Palestine – đội bóng mang trên mình nhiều nỗi niềm sẽ là đối thủ sắp đến của đội tuyển Việt Nam
Xung đột Israel - Palestine luôn là nguyên nhân gây căng thẳng ở Trung Đông kể từ khi Nhà nước Israel thành lập năm 1948, trở nên căng thẳng hơn sau khi Israel chiếm được Bờ Tây, Gaza và Đông Jerusalem vào năm 1967. 'Sự chiếm đóng của Israel không chỉ ảnh hưởng đến tôi mà còn ảnh hưởng đến… thể thao Palestine nói chung', thủ môn của Palestine, Rami Hamadeh nói với CNN như thế.
Một trong những cầu thủ từng bị chết vì lý do chính trị này, là Ahmed Daraghmeh, 23 tuổi. Các quan chức Palestine cho biết Daraghmeh, một cầu thủ bóng đá địa phương đến từ thành phố Tubas gần Nablus, đã bị Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) bắn chết vào năm 2022. Nhóm Hamas sau đó đã tuyên bố cầu thủ này là thành viên của họ. Năm 2009, chính quyền Israel đã bắt giữ cầu thủ Mahmoud Sarsak theo chính sách “chiến binh bất hợp pháp” của Israel, thường được gọi là giam giữ hành chính. Theo chính sách này, chính quyền Israel có thể giam giữ người Palestine vô thời hạn. Sarsak được trả tự do vào năm 2012 sau một cuộc tuyệt thực.
Israel cáo buộc anh ta là thành viên của nhóm Thánh chiến Hồi giáo. Sarsak bác bỏ những tuyên bố đó và nói “Tôi phủ nhận mọi cáo buộc mà tôi bị buộc tội. Tôi là một người chơi thể thao, tôi là một cầu thủ bóng đá tự do, tôi chơi vì hòa bình và cho cả thế giới, và tôi chơi để xóa bỏ sự bất công đối với người dân Palestine.”
Đó là bầu không khí, là hoàn cảnh của bóng đá Palestine. Thủ môn Hamadeh, giống như 1,9 triệu người Palestine khác sống trong lòng Israel, mang quốc tịch Israel và hiện đang chơi cho đội bóng địa phương Đông Jerusalem là Jabal Al-Mukaber. Trước đây anh thi đấu cho CLB tại Giải bóng đá ngoại hạng Israel là Bnei Sakhnin. Bất chấp những trở ngại mà các VĐV Palestine gặp phải, họ vẫn tiếp tục mơ ước lớn lao: “Tham vọng và ước mơ luôn ở đó với tôi, với tư cách là một cầu thủ và đội tuyển quốc gia. Tôi hy vọng rằng đội tuyển quốc gia có thể đủ điều kiện tham dự World Cup. Đó là giải đấu lớn nhất mà bất kỳ cầu thủ bóng đá nào cũng mong muốn được tham gia”, Hamadeh nói.
Việc di chuyển của các vận động viên Palestine được xác định dựa trên giấy tờ tùy thân mà họ mang theo do quân đội Israel cấp. Người Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza bị chiếm đóng có ID màu xanh lá cây, trong khi người Palestine ở Jerusalem có ID màu xanh lam. Người Palestine ở Bờ Tây không thể đến Gaza hoặc Jerusalem trừ khi họ có giấy phép di chuyển đặc biệt do Israel cấp.
Để thi đấu trong các sân vận động bóng đá, các cầu thủ bóng đá Palestine phải xin giấy phép để vượt qua các trạm kiểm soát của Israel và việc phê duyệt giấy phép là không thể đoán trước. Vào năm 2019, Israel đã từ chối cấp phép du lịch cho một số cầu thủ của đội bóng Gazan tham gia giải đấu với một đội khác ở Bờ Tây.
