Pakistan: Cựu Thủ tướng Imran Khan hầu tòa? Quân đội đổ bộ, ra 'tối hậu thư', Anh theo dõi chặt
Ngày 10/5, cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã xuất hiện tại một phiên tòa đặc biệt ở trụ sở cảnh sát thủ đô để trả lời về các cáo buộc tham nhũng, trong bối cảnh biểu tình bạo lực nổ ra trên toàn quốc liên quan vụ ông bị bắt.
Một số phương tiện truyền thông địa phương dẫn các nguồn giấu tên cho biết, các công tố viên đã yêu cầu tạm giam ông Khan trong 14 ngày.
Theo đài Geo TV, ông Khan được phép tham khảo ý kiến các luật sư của mình trong phiên lấy lời khai, nhưng các quan chức tòa án không xác nhận chi tiết về thủ tục tố tụng.
Cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan bị bắt giữ hôm 9/5 vì bị cáo buộc dính líu một vụ án tham nhũng, khiến những người ủng hộ ông xông vào các tòa nhà quân sự và lục soát nơi ở của một tướng lĩnh hàng đầu ở thành phố Lahore.
Các tòa nhà và tài sản khác của nhà nước cũng đã bị người biểu tình tấn công và phóng hỏa.
Biểu tình bạo lực đã khiến ít nhất 5 người thiệt mạng, làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn ở quốc gia Nam Á có 220 triệu dân này, đặc biệt trong bối cảnh Pakistan đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bị trì hoãn kể từ tháng 11/2022.
Trước tình trạng trên, ngày 10/5, chính phủ Pakistan đã chấp thuận yêu cầu từ thủ đô Islamabad cùng 2 tỉnh Punjab và Khyber Pakhtunkhwa - cả hai đều là thành trì của cựu Thủ tướng Khan - được phép triển khai quân đội để khôi phục tình hình an ninh.
Quân đội Pakistan ra tuyên bố nêu rõ, lực lượng này đã kiềm chế trong thời gian xảy ra bạo lực trước đó, song nếu còn tiếp diễn thêm bất kỳ vụ tấn công nào nhằm vào các cơ quan quân đội hay lực lượng thực thi pháp luật cũng như các cơ quan hoặc tài sản nhà nước “đều sẽ bị đáp trả nghiêm khắc”.
Cũng trong ngày 10/5, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết, nước này đang giám sát tình hình ở Pakistan một cách cẩn thận.
Phát biểu trước các nghị sỹ Quốc hội Anh, ông Sunak khẳng định: "Việc bắt giữ cựu Thủ tướng là một vấn đề nội bộ quan trọng của Pakistan. Chúng tôi ủng hộ các tiến trình dân chủ hòa bình và tuân thủ quy định của pháp luật và chúng tôi đang theo dõi cẩn thận".
Trong khi đó, Phó phát ngôn viên Liên hợp quốc Farhan Haq cho biết, Tổng Thư ký cơ quan này Antonio Guterres mong muốn tất cả các bên ở Pakistan kiềm chế bạo lực, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu tôn trọng quyền hội họp hòa bình.
Bên cạnh đó, ông Guterres cũng hối thúc giới chức Pakistan “tôn trọng thủ tục tố tụng và pháp luật tố tụng” đối với cựu Thủ tướng Khan.