Pakistan: Nhóm phiến quân tấn công Sở Giao dịch Chứng khoán tuyên bố nhằm vào Trung Quốc
Ngày 29/6, Cảnh sát thành phố Karachi, Pakistan cho biết, một nhóm tay súng đã tấn công Sở Giao dịch Chứng khoán Pakistan (PSE) tại thành phố này khiến nhiều người thiệt mạng.
Sở Giao dịch Chứng khoán Pakistan tại thành phố Karachi. (Nguồn: Craydesi)
Cảnh sát thành phố Karachi xác nhận 4 nhân viên bảo vệ, một cảnh sát và một người qua đường đã thiệt mạng trong vụ việc này. Ngoài ra, tất cả 4 đối tượng tấn công cũng đã bị tiêu diệt. Cảnh sát đã thu giữ nhiều vũ khí tự động cùng các vật liệu nổ của các phần tử khủng bố này. Ngoài các nạn nhân thiệt mạng, 7 người khác đã bị thương trong vụ việc này.
Theo THX, các tay súng tấn công đã tiếp cận một chốt an ninh bên ngoài tòa nhà PSE, ném lựu đạn và nã súng nhằm vào các nhân viên an ninh. Hai tay súng đã bị tiêu diệt trong cuộc đấu súng với lực lượng an ninh và cảnh sát, trong khi lực lượng bán quân sự bắn hạ 2 đối tượng còn lại khi chúng đang tìm cách tháo chạy khỏi hiện trường vụ tấn công.
Theo AFP, nhóm phiến quân mang tên "Quân Giải phóng Balochistan" (BLA) thừa nhận một nhóm tay súng của tổ chức này đã thực hiện vụ tấn công.
BLA là một trong một vài nhóm phiến quân gây bất ổn tại tỉnh Balochistan, miền Tây Nam Pakistan. BLA nhiều lần đã nhắm mục tiêu tấn công các dự án cơ sở hạ tầng tại Pakistan những năm gần đây, trong đó có vụ tấn công lãnh sự quán Trung Quốc tại Karachi năm 2018 khiến 4 người thiệt mạng. Tháng 5 năm ngoái, BLA cũng đã tấn công một khách sạng hạng sang gần biên giới với Afghanistan tại Gwadar.
Trong thư điện tử gửi hãng Thông tấn AFP, BLA tuyên bố, hành động trên không chỉ nhằm vào “nền kinh tế của Pakistan” mà còn là “một cuộc tấn công vào các lợi ích kinh tế của Trung Quốc nhằm đáp trả những kế hoạch bóc lột của Trung Quốc ở Balochistan”.
BLA từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc bóc lột Balochistan, địa phương rộng lớn nhất trong 4 tỉnh thuộc khu vực Tây Nam của Pakistan. Nhóm này cho rằng, các dự án được Bắc Kinh hỗ trợ đã khai thác một cách bất công các nguồn tài nguyên khoáng sản và hydrocarbon của khu vực này.
Pakistan đã liên tục ngả về phía Bắc Kinh để đổi lấy các khoản đầu tư và cho vay, trong đó, Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) trị giá 54 tỷ USD bị giới phê bình phương Tây cho là về lâu dài sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho Bắc Kinh.