'Pele giỏi nhưng không bằng Maradona'
Với nhiều người từng được chứng kiến Diego Maradona thi đấu, 'Cậu bé vàng' mãi là cầu thủ hay nhất mọi thời đại.
Lần đầu tiên tôi biết đến bóng đá là World Cup 1994 trên đất Mỹ. Tôi yêu kỳ World Cup ấy nhất, chẳng phải bởi cái ấn tượng đầu tiên bao giờ cũng sâu đậm, bởi đó là thời gian mà ba nói chuyện với tôi nhiều nhất. Một đứa bé 8 tuổi lúc ấy đã biết gì về chiến thuật và các luật lệ, nhưng tôi nhớ Roberto Baggio và Romario. Một người tóc dài, đẹp trai như nghệ sĩ. Người kia lùn, xấu, trông như bác đạp xích lô trước hẻm.
Ba nói: Baggio người Italy nhưng đá hoa mỹ như một người Brazil, còn Romario người Brazil thì đá đơn giản như một người Italy. Trước trận chung kết, tôi nói ba phải gọi tôi dậy để xem Romario đá với Baggio. Ba tôi ậm ừ cho qua, vì sáng hôm sau tôi phải dậy đi học.
Dẫu vậy, tôi vẫn giật mình vào giấc tầm 3-4h. Khi tôi xuống nhà, trận đấu đã bước vào hiệp phụ. Hai đội đá mãi mà không có bàn nào được ghi. Chờ mãi mà không thấy Baggio lẫn Romario làm được gì. Rồi trận đấu phải bước vào loạt sút luân lưu.
Tôi hỏi sút luân lưu là gì, ba nói: “Là mỗi bên đá năm trái 11 m, ai vô nhiều hơn là ăn”. Tôi ngồi ngẫm nghĩ: "Vậy là giống bọn con nít chơi oẳn tù tì rồi".
Rồi tôi hỏi ba: “Ba muốn ai ăn”. Ba trả lời: “Ai ăn cũng được”. Tôi nói ba chọn đại một đội đi. Ba chọn đội Italy, tôi tất nhiên đành chọn Brazil. Kết quả ai cũng biết, Baggio đã thua trong lượt “oẳn tù tì” của mình. Anh đá hy vọng vô địch của đội bóng thiên thanh lên bầu trời xanh. Đó là hình ảnh đáng nhớ nhất của kỳ World Cup 1994.
Nhưng ba tôi tuyệt nhiên không bộc lộ một cảm xúc nào, dù đó là pha bóng cuối cùng của kỳ World Cup, dù ông vừa thua độ đứa con trai lần đầu biết xem bóng đá. Sau này tôi mới biết, kỳ World Cup 1994 đã kết thúc từ vòng bảng.
Chính xác là ngày 30/6/1994, Maradona bị trục xuất vì dương tính với cocaine. Không có anh, Argentina thua Bulgaria 0-2. Họ vẫn vào vòng 2 nhờ vé vớt. Nhưng có ích gì. Đội bóng không linh hồn ấy thua tiếp Romania và bị loại.
Sau mùa hè nước Mỹ, tình yêu bóng đá của tôi ngày một lớn hơn. Tôi xem trọn vẹn World Cup 1998 không bỏ một trận nào. Tôi yêu luôn Real Madrid và đội tuyển Tây Ban Nha từ đó.
Tôi muốn sau này lớn lên mình phải làm một công việc gì đó liên quan đến thể thao, có thể là bình luận viên hoặc có thể là một người viết. Trong lúc tôi ngày càng nghiện với môn thể thao vua, ba tôi ngày càng lạnh nhạt với nó.
Có nhiều người yêu bóng đá nhờ xem Maradona. Còn với ba tôi, bóng đá và Maradona dường như là một. Khi Ronaldo “người ngoài hành tinh” nổi lên dữ dội ở Barcelona rồi sau đó là Inter Milan, ba tôi chê: “Nhưng thằng đầu trọc ấy không biết chuyền banh”.
Khi Zinedine Zidane trở thành cầu thủ đắt giá nhất thế giới và giành Quả bóng Vàng, ba tôi chê: “Đầu hói, xấu trai quá”. Khi FIFA tổ chức bầu chọn cầu thủ hay nhất thế kỷ 20, ba nói: “Tại sao phải bầu khi ai cũng biết kết quả”.
Sau đó, FIFA sợ phật ý nên chia đôi giải thưởng cho cả Pele và Maradona, tôi mới hỏi: “Pele giỏi lắm hả ba?”. Ba nói: “Giỏi, nhưng không bằng Maradona”. Ba tôi là một người ít nói, và như một giám thị trong phòng thi, tuyệt đối “không giải thích gì thêm”.
Ronaldo rồi sau đó là Messi xuất hiện, trở thành hai biểu tượng rực rỡ của bóng đá thời đại mới. Những cuộc tranh luận bất tận nổ ra hàng ngày xem ai giỏi hơn. Một lần đám giỗ, các bác các chú mang chuyện ấy ra tranh luận. Ba tôi chỉ nói: “Maradona là giỏi nhất”.
