Pác Nặm: Tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp
Thời gian qua, huyện Pác Nặm tập trung thực hiện các giải pháp để thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp theo Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và Đề án phát triển một số cây trồng, vật nuôi có lợi thế. Đến nay sản xuất nông nghiệp của huyện đã có những chuyển biến rõ nét, tạo ra những sản phẩm mang tính hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.
Theo kế hoạch sản xuất năm 2022, UBND huyện Pác Nặm tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình, dự án phát triển sản xuất gắn với Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh và Đề án phát triển một số cây trồng, vật nuôi có lợi thế. Huyện đã ban hành Kế hoạch thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, tập trung chỉ đạo xây dựng các dự án thực hiện theo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Hiện nay, UBND huyện đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt 01 dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lợn thịt bản địa, quy mô liên kết sản xuất 1.200 con/3 chu kỳ sản xuất (thực hiện trong 3 năm) với tổng kinh phí hơn 2,6 tỷ đồng; 01 dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm bí xanh, mướp đắng rừng và nghệ với quy mô 30ha/3 chu kỳ/3 năm, ngân sách Nhà nước hỗ trợ hơn 1,1 tỷ đồng. Các chương trình, dự án đã và đang tổ chức triển khai thực hiện theo kế hoạch.
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, từ nguồn Trung ương bổ sung có mục tiêu năm 2021 và nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách tỉnh năm 2020 chuyển sang năm 2021, huyện triển khai thực hiện 02 dự án, trong đó: Dự án chăn nuôi lợn thịt bản địa với tổng kinh phí hơn 454 triệu đồng, thực hiện tại các xã Nhạn Môn, Giáo Hiệu, hỗ trợ 197 con lợn thương phẩm. Dự án phát triển sản xuất chăn nuôi trâu, bò vỗ béo với tổng kinh phí 1.580 triệu đồng, thực hiện tại các xã Nghiên Loan, Công Bằng, Bộc Bố, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ thức ăn hỗn hợp và các loại vật tư khác vỗ béo 381 con trâu, bò...
Huyện Pác Nặm tiếp tục thực hiện và xây dựng 05 dự án gồm: Dự án phát triển chăn nuôi trâu, bò giai đoạn 2022 - 2025; Dự án phát triển cây rau giai đoạn 2022 - 2025; Dự án phát triển một số cây dược liệu, cây gia vị giai đoạn 2022 - 2025; Dự án phát triển một số cây ăn quả chủ lực trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2025; Đề án phát triển các sản phẩm OCOP giai đoạn 2022 - 2025; phối hợp với Viện Nghiên cứu rau, quả triển khai Dự án cải tạo thâm canh tăng năng suất chất lượng cây mận và cây ôn đới khác trên địa bàn huyện, chỉ đạo thực hiện xây dựng phát triển được 02 trang trại chăn nuôi lợn, trong đó có 01 trang trại chăn nuôi liên kết theo chuỗi sản xuất.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022, UBND huyện chỉ đạo rà soát các dự án thực hiện gắn với Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh và Đề án phát triển một số cây trồng, vật nuôi có lợi thế. Dự kiến năm 2022 thực hiện 6 dự án phát triển chăn nuôi, quy mô 4.250 con vật nuôi các loại, kinh phí dự kiến 4,8 tỷ đồng. Thực hiện 02 mô hình sản xuất dự kiến kinh phí 450 triệu đồng. UBND huyện đã bố trí dự kiến kinh phí trên 2,2 tỷ đồng thực hiện một số nội dung Đề án phát triển một số cây trồng, vật nuôi có lợi thế trên địa bàn huyện, hiện đang triển khai ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, cải tạo thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng cây mận, cây ăn quả và cây ôn đới khác với tổng diện tích 42,45ha; chỉ đạo tập trung phát triển 03 trang trại chăn nuôi lợn tại các xã Nghiên Loan, Bộc Bố, Cổ Linh; xây dựng và duy trì 56 tổ hợp tác tại 10 xã với 703 hộ tham gia chuỗi giá trị lợn đen có liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp, thương lái tiêu thụ sản phẩm…
Ông Ma Văn Tuấn- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để triển khai có hiệu quả các đề án, huyện thực hiện những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, các mô hình, dự án phát triển sản xuất áp dụng tiến bộ kỹ thuật được tập trung chỉ đạo triển khai sản phẩm cây ăn quả mang tính chủ lực của huyện. Tuy nhiên thực tế cho thấy công tác triển khai thực hiện các đề án phát triển cây trồng có lợi thế trên địa bàn huyện còn chậm, do đó huyện tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện hoàn thành mục tiêu các chương trình, dự án, đề án về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo phân kỳ năm 2022; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn cây trồng chất lượng, năng suất, đảm bảo diện tích, phấn đấu thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất năm 2022./.