Papa Ibou Kebe: 'Những người môi giới đang làm hại V.League'
Tiền đạo người Pháp kể với Zing về những kỷ niệm khi thi đấu cho CLB Hà Nội và quãng thời gian khó khăn vì hiện chưa tìm được đội bóng.
Papa Ibou Kebe sinh năm 1989, từng chơi cho nhiều đội bóng ở châu Âu trước khi đến Việt Nam lần đầu năm 2019. Anh được CLB Hà Nội chiêu mộ ở giai đoạn lượt về, cùng đội bóng vào chung kết liên khu vực AFC Cup trước khi giành Cúp vô địch quốc gia và Cúp Quốc gia.
Việc gặt hái những danh hiệu liên tiếp trong năm đầu chơi bóng ở V.League không thể làm bệ phóng cho sự nghiệp của Kebe. Tiền đạo người Pháp là một trong số ngoại binh đang rơi vào cảnh thất nghiệp, chấp nhận ở lại Việt Nam chờ cơ hội ở giai đoạn hai V.League 2021.
Chia sẻ với Zing, Kebe nói anh bị sốc trước những góc khuất của thị trường chuyển nhượng bóng đá Việt Nam.
- Xin chào Kebe. Hôm 19/2, tôi thấy anh xuất hiện trong một chương trình của beIN Sports France. Có vẻ như anh được tôn vinh vì điều gì đó?
- Hãng truyền hình danh tiếng hàng đầu châu Âu khen ngợi những nỗ lực của tôi sau quãng thời gian 2 năm thi đấu tại V.League. Họ quan tâm tới cuộc sống của tôi ở Việt Nam, cũng như cách mà tôi thích nghi với đội bóng hàng đầu là CLB Hà Nội.
- Họ chắc cũng biết về hoàn cảnh hiện tại của anh khi anh lỡ hẹn với giai đoạn một V.League 2021?
- Việc không kịp có đội bóng trước mùa giải mới không phải điều gì quá kinh khủng với cầu thủ bóng đá. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra ở Việt Nam khiến tôi cảm thấy khó chấp nhận.
Sau khi hết hợp đồng với CLB Hà Nội, tôi trở về Pháp thăm vợ con và đã lên kế hoạch trở lại Việt Nam để tiếp tục thi đấu. Khi tôi trở lại, những người môi giới đã lấy đi cơ hội.
Những người môi giới ở V.League chỉ quan tâm đến tiền bạc
- Anh và những người môi giới đã không tìm được tiếng nói chung?
- Các huấn luyện viên ở Việt Nam đều biết tôi, nhưng họ không thể đàm phán trực tiếp với tôi vì sự can thiệp của những người môi giới. Nhiều HLV đã muốn ký hợp đồng với tôi trước hạn chót của VPF.
Khi rời Pháp để trở lại Việt Nam, tôi vẫn còn thời gian, nhưng lại không thể làm việc với các HLV. Có tới 3, 4 người môi giới bảo tôi: ‘Hãy chờ đợi’. Và thế là chẳng đội nào ký hợp đồng với tôi.
Tôi là cầu thủ tự do, không có người đại diện nào ở Việt Nam. Tuy nhiên, một số người môi giới lại nhận rằng tôi là cầu thủ của họ. Buồn cười nhất là khi một đồng nghiệp kể tôi đang được một HLV quan tâm, nhưng một người môi giới lại bảo với HLV đó rằng tôi đang ở Pháp dù rõ ràng lúc đó tôi đã có mặt ở Việt Nam.
- Anh có cho rằng các cầu thủ nước ngoài đang chịu thiệt thòi khi mới đến Việt Nam chơi bóng?
- Những người môi giới coi cầu thủ nước ngoài như chúng tôi là món hàng, chỉ quan tâm đến lợi ích tiền bạc.
Chúng tôi mới là những người đá bóng chứ không phải họ. Nhiều cầu thủ nước ngoài như tôi là nạn nhân của thị trường chuyển nhượng Việt Nam. Những cầu thủ đá bóng lâu năm ở Việt Nam, họ không làm việc với những người môi giới sau khi có nhiều bài học.
Hãy quan sát màn trình diễn của những cầu thủ ngoại thời gian qua, bạn sẽ hiểu những người môi giới đang làm hại V.League. Không phải cầu thủ ngoại nào cũng có trình độ chuyên môn tốt, nhưng họ lại đang có chỗ ở V.League, điều này kéo chất lượng giải đấu đi xuống.
- Anh mất thời gian, công sức và tiền bạc cho việc quay trở lại vì điều gì?
- Tôi đã từ chối lời mời thi đấu cho một đội bóng hàng đầu ở Saudi Arabia để trở lại V.League. Bóng đá Việt Nam đang phát triển, các giải đấu chuyên nghiệp được vận hành ở hoàn cảnh dịch bệnh được kiểm soát, điều mà nhiều nền bóng đá trên thế giới phải mơ ước. Mặt khác, những thành công trong năm đầu chơi cho CLB Hà Nội khiến tôi muốn thử sức mình nhiều hơn.
CLB Hà Nội là đội bóng khác lạ
- Phải chăng anh chưa hài lòng khi những danh hiệu đến với mình một cách quá dễ dàng chỉ trong năm đầu?
- Thi đấu cho một đội bóng hàng đầu như CLB Hà Nội không hề đơn giản. Tôi gặp khó khăn khi hòa nhập với chiến thuật khác biệt của đội bóng. Những trận đầu tiên, tôi như kẻ lạc lõng. Khi có bóng, tôi không hiểu sao những người xung quanh không di chuyển.
