Oxford Economics lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam
Báo cáo của Oxford Economics kỳ vọng kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm sẽ có sự phục hồi, do đó tăng trưởng cả năm có thể đạt 2,3%, thấp hơn so với mức 7,02% của năm 2019.
Trong báo cáo công bố ngày 14/7, chuyên gia Sian Fenner thuộc Oxford Economics nhận định việc kiểm soát tốt dịch COVID-19 sẽ giúp Việt Nam phục hồi kinh tế nhanh hơn phần lớn các nền kinh tế trong khu vực và có thể đạt mức tăng trưởng 2,3% trong năm 2020.
Báo cáo của Oxford Economics kỳ vọng kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm sẽ có sự phục hồi, do đó tăng trưởng cả năm có thể đạt 2,3%, thấp hơn so với mức 7,02% của năm 2019. Bước sang năm 2021, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 8%.
Tuy nhiên, sự phục hồi cũng sẽ dễ bị tác động bởi các diễn tiến của tình hình bên ngoài, đặc biệt là những yếu tố tác động tới thương mại, du lịch và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Bà Sian Fenner nhận định: “Dù khá triển vọng, nhưng chúng tôi vẫn cẩn trọng về triển vọng của các động lực tăng trưởng. Thực tế, một phần của sự hồi phục trong lĩnh vực bán lẻ gần đây phản ánh sự nới lỏng của nhu cầu bị dồn nén.”
Đầu tư trực tiếp nước ngoài dự kiến sẽ tăng trở lại trong quý 2/2020 nhờ tiềm năng về nguồn lao động và gần gũi về địa lý với Trung Quốc. Do đó, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực chế tạo, sản xuất.
Tuy nhiên, những hạn chế về đi lại quốc tế hiện nay sẽ tiếp tục kiềm chế ngành du lịch tăng trưởng. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy du lịch nội địa, nhưng cũng khó có khả năng bù đắp cho sự sụt giảm từ du lịch quốc tế.
Ngoài ra, do xuất khẩu đóng góp tới 80% GDP của Việt Nam nên tốc độ phục hồi kinh tế của Việt Nam cũng còn phụ thuộc vào sự phục hồi của thương mại toàn cầu.
Một rủi ro lớn đối với Việt Nam là làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai và nguy cơ toàn cầu lại một lần nữa phong tỏa. Trong kịch bản này, tăng trưởng của Việt Nam năm 2020 có thể chỉ đạt 1,5% và năm 2021 sẽ ở mức 7,8%./.