Pả Hơi - nghệ nhân người Vân Kiều đa tài
Ngày nay, hiếm nghệ nhân người dân tộc thiểu số nào vừa có khả năng sử dụng được nhiều loại nhạc cụ vừa chế tác nhạc cụ, hát dân ca và đan lát truyền thống như Pả Hơi (tên thật là Hồ Văn Vạt), ở khóm Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa. Dù cuộc sống có theo xu hướng hiện đại và giao thoa văn hóa các vùng miền khiến nghề truyền thống đang bị mai một, người đàn ông Vân Kiều này vẫn cần mẫn giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc mà tổ tiên để lại.
Đối với Pả Hơi, văn hóa truyền thống của đồng bào Bru Vân Kiều như ăn sâu vào máu thịt. Hơn 40 năm qua, kể từ lúc bắt đầu làm quen với các loại nhạc cụ của dân tộc, lúc nào ông cũng giữ bên mình các loại nhạc cụ cơ bản của người Vân Kiều, nhất là khèn bè và đàn ta lư. Nơi ông sinh sống không có ai truyền dạy, Pả Hơi đã tự mày mò tập luyện rồi hỏi thêm ở các nghệ nhân lớn tuổi.
Ông dày công tập luyện bằng tất cả niềm đam mê của mình. Vì thế, khả năng chơi đàn và khèn của ông ngày càng tiến bộ. Khi khả năng sử dụng nhạc cụ đã thành thạo, Pả Hơi tiếp tục chủ động tự tìm tòi, nghiên cứu cách chế tác khèn bè, đàn ta lư và sửa chữa những loại nhạc cụ này.
Tất cả các lỗi cơ bản như đứt dây, lỏng sáp, gãy lưỡi gà... của đàn ta lư, thanh âm của khèn bè đều được ông khắc phục một cách tài tình. Vì thế nhiều nghệ nhân trong vùng thường tìm đến nhờ ông “chữa bệnh” cho nhạc cụ mình đang sử dụng không may bị hư hỏng.
Trong 3 năm trở lại đây, Pả Hơi có thể chế tác thành thạo khèn bè và đàn ta lư. Để làm được điều này, ông phải trải qua một quá trình nỗ lực không ngừng. Đặc biệt là đối với khèn bè, một loại nhạc cụ khó sử dụng mà chế tác lại càng khó hơn.
Nguyên liệu tre phải tìm kiếm tận rừng nước bạn Lào. Cây tre làm đàn phải lựa chọn kỹ càng, đạt độ thẳng, đẹp, không quá già cũng không quá non, mang về phơi nhiều nắng rồi nắn, ép cho đạt độ thẳng nhất định.
Sáp kết dính phải được làm từ tổ ong ruồi nằm trong lòng đất. Tất cả các loại dụng cụ như búa, đe, mài, dũa... ông đều tự tay chuẩn bị. Các bước làm đàn hoàn toàn thủ công. Công đoạn mài lưỡi gà cho khèn bè được coi là công đoạn khó nhất.
Để cho ra đời được chiếc khèn bè đạt chất lượng, có âm thanh trầm bổng, réo rắt, chất chứa đầy cảm xúc, đòi hỏi người làm phải có đôi bàn tay khéo léo, đôi mắt tinh tường và đôi tai thẩm âm nhạy bén. Người chế tác thành công khèn bè phải là người chơi khèn đạt đến độ điêu luyện. Thường thì mất 5 - 7 ngày ông mới chế tác xong một cây khèn bè.
Không những biết chế tác khèn bè và đàn ta lư, Pả Hơi còn có khả năng sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ khác như cồng, chiêng và hát dân ca của người Vân Kiều. Là thành viên của Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng thị trấn Lao Bảo từ năm 2020, Pả Hơi tích cực tham gia các hoạt động tại đây. Ông nhiệt tình hướng dẫn kinh nghiệm về hát dân ca và sử dụng nhạc cụ cho các thành viên trong CLB, cùng mọi người tham gia biểu diễn tại các sự kiện văn hóa tại địa phương. Đây là điều kiện để ông giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sử dụng, chế tác nhạc cụ.
Các nghệ nhân trong thị trấn cũng như ở các xã Hướng Việt, Hướng Sơn, Hướng Phùng... thường tìm đến nhà Pả Hơi để học hỏi kỹ năng sử dụng cũng như chế tác nhạc cụ và mua khèn về chơi. Sau giờ lao động hoặc lúc nông nhàn họ lại tập trung ở nhà Pả Hơi để cùng nhau đàn hát, giao lưu, học hỏi lẫn nhau.
Ngoài việc bảo tồn nhạc cụ và dân ca, Pả Hơi còn dành thời gian đan lát. Đây là nghề truyền thống cha ông truyền lại, giúp gia đình ông nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Các loại dụng cụ phục vụ đời sống sản xuất như gùi, giỏ, mâm cơm, chổi đót... ông đều tự tay làm.
Ban đầu chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình, dần dần người dân trong, ngoài vùng thấy đẹp và chất lượng nên tìm đến đặt hàng. Chủ nhiệm CLB Cồng chiêng Lao Bảo Hồ Văn Khưn cho biết: “Pả Hơi là một trong những thành viên rất tích cực.
Ngoài chơi giỏi các loại nhạc cụ, ông là người duy nhất trong vùng có thể làm được khèn bè và đàn ta lư. Chính vì thế ngoài việc biểu diễn thì ông còn hướng dẫn cho các thành viên khác cách chơi và chế tác nhạc cụ”.
Ngày nay, việc tìm kiếm nguyên vật liệu như mây, tre, nứa khó khăn hơn trước. Mặt khác, nhu cầu cuộc sống con người cũng có phần thay đổi theo hướng hiện đại, nhiều người sử dụng các sản phẩm công nghiệp nên phần lớn các hộ gia đình trước đây theo nghề truyền thống nay đã bỏ nghề. Riêng Pả Hơi vẫn nhất quyết gìn giữ.
“Mặc dù việc chế tác nhạc cụ, nhất là khèn bè và đan lát các vật dụng bằng mây, tre, nứa hiện nay gặp khó khăn nhưng tôi vẫn cố gắng duy trì và truyền dạy cho thế hệ trẻ để tiếng khèn bè, đàn ta lư, nghề đan lát truyền thống của dân tộc mình không bị mất đi”, Pả Hơi chia sẻ.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/pa-hoi-nghe-nhan-nguoi-van-kieu-da-tai-185102.htm