Trong một cuộc khảo sát do công ty Henley & Partners có trụ sở tại London thực hiện, hộ chiếu của người Palestine được xếp hạng là một trong những hộ chiếu tồi tệ nhất vào năm 2023, chỉ được miễn thị thực hoặc được cấp phép tại 38 điểm đến. Năm 2007, sau trận lượt đi vòng play-off với Singapore (thắng với tỷ số 4-0), đội tuyển Palestine đã không thể góp mặt trong trận đấu thứ hai của vòng loại đầu tiên World Cup 2010, khiến Singapore nghiễm nhiên trở thành người chiến thắng. Israel khi đó đã từ chối giấy phép di chuyển của các cầu thủ từ Dải Gaza để đến Singapore.
Có biệt danh là “Những chú sư tử Canaan” và “Fedayeen”, đội tuyển Palestine gồm 30 người đang huấn luyện bởi cựu cầu thủ bóng đá Tunisia Makram Daboub, người cũng gặp khó khăn trong công việc của mình: “Cơ sở tập luyện của chúng tôi ở Bờ Tây và tôi có thể xem các trận đấu ở đây nhưng tôi không thể theo dõi hoặc huấn luyện các cầu thủ ở Gaza vì lệnh hạn chế di chuyển. Trong vài trường hợp, chúng tôi phải mất khoảng một ngày để có thể di chuyển đến một nơi nào đó mà lẽ ra phải mất 20 hoặc 30 phút do sự phức tạp chính trị tại đây”.
Bất chấp những trở ngại ấy, Palestine vẫn hy vọng về triển vọng tương lai của họ, trước hết là VCK Asian Cup 2013 diễn ra trong tháng 1 năm 2024. Trận đấu với Việt Nam ở sân Thiên Trường vào ngày 11-9 tới đã là trận giao hữu thứ 5 của Palestine trong năm nay. Ông Daboub trở thành HLV của đội vào năm 2021 và tin rằng đội tuyển Palestine đang tiến bộ đều đặn. Việc giành quyền tham dự Asian Cup chỉ mới là lần thứ ba với tư cách là đội tuyển quốc gia của Palestine và với việc World Cup mở rộng lên 48 đội, thì giấc mơ World Cup không còn xa với đội tuyển này.
“Tôi tin rằng chúng tôi có thể dự World Cup 2026. Tại vòng loại Asian Cup 2023 ở Mông Cổ, chúng tôi thắng cả 3 trận. Còn ở vòng loại World Cup 2022, chúng tôi đã đánh bại Uzbekistan 2-0 và hòa Saudi Arabia”, trung vệ Yaser Hamed tự tin. Hamed sinh ra ở Tây Ban Nha với cha là người Palestine và mẹ là người Tây Ban Nha, và coi cha là nguồn cảm hứng cho sự nghiệp bóng đá chuyên nghiệp của mình. Anh nói: “Khi cha tôi chuyển từ Palestine đến Tây Ban Nha, ông bắt đầu chơi bóng đá và ông yêu thích môn thể thao này. Vậy có lẽ tình yêu bóng đá có nguồn gốc từ dòng máu Palestine”. Hamed đủ điều kiện để chơi cho đội tuyển bóng đá quốc gia Tây Ban Nha nếu được triệu tập, nhưng thay vào đó lại chơi cho Palestine, mặc dù mang quốc tịch Tây Ban Nha.
Palestine nhận được tư cách thành viên FIFA vào năm 1998 sau nhiều lần cố gắng. “Chương trình FIFA Forward đã đầu tư gần 2,1 triệu USD vào các dự án phát triển bóng đá cụ thể để giúp đỡ người Palestine. Ngoài ra, các dự án cơ sở hạ tầng bóng đá của FIFA như nhà thi đấu futsal hay lắp đặt sân cỏ nhân tạo cũng được FIFA hỗ trợ. Palestine vẫn chưa thể đăng cai tổ chức các giải đấu lớn vì thiếu cơ sở hạ tầng. Trong khi đó vào năm 2013, UEFA đã cấp cho Israel quyền đăng cai U21 châu Âu, được tổ chức tại Tel Aviv và ba thành phố khác, bất chấp những lời kêu gọi tẩy chay từ các nhóm nhân quyền.