PCI 2022: Quảng Ninh lần thứ 6 liên tiếp giữ vị trí quán quân

Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Tháp lần lượt là các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao nhất trong Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022.

Đây là thông tin được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại lễ công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2022 sáng nay (11/4).

Báo cáo PCI 2022 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 11.872 doanh nghiệp, trong đó có 10.590 doanh nghiệp tư nhân và và 1.282 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam. Kể từ khi bắt đầu tiến hành vào năm 2005 tới nay, đã có 176.496 lượt doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI phản ánh các khía cạnh đa dạng của môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Lễ công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2022.

Lễ công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2022.

Báo cáo PCI 2022 đã điểm tên nỗ lực của Top 5 địa phương dẫn đầu. Vẫn giữ quán quân năm thứ 6 liên tiếp, Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu PCI 2021 với điểm số 72,95 trên thang điểm 100, tiếp tục ghi điểm với nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính.

“Á quân” trong bảng xếp hạng PCI 2022 là tỉnh Bắc Giang với điểm số ấn tượng 72,80. Kết quả này thể hiện bước tiến mạnh mẽ của Bắc Giang khi tỉnh cải thiện 29 bậc so với PCI 2021. Cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đánh giá rất tích cực chủ trương nhất quán “đồng hành cùng doanh nghiệp” của chính quyền tỉnh.

Vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng PCI 2022 thuộc về Thành phố Hải Phòng với điểm số 70,76. Doanh nghiệp tại Hải Phòng đánh giá cao những hoạt động xúc tiến thương mại – đầu tư, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác quốc tế trong năm qua.

Vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và đây cũng là lần đầu tiên tỉnh này góp mặt Top 5 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế của PCI. Chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong năm qua đã có nhiều nỗ lực thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, chú trọng thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao. Bà Rịa – Vũng Tàu có một số mô hình cải cách hành chính đáng chú ý được nhân rộng sau khi áp dụng thành công ở cấp huyện, xã như mô hình “Ngày thứ Năm không chờ”, “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói” và “Ký số bản đồ khổ lớn”.

Quảng Ninh năm thứ 6 liên tiếp dẫn đầu PCI. (Ảnh: VCCI)

Quảng Ninh năm thứ 6 liên tiếp dẫn đầu PCI. (Ảnh: VCCI)

Đứng vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng PCI 2022 là tỉnh Đồng Tháp với 69,68 điểm. Đồng Tháp l tên tuổi quen thuộc trong top 5 của PCI. Từ năm 2007 đến nay, Đồng Tháp đã có 16 năm liên tiếp nằm trong top 5 địa phương về chất lượng điều hành. Hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một “địa phương khởi nghiệp”, Đồng Tháp luôn chú trọng triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ doanh nghiệp và doanh nhân.

Góp mặt ở các vị trí còn lại trong top 10 PCI 2022 là các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế (6), Bắc Ninh (7), Vĩnh Phúc (8), Đà Nẵng (9) và Long An (10). Ngoại trừ Long An tăng 6 bậc từ vị trí 16/63 của PCI 2021, các địa phương còn lại đều có mặt trong top 10 PCI 2021.

Đáng chú ý, PCI 2022 không ghi nhận Hà Nội và TP.HCM trong top 10. Hà Nội đứng thứ 20, TP.HCM đứng thứ 27 trong danh sách 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI 2022. Trong PCI 2021, Hà Nội đứng thứ 10 và TP.HCM ở vị trí 14/63.

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, năm 2022, khảo sát PCI đã nhận được phản hồi gần 12.000 doanh nghiệp. Điều tra PCI năm 2022 cho thấy được sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền các tỉnh, thành phố trong năm đầu tiên phục hồi sau đại dịch COVID-19. Các doanh nghiệp trong và nước ngoài tiếp tục có sự trải nghiệm tích cực về thay đổi trong cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và giảm thiểu chi phí không chính thức của các chính quyền địa phương Việt Nam.

“Bối cảnh kinh tế vĩ mô nhiều thách thức như hiện nay chính là lúc chính quyền các địa phương cần chứng minh bản lĩnh và năng lực giải quyết các vấn đề mới, cải thiện hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt trong việc gia nhập thị trường và tạo thuận lợi tiếp cận các nguồn lực sản xuất như đất đai, lao động, tín dụng. Việc tăng cường tính minh bạch thông tin, giảm các phiền hà về tuân thủ thủ tục hành chính và giảm gánh nặng chi phí không chính thức ở các địa phương sẽ có hiệu quả tương đương như các gói hỗ trợ về tiền tệ và tài khóa mà Chính phủ đã ban hành trong thời gian qua”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh./.

Triển khai xây dựng và công bố từ năm 2005, chỉ số PCI là một bộ chỉ số hợp thành bởi 10 chỉ số thành phần, bao gồm: Chi phí gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; tính năng động của chính quyền địa phương; môi trường cạnh tranh bình đẳng; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; thiết chế pháp ý và an ninh trật tự.

Diệp Diệp/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/pci-2022-quang-ninh-lan-thu-6-lien-tiep-giu-vi-tri-quan-quan-post1013165.vov