao cấp nhất của Beijing X7 với giá bán 698 triệu đồng.
Dù nhận được nhiều lời khen về thiết kế, trang bị công nghệ cũng như giá bán, xe Trung Quốc vẫn nhận được nhiều hoài nghi về độ bền cũng như giá trị bán lại, và cần nhiều thời gian hơn để có thể chinh phục được thị trường Việt Nam.