Patricia Bath: Nữ bác sĩ giúp hàng triệu người phục hồi thị lực
Patricia Era Bath sinh ngày 4/11/1942, là một bác sĩ nhãn khoa và nhà phát minh người Mỹ. Bà đã phát minh ra một thiết bị phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng laser.
Patricia sinh ra và lớn lên ở ngoại ô thành phố New York, Mỹ. Yêu thích khoa học từ nhỏ, bà chăm chỉ học tập và ở tuổi 16, bà trở thành một trong số ít sinh viên tham gia hội thảo nghiên cứu về ung thư do Quỹ Khoa học Quốc gia tài trợ. Những phát hiện của bà trong quá trình học tập và nghiên cứu đã gây chú ý với giới khoa học Hoa Kỳ. Sau khi nhận bằng Cử nhân vào năm 1964, bà đi thực tập ở Bệnh viện Harlem 1 năm rồi tiếp tục làm nghiên cứu sinh về nhãn khoa tại Đại học Columbia. Năm 1973, Patricia Bath trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên hoàn thành nội trú ngành nhãn khoa.
Các nghiên cứu của Patricia về nhãn quang học đã góp phần phát triển hệ thống nhãn khoa cộng đồng ở Mỹ, giúp những người nghèo có thể điều trị mắt. Năm 1981, bà bắt đầu nghiên cứu một thiết bị mang tên "Đầu dò Laserphaco". Thiết bị này giúp điều trị đục thủy tinh thể ít đau hơn và chính xác hơn nhờ công nghệ laser. Đầu dò này đã giúp hàng triệu người được phục hồi thị lực và giúp bà trở thành nữ bác sĩ người Mỹ gốc Phi đầu tiên nhận bằng sáng chế cho mục đích y tế.
Patricia Bath qua đời ngày 30/05/2019, hưởng thọ 77 tuổi. Công nghệ mà bà phát triển đã trở thành công cụ giúp đỡ rất nhiều người và trở thành di sản lớn nhất của bà. Năm 2021, bà là 1 trong số 2 phụ nữ da đen đầu tiên (cùng với Marian Croak, Phó Chủ tịch Kỹ thuật của Google) được giới thiệu vào Đại sảnh Danh vọng các Nhà phát minh Quốc gia của Mỹ.