Pả Cân không cam phận đói nghèo

Từ nghèo khó nhưng với bản tính cần cù, tích cực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của nhiều hộ người miền xuôi làm ăn giỏi ở địa phương, ông Pả Cân, ở xã Thanh, huyện Hướng Hóa từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên bản làng của mình.

 Ông Pả Cân (bên phải) luôn cần cù, chịu khó học hỏi trong làm ăn và đã tạo dựng được cuộc sống ấm no

Ông Pả Cân (bên phải) luôn cần cù, chịu khó học hỏi trong làm ăn và đã tạo dựng được cuộc sống ấm no

Trước đây, cũng như nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hằng ngày Pả Cân cùng gia đình thường làm lúa rẫy và vào rừng hái mây, đót, măng, xuống sông suối kiếm cá, tôm để bán lấy tiền đong gạo. Dù vậy cuộc sống của gia đình Pả Cân cũng như nhiều gia đình người dân địa phương vẫn bị đói nghèo bủa vây. “Không thể mãi nghèo khó được, phải thay đổi cách làm ăn thôi. Phải thoát nghèo, vươn lên thì cuộc sống mới hết khổ, con cái mới có điều kiện học hành đến nơi đến chốn”, ông Cân quả quyết. Với lối suy nghĩ tích cực đó, bắt đầu từ năm 2013, ông Pả Cân đã giảm diện tích lúa rẫy, tích cực khai thác vùng đất bằng ven khe suối trồng lúa nước 2 vụ, đảm bảo nguồn lương thực cho gia đình quanh năm. Bên cạnh đó, ông tập trung khai hoang đất phía sau nhà trồng 2 ha bời lời, hơn 2 ha sắn, 3 ha chuối và qua tận các bản làng nước bạn Lào thuê đất trồng thêm chuối, ngoài ra còn chăn nuôi thêm trâu, bò, lợn. Không làm ăn kiểu “nhờ trời” mà ông Cân giờ đây đã biết cách áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, tổ chức sản xuất, chăn nuôi một cách hợp lí và đã mang lại nguồn thu nhập ngày càng cao. Nhiều năm nay Pả Cân được công nhận là hộ nông dân sản xuất giỏi. “Cũng nhờ nhiều hộ gia đình người dưới đồng bằng lên bày vẽ cách làm ăn tiến bộ, hướng dẫn tận tình kĩ thuật trồng trọt, chăn nuôi cũng như giới thiệu đầu ra cho cây trồng, con nuôi mà gia đình tôi làm ăn thuận lợi hơn. Mới đây nhà nước còn đầu tư làm con đường nhựa rộng, thuận tiện trong vận chuyển, mua bán nên người dân làm ăn ngày càng khấm khá. Nhờ mô hình kinh tế có hiệu quả nên từ chỗ trước đây đời sống khó khăn thì mấy năm trở lại đây gia đình tôi có nguồn thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 100 - 120 triệu đồng”, Pả Cân nói.

Trong những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Thanh đã có định hướng và thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân khai thác lợi thế về đất đai để trồng các loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu. Nhờ vậy, rất nhiều hộ, trong đó có hộ gia đình ông Pả Cân đã biết tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả. Đây là một trong những mô hình được xã đánh giá cao và đang chỉ đạo các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội LHPN nữ xã tổ chức cho hội viên đến tham khảo để nhân rộng. Chủ tịch UBND xã Thanh Hồ Văn Hạnh cho biết: “Mô hình kinh tế của ông Pả Cân hiện nay đang cho hiệu quả kinh tế cao, là điểm sáng về hộ gia đình người dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi. Từ hộ nghèo thì nay gia đình ông Cân đã vươn lên khá giả, cuộc sống ngày càng ấm no. Chúng tôi xem đây là mô hình điểm để tuyên truyền, vận động người dân học tập, áp dụng để vươn lên phát triển kinh tế thoát nghèo và làm giàu”.

Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ giúp đỡ của chính quyền và các tổ chức đoàn thể, ông Pả Cân cũng như nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các xã miền núi Quảng Trị đã có điều kiện vươn lên thoát nghèo và giàu lên, tạo dựng cuộc sống ngày càng no đủ.

Hiếu Giang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=140802