PAPI 2022: 35 tỉnh/thành phố bị người dân phản ánh phải chi 'lót tay' khi làm sổ đỏ

Tỉ lệ người dân làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi 'lót tay' dao động từ 40 - 90% ở 35 tỉnh/thành phố, giảm từ 43 tỉnh/thành phố ghi nhận tỉ lệ tương tự năm 2021.

Sáng 12/4, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam chủ trì tổ chức công bố Báo cáo "Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2022".

Đất đai vẫn là lĩnh vực nóng được người dân quan tâm khi khảo sát PAPI 2022.

Đất đai vẫn là lĩnh vực nóng được người dân quan tâm khi khảo sát PAPI 2022.

PAPI là công cụ theo dõi hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước dựa trên ý kiến phản hồi của người dân, được thực hiện từ bên ngoài khu vực nhà nước và có quy mô lớn nhất ở Việt Nam hiện nay.

Từ khi bắt đầu khởi xướng vào năm 2009 đến nay, 178.243 lượt người dân được chọn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc, tham gia đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công trong nhiều lĩnh vực của tất cả các cấp chính quyền. Dữ liệu PAPI dựa trên trải nghiệm tương tác trực tiếp với chính quyền các cấp của người dân trong một năm.

Trong kết quả nhóm nghiên cứu PAPI 2022 được công bố, Quảng Ninh là tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng với điểm số tổng hợp là 47,8763. Đây là một điểm số cho thấy chính quyền Quảng Ninh thời gian qua đã rất nỗ lực cải cách hành chính và các yếu tố phục vụ người dân. Tỉnh này cũng đứng đầu bảng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vừa được VCCI công bố hôm qua. Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng là Bình Dương (47,4488) và đứng thứ ba là Thanh Hóa (46,0154). Đứng cuối bảng xếp hạng là Cao Bằng (38,8037).

Theo kết quả PAPI, Hà Nội đã vươn từ vị trí thấp trong năm 2020 lên nhóm có vị trí cao nhất trong năm 2022. Ngược lại, Đà Nẵng lại tụt xuống nhóm có vị trí trung bình sau nhiều năm đứng ở top đầu. Đây là một điều rất đáng tiếc đối với Đà Nẵng.

Cùng với đó, báo cáo PAPI 2022 cũng phản ánh, việc tiếp cận thông tin đất đai của người dân vẫn còn rất hạn chế ở tất cả các tỉnh/thành phố. Tỉ lệ người dân được biết đến kế hoạch sử dụng đất năm 2022 ở địa phương dao động từ 7% đến 34% ở 61 tỉnh/thành phố, trong đó chỉ có 8 tỉnh/thành phố đạt tỉ lệ cao hơn 20%. Người dân vẫn cho rằng giá bồi thường thu hồi đất thấp hơn so với giá giao dịch trên thị trường.

Trong số những người trả lời đến từ các hộ bị mất đất năm 2022, tỉ lệ cho rằng mức bồi thường thu hồi đất họ nhận được sát với giá thị trường dao động từ 0% đến 86% trên phạm vi toàn quốc, song chỉ có 10 tỉnh/thành phố đạt tỉ lệ trên 50%.

Đáng chú ý, tỉ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đã phải chi "lót tay" dao động từ 40 - 90% ở 35 tỉnh/thành phố, giảm từ 43 tỉnh/thành phố ghi nhận tỉ lệ tương tự năm 2021. Hiện trạng "chung chi" để làm xong thủ tục xin cấp đổi hoặc cấp mới GCNQSDĐ phổ biến nhất ở các tỉnh còn nghèo như Đắk Lắk, Quảng Trị và Sơn La.

Điểm tích cực là tỉ lệ cho biết họ đã phải đưa lót tay khi làm thủ tục này giảm ở 34 tỉnh/thành phố qua hai năm 2021 và 2022, đặc biệt tỉ lệ này giảm trên 20% ở 7 tỉnh gồm Bình Thuận, Điện Biên, Đồng Tháp, Hà Nam, Hưng Yên, Sóc Trăng và Thái Bình.

Khảo sát PAPI năm 2022 cũng tìm hiểu về mức độ chênh lệch giữa giá đất do chính quyền địa phương đưa ra trong bảng giá đất chính thức và giá giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất hiện thời ở địa phương qua một câu hỏi thử nghiệm đo hai mức giá theo hiểu biết của người dân.

Kết quả phân tích dữ liệu cho thấy mức chênh lệch giữa giá chính thức và giá thị trường ở khu vực nông thôn rất nhỏ, song mức chênh lệch ở khu vực đô thị khá lớn. Tại khu vực đô thị, giá trung bình quyền sử dụng một mét vuông đất giao dịch trên thị trường là 57,7 triệu đồng, cao hơn khoảng 15,5 triệu đồng so với giá trung bình theo bảng giá chính thức của địa phương (42,2 triệu đồng).

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/papi-2022-35-tinh-thanh-pho-bi-nguoi-dan-phan-anh-phai-chi-lot-tay-khi-lam-so-do-1091954.html