Lúc ấy đã hơn 20 năm, kể từ ngày Maradona bị trục xuất khỏi nước Mỹ. Tôi đã nhiều lần tự hỏi: rốt cục ở Maradona có điều gì để khiến ba tôi và nhiều người mê mẩn tới vậy.
Nhưng cũng như rất nhiều fan Man United chỉ yêu đội bóng này bởi Eric Cantona, tôi nhận ra điều làm ba tôi yêu Maradona đến vậy không chỉ nằm ở tài năng. Vì sao người ta yêu Cantona? Đâu phải vì những bàn thắng hay những pha rê bóng, mà là cái cổ áo dựng ngược trong một buổi chiều giá rét, là hai cánh tay giang ra như Chúa trời, là đôi chân đã song phi vào kẻ dám xúc phạm quê hương anh.
Người Argentina tôn sùng Maradona như Chúa, vì họ thấy bản thân mình trong Maradona. Họ thấy con người nhỏ bé có xuất thân hèn kém ấy sở hữu một khát vọng khôn cùng và rồi chạm đến những đỉnh cao chưa từng có.
Ba nói cầu thủ dạo này yếu hèn, vì cứ động đến là ngã. Ngã xong rồi không ôm chân ăn vạ cũng phàn nàn trọng tài, khá hơn chút thì đạp lại đối thủ. Maradona làm gì với những cú đạp từ đối thủ? Anh chỉ đứng dậy và đá tiếp, chả cần ai kéo lên. Việc của bạn là đạp tôi, việc của tôi là chiến thắng bạn. Và thắng bằng mọi giá, kể cả dùng tay.
Người ta yêu Maradona là vì thế, vì con người ấy vĩ đại và tầm thường cùng một lúc. Pele quá chuẩn mực, Ronaldo “người ngoài hành tinh” quá cá nhân, Michel Platini quá chính trị, Zinedine Zidane quá xa cách, Lionel Messi quá hiền, Cristiano Ronaldo quá chuyên nghiệp, rốt cục chỉ có Maradona là ra dáng một con người hơn cả, một con người với đầy đủ những sai lầm, một con người mà trước những cám dỗ của cuộc đời chỉ đưa ra duy nhất một lựa chọn: chấp nhận cám dỗ ấy rồi khắc phục hậu quả.
Maradona không đi từ địa ngục lên thiên đàng rồi trở về địa ngục như người ta nói đâu. Ông chỉ đơn giản là đi từ địa ngục này sang địa ngục khác. Từ chỗ có rất nhiều bạn nhưng rất ít tiền đến chỗ có rất nhiều tiền nhưng rất ít bạn.
Và cũng như Mike Tyson, ông tìm đến ma túy. Và khi tìm đến ma túy, có gì khác nhau đâu giữa Maradona và anh nghệ sĩ nhạc rock, tên ma cô dắt gái và một kẻ nhập nha. Maradona được tôn trọng nhờ thiên tài, nhưng được yêu mến bởi sự tầm thường ấy.
“Tôi chỉ hai đứa con, những đứa còn lại chỉ là sản phẩm của tiền bạc và sai lầm,” Maradona nói. Những nhà đạo đức học tất nhiên căm ghét ông. Ma túy, trốn thuế, bạo lực, ruồng rẫy con riêng không chuyện gì ông không làm.
Nhà lãnh tụ Cuba Fidel Castro coi ông như bạn. Vì ông quá chân thành, quá con người, vì ông không diễn mà thật sự sống. Tương tự, điều làm ba tôi mê mẩn Maradona nào phải đôi chân thánh thần, mà bởi trái tim quá ư trần thế.
Người ta nói đời một cầu thủ chết hai lần, lần đầu là khi họ giải nghệ. Maradona chưa giải nghệ đã chết luôn ở mùa hè nước Mỹ. Tình yêu bóng đá của ba tôi cũng chết vào năm ấy.
Để rồi khi Maradona trút hơi thở cuối cùng, tôi mới giật mình nhận ra: 26 năm đã trôi qua. Có nhiều ước mơ trong tôi đã chết. 26 năm, hai cha con nói chuyện với nhau có lẽ chỉ hơn trăm câu một chút. 26 năm ba và tôi đã làm nhau thất vọng bao lần bởi những quyết định của mình. 26 năm, tóc tôi đã bạc 1/3, tóc ba đã rụng hơn Zidane mà ba từng chê là “hói”.
Nhưng may quá, Diego, vẫn còn kịp. Ngày ông ra đi, rốt cục tôi cũng sẽ kịp nói với ba mình: "Ba có nhớ năm 1994, ba thua độ con trận chung kết World Cup không?".
Mà hồi đó, mình cá cái gì ấy nhỉ?
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/pele-gioi-nhung-khong-bang-maradona-post1157460.html