PCT Hội Truyền nhiễm Việt Nam chỉ ra điểm 'may mắn' trong chuỗi ca bệnh tại Bệnh viện Việt Đức

Theo chuyên gia, mức độ dịch xảy ra tại Việt Đức đã có sự lây lan, nhưng Hà Nội sẽ kiểm soát sớm ổ dịch này.

Ca chỉ điểm quan trọng

Liên quan đến chuỗi ca bệnh tại Bệnh viện Việt Đức, theo Sở Y tế Hà Nội, tới thời điểm 18h00 ngày 2/10 đã ghi nhận tổng số 23 ca dương tính (trong đó có 11 người là của thành phố Hà Nội còn lại của các tỉnh, thành phố khác).

Trao đổi với bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam về chuỗi ca bệnh tại Bệnh viện Việt Đức, bác sĩ Hồng Hà chia sẻ: "Bệnh viện là một trong những nơi nguy có cao dễ xảy ra có ca bệnh F0. Việt Đức chỉ là bệnh viện ngoại khoa nhưng lại là bệnh viện tuyến cuối nhiều bệnh nhân các tỉnh đổ về.

Việc phát hiện ra trường hợp dương tính đầu tiên vào ngày 1/10, đây có thể là một điều rất "may mắn". Nhờ có ca bệnh chỉ điểm này mà chúng ta thực hiện nhanh các biện pháp truy vết, xét nghiệm toàn bệnh viện, bệnh nhân người nhà từng đến khám đã phát hiện ra thêm một số trường hợp tại Hà Nội và các tỉnh thành khác.

Như vậy mức độ dịch bệnh đã có sự lây lan nhưng không quá trầm trọng. Theo cá nhân tôi thì chuỗi ca bệnh tại Việt Đức sẽ sớm được kiểm soát nhờ vào sự quyết liệt của tất cả các chính quyền địa phương có liên quan tới Bệnh viện Việt Đức".

Xét nghiệm tại Bệnh viện Việt Đức.

Xét nghiệm tại Bệnh viện Việt Đức.

Tuy nhiên, vị chuyên gia truyền nhiễm cũng chỉ ra một số điểm khó khăn của chuỗi ca bệnh tại Việt Đức:

Thứ nhất: Để nhanh chóng kiểm soát dịch, cần sự phối hợp rất lớn của các địa phương với Hà Nội để nhanh chóng tìm người đã từng tới Bệnh viện Việt Đức từ ngày 15-30/9.

"Hiện nay, qua giám sát, một số địa phương đã phát hiện ra ca dương tính rất nhanh. Đây là điều rất quan trọng để cắt đưt chuỗi lây nhiễm", bác sĩ Hà nói.

Thứ hai: Hà Nội và các địa phương cần phải đẩy mạnh tất cả các hình thức tuyên truyền trên các phương tiên thông tin đại chúng để người dân đã từng tới Bệnh viện Việt Đức khám có thể liên lạc với các cơ sở y tế gần nhất (khai báo y tế, xét nghiệm).

Thứ ba: Hà Nội cần phải theo dõi vùng dân cư xung quanh Bệnh viện Việt Đức để nắm bắt được tình hình dịch.

Thứ tư: Bệnh viện Việt Đức vẫn cần phải thực hiện xét nghiệm diện rộng tại các khoa phòng, khoanh vùng diện hẹp để đỡ ảnh hưởng tới các trường hợp bệnh nhân khác.

Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho rằng: "Với những điều kiện hiện nay thì chuỗi ca bệnh xảy ra tai Bệnh viện Việt Đức Hà Nội vẫn có thể kiểm soát được sớm".

Người dân cần làm gì khi tới bệnh viện để tránh nguy cơ trở thành F0?

Theo Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, dịch đang có trong cộng đồng và khi Hà Nội mở cửa thì việc xuất hiện ca F0 là điều không tránh khỏi.

Trong đó, bệnh viện là nơi nguy cơ lây nhiễm cao. Do vậy, người dân khi tới bệnh viện khám, điều trị hoặc đưa người nhà đi khám cần phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.

Đối với bệnh viện, để tránh lọt lưới ca bệnh, cần phải xét nghiệm các bệnh nhân khi vào bệnh viện. Với bệnh nhân ở nội trú cần người chăm sóc, cần phải xét nghiệm và không đổi người chăm sóc. Nên làm xét nghiệm PCR và có thể làm gộp mẫu để có thể giảm chi phí cho bệnh nhân. Việc xét nghiệm bằng PCR sẽ tránh được nguy cơ bỏ sót bệnh nhân.

"Các bệnh viện cần phải xác định nguy cơ ca bệnh thâm nhập vào viện là thường trực. Do vậy, nhân viên y tế phải tuân thủ đúng quy định phòng chống dịch. Bệnh viện cần phải xét nghiệm thường xuyên cho nhân viên y tế nguy cơ thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân.

Chỉ có việc duy trì xét nghiệm bệnh nhân, người nhà, nhân viên y tế mới phát hiện sớm ca bệnh và dập dịch dễ dàng", bác sĩ Hồng Hà nói.

Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam nói không chỉ trong bệnh viện, nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao ngoài cộng đồng cũng cần phải tăng cường được xét nghiệm, ví dụ như người lái xe, shipper, người bán hàng tại các siêu thị, trung tâm mua sắm, thầy cô giáo, người tiếp xúc với nhiều người.

Ngọc Minh

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/pct-hoi-truyen-nhiem-viet-nam-chi-ra-diem-may-man-trong-chuoi-ca-benh-tai-benh-vien-viet-duc-82021210193347802.htm