Páo Dung - Tiếng lòng của người Dao
Những câu hát Páo dung giản dị, mộc mạc đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống đồng bào Dao. Đó chính là tiếng lòng của người Dao mà thông qua đó họ muốn gửi gắm niềm tin, khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
"Nhất nhất choảng sun mẩy tú phiêu
Nhất nhất choảng sun càng hò súi
Choảng súi dấm gai mẩy tứ phiêu"
Dịch nghĩa:
Ngày ngày cùng nhau lao động sản xuất
Lội chung dòng suối
Uống chung nguồn nước vẫn không lấy được nhau.
Để tìm hiểu về làn điệu Páo dung, chúng tôi tìm đến khu tái định cư thôn Tân Quang, xã Hoàng Khai (Yên Sơn), nơi có gần 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Chị La Thị Nhất, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Tân Quang dẫn chúng tôi đến gặp bà La Thị Xuân, bậc cao niên trong làng còn lưu giữ nhiều bản sắc văn hóa Dao, trong đó có làn điệu Páo dung.
Sự đổi thay khu tái định cư cũng là đề tài để người dân nơi đây sáng tác Páo dung.Trong ảnh, khu tái định cư thôn Tân Quang (Yên Sơn) ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Bà Xuân bảo, "hát" trong tiếng Dao là “dung”. “Dung” là hình thức hát các bài hát ngẫu hứng, người hát tự đặt lời và truyền miệng hoặc ghi chép lại cho các thế hệ. Các làn điệu Páo dung phản ánh cuộc sống lao động, sinh hoạt, phong tục, tập quán, lễ nghi và những tâm tư, tình cảm, mong ước của người Dao trong cuộc sống. Páo dung gồm 3 loại hình: Páo dung sinh hoạt, Páo dung lễ nghi tín ngưỡng - phong tục và Páo dung lao động sản xuất. Páo dung sinh hoạt là loại hình ca hát chiếm vai trò chủ đạo trong kho tàng dân ca Dao gồm nhiều loại như: hát giao duyên, hát ru, hát đồng dao, hát than... Nói đến đây, bà Xuân liền ngân nga điệu hát giao duyên:
Muộn chầm dầu dâu chấu hái chiêu
Muộn chầm dầu dâu chấu hái quyên
Phín búa phái mìu tồng lẩu dầu
(Mình muốn hỏi người đang đi đâu?
Người đi đâu xa đến huyện nào?
Cho mình biết để cùng đi...)
Lời bài hát như đưa bà trở lại thuở đôi mươi, thuở ông và bà nên duyên cũng từ câu hát giao duyên. Để rồi đến nay, khi ông bà đã vào tuổi thất thập thì những cuốn sách lưu giữ bản sắc văn hóa Dao cứ dày lên. Khi rảnh, ông bà vẫn cùng nhau hát, truyền dạy cho con cháu.
Cùng với Páo dung sinh hoạt thì Páo dung lễ nghi tín ngưỡng, phong tục là một loại hình không thể thiếu trong đời sống đồng bào Dao. Đó là những bài hát được sử dụng trong lễ cưới, lễ cấp sắc, đám chay, cúng Bàn Vương, cúng đầy tháng, cúng người chết, cúng lên nương, cúng tra hạt… Các bài hát lễ nghi tín ngưỡng - phong tục được ghi chép thành sách và thường được các thầy cúng Dao lưu giữ trong quá trình hành nghề.
Sự đằm thắm, mượt mà của Páo dung còn được thể hiện trong những bài hát cao ngợi lao động sản xuất hay những kinh nghiệm về thời tiết, mùa vụ được các thế hệ người Dao tích lũy và truyền lại cho thế hệ sau. Họ luôn răn dạy con cháu phải biết ơn tổ tiên đã không quản ngại khó khăn, vất vả để các thế hệ sau có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Người Dao hát Páo dung mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, dựa vào tài ứng tác của người hát, tùy từng hoàn cảnh, đối tượng mà một chủ đề lại có những lời ca khác nhau. Để chúng tôi hiểu hơn về vấn đề này, chị Triệu Thị Lan, thôn Tân Quang, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) vừa mời chúng tôi nhâm nhi ly trà, vừa hát: “Sau khi di dân về để nhường đất xây dựng thủy điện Tuyên Quang, đời sống người dân đã khá lên từng ngày. Bà con rất vui...”.
Ông Bàn Xuân Triều, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao tỉnh Tuyên Quang trải lòng, ông rất vui vì ở đâu có người Dao sinh sống thì ở đó làn điệu Páo dung vẫn được duy trì. Song điều ông trăn trở là số người biết hát chủ hầu hết đã cao tuổi. Vì vậy, để Páo dung được lưu giữ thì chính người Dao phải tự chăm lo bằng nhiều hình thức. Lợi thế hiện nay toàn tỉnh đã thành lập 20 câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Dao với 248 hội viên tham gia. Qua 6 năm hoạt động (từ 2014 đến nay), Ban chủ nhiệm các câu lạc bộ luôn động viên các thành viên tích cực nghiên cứu, sưu tầm bản sắc văn hóa tín ngưỡng của 9 ngành Dao, trong đó có làn điệu Páo dung. Trên cơ sở này, Ban chủ nhiệm sẽ tiếp tục đề ra những giải pháp cụ thể để làn điệu Páo dung nói riêng và bản sắc văn hóa của người Dao nói chung sẽ được lưu giữ và phát triển.