Ở châu Âu, trước khi tiền đạo nhận bóng là các cầu thủ xung quanh phải chạy chỗ rồi. Tôi từng thi đấu trong nhiều hệ thống chiến thuật chơi bóng ngắn nhưng lại không thể nhanh chóng hòa nhập với CLB Hà Nội. Tôi từng nghĩ các cầu thủ có vấn đề. Họ nhìn tôi di chuyển và tỏ ra khó hiểu.
Sau này tôi mới thấy họ chỉ di chuyển, chạy chỗ khi có cơ hội rõ ràng, thay vì chạy chỗ liên tục. Các cầu thủ Hà Nội đã chơi cùng nhau trong thời gian dài nên rất khó cho những người mới đến.
- Rimario cũng là người mới với CLB Hà Nội. Anh ta ở lại còn anh bị đẩy đi Quảng Nam, phải chăng Rimario giỏi hơn?
- Chúng tôi đều là tiền đạo cắm, nhưng anh ta được chọn nhờ khả năng đáp ứng chiến thuật tốt. Tôi chỉ mới đến Việt Nam, còn anh ta đã thi đấu ở CLB Thanh Hóa và HAGL từ trước rồi. Đây không phải chuyện trình độ ai hơn, vì chúng tôi khác nhau. Vậy nên không thể nói ai giỏi hơn.
Trước đây, khi Oseni chấn thương thì tôi được CLB Hà Nội chiêu mộ để thay thế. Điều đó không đồng nghĩa với việc tôi giỏi hơn Oseni. Câu chuyện của tôi thời điểm đó khá giống với trường hợp của Pape Diakite bây giờ. Diakite bị rút khỏi danh sách đăng ký vì CLB TP.HCM muốn ưu tiên quân số cho hàng tiền đạo.
Khi người thay thế tôi xuất hiện, số lượng cầu thủ ngoại ở Hà Nội lúc đó đã là 4 người, nghĩa là phải có 1 người phải ra đi. Tôi cũng được CLB gợi ý, và tôi chọn đầu quân cho đội Quảng Nam dưới dạng cho mượn. Tôi đã chơi tốt ở Quảng Nam, nhưng rất tiếc khi không thể cùng đội bóng trụ hạng.
Tôi ước mình có thêm thời gian để hòa nhập với CLB Hà Nội. Quãng thời gian thi đấu ở đó ngắn nhưng lại nhiều kỷ niệm đẹp, tôi trân trọng điều đó. Tôi tiếc khi không thể cùng đội bóng tiến sâu hơn ở AFC Cup.
Bóng đá Việt Nam nên thay đổi tư duy
- Những cầu thủ và HLV đến từ châu Âu như anh thường gặp khó khăn khi thích nghi với những nền bóng đá châu Á. Điều này cũng tương tự việc các cầu thủ châu Á đi châu Âu. Quan điểm của anh về vấn đề này thế nào?
- Gần đây, tôi có dịp ngồi nói chuyện với Diakite và Công Phượng. Tôi biết Phượng là ngôi sao của bóng đá Việt Nam, từng đi thi đấu ở Bỉ. Cậu ấy bảo bóng đá Việt Nam cần nhiều năm để phát triển. Các đội bóng chuyên nghiệp và cả các cầu thủ đều cần thay đổi tư duy, phải cởi mở, tiếp thu mới có thể đi ra thế giới.
Tôi và Diakite thừa nhận Công Phượng là cầu thủ nói tiếng Anh tốt nhất ở Việt Nam. Một số cầu thủ khác như Tuấn Anh, Xuân Trường cũng giỏi ngoại ngữ và có đi thi đấu nước ngoài. Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam không còn ai khác ngoài họ. Nhìn rộng ra, V.League cũng không có đội nào khác ngoài CLB Hà Nội gây tiếng vang khi đi ra châu Á. Đó là vấn đề.
- Anh có thể nói rõ hơn không? Về Công Phượng chẳng hạn.
- Tôi là cầu thủ đến từ châu Âu. Một số người nói tôi phải chơi theo luật của V.League. Tôi muốn đặt câu hỏi ngược lại, tại sao các cầu thủ và HLV ở V.League không học hỏi và tiếp thu phong cách chơi từ các cầu thủ châu Âu? Nếu muốn vươn ra thế giới, các bạn nên học hỏi.
Công Phượng bảo tôi rằng cậu ấy đã học hỏi nhiều trong thời gian thi đấu ở Bỉ. Phượng thấu hiểu ngoại binh ở V.League, bởi vì khi ra nước ngoài, cậu ấy chính là ngoại binh. Bóng đá Việt Nam cần có nhiều “Công Phượng” hơn để phát triển.
Điều cuối cùng, những người làm bóng đá Việt Nam cần kiểm tra xem mình đang làm gì ở châu Âu. Nếu muốn phát triển, bóng đá Việt Nam không chỉ cần học hỏi lối chơi mà còn phải khôi phục chất lượng sân tập, nâng cao chất lượng đội ngũ y tế, xây dựng đội ngũ phân tích băng hình trong huấn luyện (như CLB TP.HCM đang làm ở mùa giải năm nay) ). Những chi tiết nhỏ khó có thể thay đổi mọi thứ, nhưng tôi tin Việt Nam sẽ trở thành một trong những đội bóng lớn của châu Á. Họ có đủ điều kiện để học hỏi và học hỏi từ các nền bóng đá khác.