Panama bác yêu cầu cho tàu thuyền Mỹ tự do đi qua kênh đào, không phải trả phí
Ngày 6/2, Cơ quan Quản lý Kênh đào Panama đã bác bỏ tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc tàu thuyền của chính phủ Mỹ có thể đi qua kênh đào mà không cần trả phí.
Theo Cơ quan Quản lý Kênh đào Panama, một đơn vị tự chủ do chính phủ Panama giám sát, cơ quan này không thay đổi quy định thu phí hoặc quyền đi lại qua kênh đào, nhấn mạnh đây chính là phản hồi của đơn vị quản lý trước tuyên bố mới nhất của Mỹ về quyền đi lại qua kênh đào Panama của tàu thuyền Mỹ.
![Kể từ năm 1999, chính phủ Panama đã nắm toàn quyền kiểm soát kênh đào Panama. (Ảnh: CNN)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_06_30_51412884/1ffdb5758d3b64653d2a.jpg)
Kể từ năm 1999, chính phủ Panama đã nắm toàn quyền kiểm soát kênh đào Panama. (Ảnh: CNN)
Đơn vị quản lý kênh đào khẳng định sẵn sàng đối thoại với quan chức Mỹ về việc đi lại của tàu thuyền qua kênh đào Panama với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Tuyên bố trên hoàn toàn trái ngược với thông tin của Bộ Ngoại giao Mỹ vào tối 5/2, trong đó phía Mỹ nêu rõ: "Tàu thuyền của chính phủ Mỹ hiện có thể đi qua kênh đào Panama mà không phải trả phí, giúp chính phủ Mỹ tiết kiệm hàng triệu đô la mỗi năm".
Theo đại sứ quán Panama tại Cuba, trong 26 năm qua, Mỹ đã chi tổng cộng 25,4 triệu USD cho một số phương tiện quân sự như tàu chiến, tàu ngầm,... đi qua kênh đào.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Panama tính phí quá cao đối với tàu thuyền Mỹ đi qua kênh đào Panama, tuyến đường thương mại bận rộn bậc nhất thế giới kết nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Đặc biệt, ông Trump cáo buộc Panama đã nhượng quyền điều hành kênh đào cho Trung Quốc, cảnh báo sẽ giành lại quyền kiểm soát kênh quan trọng này. Tuy nhiên cả Panama và Trung Quốc đều phủ nhận những thông tin trên.
Theo hãng tin CNN, căng thẳng ngoại giao Panama - Mỹ liên quan đến tuyên bố giành lại quyền kiểm soát kênh đào của ông Trump đã lắng xuống sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Marco Rubio và Tổng thống Panama Rául Mulino.
Tại đây, Tổng thống Mulino nói với Ngoại trưởng Rubio rằng chủ quyền của Panama đối với kênh đào không phải vấn đề cần tranh luận, cho rằng sẽ khó có nguy cơ Mỹ sử dụng vũ lực để giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama.
Tổng thống cũng khẳng định nước này đã giải quyết những lo ngại của Washington về cái gọi là ảnh hưởng của Bắc Kinh tại tuyến kênh đào.
Trong đó, Panama sẽ không gia hạn biên bản ghi nhớ năm 2017 về việc tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, gợi ý rằng thỏa thuận giữa Panama và Bắc Kinh có thể sớm kết thúc.
Kênh đào do Mỹ xây dựng và được khánh thành năm 1914, nằm dưới quyền kiểm soát của Mỹ đến năm 1977 - thời điểm Mỹ đạt thỏa thuận quy định chuyển giao kênh đào này cho Panama.
Kênh đào được cả hai nước cùng khai thác cho đến khi chính phủ Panama nắm toàn quyền kiểm soát sau năm 1999.
Dù vậy, thỏa thuận ký kết giữa hai bên cho phép Mỹ can thiệp quân sự nếu hoạt động của tuyến đường thủy qua kênh đào bị gián đoạn bởi xung đột nội bộ hoặc một thế lực bên ngoài.