Panjandrum – Vũ khí thử nghiệm thảm họa trong Thế chiến II
Người ta kỳ vọng Panjandrum sẽ thay đổi cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho người Anh và giúp đỡ quân Đồng minh vào ngày diễn ra cuộc đổ bộ Normandy (D-Day). Thế nhưng, thử nghiệm cho thấy vũ khí này là một thảm họa.
Theo trang allthatsinteresting.com, trong Thế chiến thứ hai, quân Đồng minh đã thử nghiệm nhiều vũ khí mới. Có một phát minh chưa bao giờ vượt qua giai đoạn chế tạo nguyên mẫu. Đó là Panjandrum, một bánh xe quay được đẩy bằng tên lửa. Vũ khí này là một thảm họa, đơn giản là vì nó quá nguy hiểm.
Theo thiết kết, Panjandrum có thể đạt 96km/h và xuyên qua những bức tường bê tông cao 3 mét. Có hình dạng như một bánh xe ngựa khổng lồ, loại vũ khí này được trang bị khoảng 70 tên lửa và chứa đầy thuốc nổ. Nhưng cuối cùng, điều đó khiến Panjandrum trở nên quá nguy hiểm khi triển khai trong chiến tranh.
Hai tác giả James Moore và Paul Nero đã viết về vũ khí này trong cuốn sách Pigeon Guided Missiles: And 49 Other Ideas that Never Took Off (tạm dịch: Tên lửa dẫn đường bằng bồ câu: Và 49 ý tưởng khác không bao giờ thành công): “Người quay phim gần như bị vật xuống đất. Và Panjandrum, tên lửa rung lắc ngoài tầm kiểm soát, bánh xe bốc cháy, vỡ ra từng mảnh”. Sau lần thử nghiệm thất bại cuối cùng đó, dự án thử nghiệm kết thúc.
Chiến tranh Thế giới thứ hai và Bức tường Đại Tây Dương
Thứ vũ khí trên được thử nghiệm trong bối cảnh năm 1943, cuộc chiến chống Đức đã đi vào bế tắc. Bất chấp các cuộc ném bom dữ dội, quân Đức đã không thể chinh phục nước Anh. Đồng thời, phe Đồng minh đang vất vả giành vị trí chắc chắn ở châu Âu.
Lo sợ xảy ra một cuộc xâm lược qua eo biển Manche, người Đức đã dựng lên các công sự kiên cố dọc theo bờ biển châu Âu. Được gọi là Bức tường Đại Tây Dương, hàng rào này trải dài từ Na Uy đến Tây Ban Nha.
Các boong-ke bê tông dày xếp dọc bãi biển. Dây thép gai, mìn và súng đại bác được sắp xếp để tăng cường lực lượng phòng thủ.
Những bức tường bê tông cao chót vót khiến khó ai có thể vượt qua. Lúc đó, người Anh nghĩ ra một loại vũ khí có khả năng làm nổ tung Bức tường Đại Tây Dương.
Trong Hải quân Anh, Tổng cục Phát triển Vũ khí Hỗn hợp (DMWD) chịu trách nhiệm tạo ra các cỗ máy chiến tranh mới. DMWD đã tìm cách vượt qua thử thách của Bức tường Đại Tây Dương: Họ đã nghĩ ra Panjandrum.
Panjandrum là gì? Về cơ bản, người Anh đã chế tạo hai bánh xe, mỗi bánh cao 3 mét và nối hai bánh xe bằng một ống rỗng nhồi chất nổ. Tên lửa gắn vào bánh xe sẽ đẩy cỗ máy về phía công sự của quân Đức.
Về lý thuyết, Panjandrum là có thể hoạt động cả trên cạn và dưới nước. Người Anh đã lên kế hoạch tiếp cận bãi biển bằng tàu đổ bộ và phóng vũ khí này xuống nước. Sau đó, Panjandrum sẽ lăn vào bờ và đâm vào Bức tường Đại Tây Dương, làm thủng một lỗ trên bức tường.
Khi Panjandrum xuyên thủng hàng phòng thủ của quân Đức, xe tăng Đồng minh sẽ lăn bánh qua các lỗ hổng.
Tại sao người Anh lại thiết kế một bánh xe chạy bằng tên lửa? Theo War History Online, DMWD hy vọng rằng Panjandrum sẽ cứu được mạng sống của binh lính. Đổ bộ quân lên một bãi biển được phòng thủ kiên cố có thể nhanh chóng khiến binh sĩ bị tàn sát. Nhưng khi lăn hàng chục chiếc Panjandrum qua phòng tuyến của quân Đức, quân Đồng minh hy vọng họ có thể tránh được đổ máu.
