PBoC có thể giảm lãi suất cho vay cơ bản vào tuần tới
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương), ngày 15/8 đã thông báo giảm lãi suất lần thứ 2 trong 3 tháng, nhằm tăng tốc đà phục hồi kinh tế.
PBoC đã hạ lãi suất với công cụ cho vay trung hạn (MLF) từ 2,65% xuống 2,5%. MLF là khoản vay mà PBoC cấp cho một số tổ chức tín dụng đáp ứng tiêu chuẩn của cơ quan này. Việc hạ lãi suất sẽ giúp "duy trì thanh khoản dồi dào trong hệ thống ngân hàng".
Giới phân tích đánh giá động thái này là bất ngờ và sẽ mở đường cho việc giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR) tuần tới. Chiến lược gia ngoại hối tại Mizuho Bank, Ken Cheung, nhận định động thái này sẽ củng cố tín dụng tại Trung Quốc. PBoC có thể hỗ trợ thêm cho thị trường tín dụng trung hạn và mở đường cho việc giảm LPR, đặc biệt là với kỳ hạn 5 năm, để hỗ trợ ngành bất động sản đang lao đao.
Tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc gần đây lao dốc. Việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới rơi vào giảm phát trong tháng Bảy đòi hỏi giới chức nới lỏng tiền tệ hơn nữa để chặn lại đà xuống dốc. Rủi ro vỡ nợ của một số công ty bất động sản cũng đang làm lung lay niềm tin trên thị trường tài chính.
Nhà kinh tế học tại Commerzbank, Tommy Wu, nhận định tất cả những việc này khiến giới chức phải khẩn trương hành động trước khi niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp giảm mạnh hơn nữa.
Hồi tháng Sáu, PBoC cũng đã giảm hàng loạt lãi suất tham chiếu, trong đó có MLF. Đây được coi là tham chiếu cho LPR. Nhà đầu tư thường căn cứ vào MLF để dự báo thay đổi trong LPR. Lần điều chỉnh LPR kế tiếp sẽ là ngày 21/8.
Cùng ngày 15/8 PBoC đã bơm thêm 204 tỷ nhân dân tệ (27,99 tỷ USD) vào thị trường thông qua các hợp đồng mua lại đảo ngược. Lãi suất của công cụ này cũng được giảm từ 1,9% xuống 1,8%.
Trung Quốc đang đi ngược với nhiều ngân hàng trung ương toàn cầu, khi hạ lãi suất để kích thích kinh tế trong bối cảnh các nước khác tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát.
Việc giảm lãi suất vì thế sẽ tăng thêm sức ép lên đồng nhân dân tệ, làm dấy lên rủi ro dòng vốn rời Trung Quốc. Năm nay, đồng nhân dân tệ đã giảm 5% so với đồng USD.
Cũng trong ngày 15/8, Ngân hàng trung ương Nga (CBR) lại nâng lãi suất 3,5 điểm phần trăm lên 12% nhằm ngăn đà lao dốc của đồng ruble, khi đồng nội tệ của Nga đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 17 tháng.
CBR triệu tập cuộc họp khẩn ngay sau khi đồng ruble rớt giá kỷ lục, giao dịch ở mức khoảng 101 ruble đổi 1 USD vào chiều 14/8. Sau khi CBR công bố mức tăng lãi suất mới nhất, giá trị đồng ruble phục hồi khoảng 0,3%, giao dịch ở mức 98 ruble đổi 1 USD vào 8h37 sáng 15/8 (giờ địa phương).
Trong thông báo chính thức công bố ngày 15/8, CBR nêu rõ quyết định tăng lãi suất nhằm hạn chế những rủi ro gây mất ổn định giá cả, trong bối cảnh lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục leo thang. Động thái này được CBR đưa ra sau khi Cố vấn kinh tế của Tổng thống Vladimir Putin, ông Maxim Oreshkin, kêu gọi thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm ổn định giá đồng ruble.
Lần gần nhất CBR công bố đợt tăng lãi suất khẩn cấp là vào tháng 2/2022 lên 20% trong bối cảnh xung đột với Ukraine bùng phát. CBR đã từng bước nới lỏng chính sách tiền tệ, cắt giảm lãi suất cho vay còn 7,5% trong nửa sau của năm 2022 khi lạm phát hạ nhiệt phần nào. Đến tháng Bảy vừa qua, CBR đã tăng lãi suất ở mức cao hơn dự kiến, thêm 1 điểm phần trăm lên 8,5%, trong bối cảnh đồng ruble yếu và áp lực lạm phát cao.
Lạm phát hằng năm của Nga đang ở trên mức mục tiêu của CBR là 4% và có xu hướng tăng nhanh. CBR cho biết tỷ lệ lạm phát giá trung bình tại Nga trong 3 tháng gần nhất là khoảng 7,6%.
Nhà phân tích trưởng của Sovcombank, ông Mikhail Vasilyev, nhận định không có dấu hiệu cho thấy CBR sẽ tiếp tục tăng lãi suất, đồng nghĩa tỷ lệ 12% là mức lãi suất tối đa sẽ được duy trì đến cuối năm nay./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/pboc-co-the-giam-lai-suat-cho-vay-co-ban-vao-tuan-toi/303137.html