Người dân Pakistan được khuyến khích ở trong nhà sau khi nhiệt độ tăng vọt trên 50 độ C ở một số khu vực hôm 27-5 và hàng trăm người đã phải nhập viện vì say nắng
Trên khắp Pakistan, các tình nguyện viên đã thành lập các trại cứu trợ tạm thời để mọi người có thể uống nước đá và tránh nóng.
Dịch vụ xe cứu thương hiện cũng chở theo nước đóng chai và nước đá để điều trị khẩn cấp cho các nạn nhân của thời tiết khắc nghiệt.
Tại Mohenjo Daro, một thị trấn ở Sindh nổi tiếng với các địa điểm khảo cổ có niên đại từ Nền văn minh Thung lũng Indus tồn tại vào năm 2.500 trước Công nguyên, nhiệt độ đã tăng lên tới 52,2 độ C hôm 27-5
Nhiệt độ này là mức cao nhất trong mùa hè cho đến nay, trong khi kỷ lục của cả Pakistan từng là 54 độ C tại thành phố Turbat, nằm ở tỉnh Balochistan phía Tây Nam năm 2017.
Ông Sardar Sarfaraz, Giám đốc Khí tượng học tại Cục Khí tượng Pakistan cho biết, năm đó là thời điểm nóng thứ hai ở châu Á và cao thứ tư trên thế giới.
“Tôi tắm nhiều lần trong ngày và điều đó giúp tôi thấy nhẹ nhõm hơn một chút. Ngoài ra, không còn cảm thấy có sức lực vì nắng nóng khiến chúng tôi rất khó chịu”, anh Wajid Ali ở Mohenjo Daro nói
Một số tổ chức từ thiện cũng đưa ra quan ngại rằng nhiệt độ ngày càng tăng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của hàng triệu trẻ em nếu chúng không được bảo vệ và cung cấp đủ nước.
Tổ chức phi chính phủ Save The Children cho biết, hơn một nửa trẻ em trong độ tuổi đi học ở Pakistan sẽ không được đến lớp trong một tuần do đợt nắng nóng.
Nhiệt độ ban ngày đã tăng cao hơn 8 độ C so với nhiệt độ trung bình của tháng 5 trong hai thập kỷ qua, làm dấy lên lo ngại về lũ lụt ở phía Tây Bắc do băng tan.
Các nhà dự báo dự đoán nhiệt độ sẽ tăng lên cao nhất là 55 độ C trong tháng này và năm nay, Pakistan ghi nhận tháng 4 ẩm ướt nhất kể từ năm 1961.
Những trận mưa lớn vào tháng trước đã khiến hàng chục người thiệt mạng đồng thời phá hủy tài sản và đất nông nghiệp.
Các nhà khoa học cho rằng thời tiết thất thường là do biến đổi khí hậu. Chính quyền Pakistan cho biết mặc dù đóng góp chưa đầy 1% về lượng khí thải carbon nhưng nước này đang phải gánh chịu các thảm họa khí hậu toàn cầu.
“Pakistan là quốc gia dễ bị tổn thương thứ năm trước tác động của biến đổi khí hậu. Chính phủ đang tiến hành các chiến dịch nâng cao nhận thức về các đợt nắng nóng cho người dân”, Rubina Khursheed Alam, điều phối viên về khí hậu của Thủ tướng cho biết
Sóng nhiệt sẽ giảm bớt ở Mohenjo Daro và các khu vực xung quanh, nhưng một đợt nắng nóng khác dự báo sẽ tấn công các khu vực khác ở Sindh, bao gồm Thủ đô Karachi - thành phố lớn nhất Pakistan.