PepsiCo nâng dự báo doanh thu năm 2022

Tập đoàn thực phẩm, đồ ăn nhẹ và đồ uống đa quốc gia của Mỹ PepsiCo ngày 12/7 đã nâng triển vọng doanh thu cho năm 2022 do lạm phát đẩy giá lên cao.

Biểu tượng của tập đoàn thực phẩm, đồ ăn nhẹ và đồ uống đa quốc gia của Mỹ PepsiCo. Ảnh: Reuters

Biểu tượng của tập đoàn thực phẩm, đồ ăn nhẹ và đồ uống đa quốc gia của Mỹ PepsiCo. Ảnh: Reuters

Tập đoàn thực phẩm, đồ ăn nhẹ và đồ uống đa quốc gia của Mỹ PepsiCo ngày 12/7 đã nâng triển vọng doanh thu cho năm 2022 do lạm phát đẩy giá lên cao và mọi người trả nhiều tiền hơn cho món khoai tây chiên Doritos và đồ uống Gatorade.

Cụ thể, doanh thu năm 2022 của Pepsi có thể đạt 20,23 tỷ USD, tương đương 1,86 USD/cổ phiếu, cao hơn so với mức dự báo của công ty phân tích Refinitiv đưa ra là doanh thu đạt 19,51 tỷ USD, tương đương 1,74 USD/cổ phiếu.

Trong bối cảnh chi phí dự kiến sẽ tăng cao hơn nữa trong nửa cuối năm 2022, PepsiCo cho biết sẽ tiếp tục duy trì kế hoạch giảm kích cỡ sản phẩm và thực hiện các biện pháp khác để quản lý chi phí gia tăng.

Trả lời phỏng vấn CNBC, Hugh Johnston, Giám đốc tài chính của PepsiCo, cho biết hãng đang phải đối mặt với lạm phát giống như các doanh nghiệp khác và tình hình này dự kiến còn kéo dài trong một thời gian, song PepsiCo đang định giá đủ để có thể kiểm soát lạm phát và chú trọng tìm cách để giảm chi phí.

Pepsi đã báo cáo thu nhập ròng trong quý II/2022 ở mức 1,43 tỷ USD, tương đương 1,03 USD/cổ phiếu, giảm so với mức 2,36 tỷ USD, hay 1,70 USD/cổ phiếu trong cùng kỳ năm 2021. Giá cổ phiếu của PepsiCo đã tăng chưa đến 1% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa.

Lợi nhuận của PepsiCo đã giảm xuống do phải đối mặt với chi phí vận chuyển và hàng hóa cao hơn trong quý II/2022.

Giám đốc điều hành Ramon Laguarta cho biết Pepsi đang đẩy nhanh các sáng kiến về quản lý chi phí và sử dụng “các giải pháp kết hợp và phân loại”, chẳng hạn như kích thước sản phẩm nhỏ hơn. Theo ông Johnston, đôi lúc Pepsi có thể lựa chọn giảm khối lượng sản phẩm thay vì tăng giá bán.

Ngoài vấn đề chi phí tăng cao, căng thẳng Nga-Ukraine cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận của Pepsi. Pepsi đã báo cáo khoản phí 1,17 tỷ USD liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine trong quý này.

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine, Pepsi đã tạm dừng bán hàng ở Nga, ngoại trừ một số mặt hàng thiết yếu, như sữa bột trẻ em.

Hãng này hiện đang cố gắng ngừng cung cấp hoặc định vị lại một số nhãn hiệu nước trái cây và sữa của Nga./.

Minh Hằng (Theo CNBC)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/pepsico-nang-du-bao-doanh-thu-nam-2022/250938.html