Chỉ có một vấn đề: Panjandrum gần như không thể hoạt động.
Thử nghiệm cỗ máy chiến tranh
Cung cấp năng lượng cho Panjandrum là một vấn đề. Để đưa vũ khí này xuống bãi biển, DMWD đã gắn tên lửa vào bánh xe. Nhưng tên lửa không phải lúc nào cũng hoạt động, trong khi một số tên lửa đã nổ tung.
Người Anh đã biết được các vấn đề của nguyên mẫu Panjandrum sau cuộc thử nghiệm thảm họa. Năm 1943, họ đã thử nghiệm Panjandrum trên bãi biển Devon.
Lúc đầu, cuộc thử nghiệm diễn ra suôn sẻ. Panjandrum đã lăn từ tàu đổ bộ lên bãi biển, được đẩy bằng tên lửa. Về sau, một số tên lửa không hoạt động. Bánh xe quay này bị chệch hướng.
Không nản lòng, DMWD đã sửa đổi nguyên mẫu Panjandrum. Họ đã thêm một bánh xe khác và nhiều tên lửa hơn. Cuối cùng, để giữ cho vũ khí chạy đúng hướng, họ đã gia cố các bánh xe bằng dây cáp thép. Đôi khi dây cáp bị đứt, gây ra nhiều thiệt hại hơn.
May mắn thay, người Anh đã quyết định không nhét chất nổ vào ống nối hai bánh xe để thử nghiệm. Thay vào đó, họ đã chọn một lựa chọn an toàn hơn nhiều: cát.
Bất chấp những thử nghiệm thảm họa, người Anh vẫn tiếp tục miệt mài với Panjandrum. Đến tháng 1/1944, DMWD đã mời các nhà khoa học, sĩ quan hải quân và người quay phim, chụp ảnh đến chứng kiến cỗ máy đang hoạt động.
Cuộc thử nghiệm bắt đầu suôn sẻ. Khi tên lửa hoạt động, Panjandrum lăn qua nước và lên bãi biển. Nhưng sau đó, cuộc thử nghiệm đã gặp sự cố.
Một quả tên lửa đầu tiên, sau đó là hai quả tên lửa nữa nổ tung. Panjandrum bắt đầu lảo đảo một cách đáng ngại.
Bánh xe chạy bằng tên lửa quay về phía Đại úy Louis Klemantaski – thợ quay phim, chụp ảnh của Hải quân Hoàng gia. Nhìn qua ống kính, Klemantaski nghĩ rằng vũ khí ở xa hơn, vì vậy, anh tiếp tục quay phim, nhưng tiếng gầm của Panjandrum buộc Klemantaski phải nhìn lên. Khi ngước mắt lên, anh nhìn thấy một bánh xe dài 3 mét bay về phía mình, tên lửa bắn ra tứ phía.
Klemantaski bỏ chạy. Các đô đốc và tướng lĩnh đang tập trung để xem cuộc thử nghiệm đã vội vã tìm chỗ ẩn nấp.
Video thử nghiệm Panjandrum (nguồn: allthatsinteresting):
Sau đó, Panjandrum lăn trở lại biển nhưng bị đổ trên cát, vỡ ra từng mảnh trong những vụ nổ dữ dội, xé toạc bãi biển. Các đô đốc đều nói rằng Panjandrum là một thất bại.
D-Day không có Panjandrum
Nhiều tháng sau khi người Anh từ bỏ Panjandrum, họ đã chọc thủng thành công Bức tường Đại Tây Dương và đổ bộ lên Normandy.
Vào D-Day, tức ngày 6/6/1944, trên 160.000 quân Đồng minh đã xông vào các bãi biển Normandy. Tướng Dwight D. Eisenhower tuyên bố trong một mệnh lệnh: “Chúng ta sẽ không chấp nhận điều gì ngoài một chiến thắng hoàn toàn”.
Đúng như lo sợ, cuộc đổ bộ táo bạo đã diễn ra với các giá đắt. Phe Đồng minh chịu trên 9.000 thương vong. Tuy nhiên, D-Day cuối cùng đã thành công. Một trong những cuộc đổ bộ lớn nhất trong lịch sử đã thành công, nhưng không có Panjandrum.
D-Day sẽ như thế nào nếu có hàng chục bánh xe rực lửa nổ tung trên các bãi biển của Normandy? Con số thương vong có thể còn cao hơn. Loại bỏ vũ khí thử nghiệm trên được nhìn nhận là quyết định đúng đắn.