Peru: 6 Bộ trưởng từ chức sau vụ cảnh sát đột kích nhà riêng Tổng thống
Gần 1/3 thành viên nội các Peru đột ngột từ chức ngày 1.4 sau sự việc cảnh sát đột kích nhà Tổng thống để tìm kiếm những tài sản xa xỉ không được kê khai trong một cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào bà.
Tổng thống Boluarte bị nghi ngờ tham nhũng vì sở hữu những đồng hồ rolex xa xỉ.
Ảnh: Merco Press
Các bộ trưởng phản ứng trước cuộc điều tra
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Victor Torres đã công bố quyết định từ chức. Tiếp đó, 5 bộ trưởng khác (bao gồm Bộ trưởng Phụ nữ, Bộ trưởng Giáo dục, Bộ trưởng Bộ Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Sản xuất và Bộ trưởng Ngoại thương) cũng đột ngột từ chức.
Ông Torres phát biểu trước các phóng viên: "Tôi sẽ rời đi trong sự thanh thản với đôi bàn tay sạch sẽ. Tôi đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống và bà ấy đã chấp thuận". Trong khi chính trị gia này tuyên bố từ chức với nguyên nhân gia đình và sức khỏe, một số phương tiện truyền thông lại cho rằng đây là cách ông Torres bày tỏ thái độ không hài lòng với cuộc đột kích cuối tuần qua. Tất cả các bộ trưởng từ chức đều lên tiếng ủng hộ bà Boluarte, họ cho rằng, việc cảnh sát xông vào nhà riêng Tổng thống khám xét là "không cần thiết" và "quá đáng".
Các bộ trưởng từ chức chiếm khoảng 30% thành viên nội các gồm 19 người. Tổng thống Boluarte sau đó đã đồng ý đơn từ chức và tìm được người thay thế họ vào cuối ngày 1.4. Trong đó, ông Walter Ortiz - cựu lãnh đạo Đơn vị chống tội phạm có tổ chức (thuộc Bộ Nội vụ Peru) thay thế vị trí ông Victor Torres. Tại Peru, Bộ trưởng Nội vụ là thành viên chủ chốt trong bộ máy an ninh nhà nước.
Cáo buộc tham nhũng và nguy cơ bất ổn
Động thái này diễn ra ngay sau khi bà Boluarte bị cáo buộc làm giàu bất hợp pháp từ tham nhũng và phải đối mặt với một cuộc khám xét bất ngờ.
Theo yêu cầu từ văn phòng Tổng chưởng lý, cảnh sát và các công tố viên Peru đã đột kích dinh thự Tổng thống cũng như Văn phòng Tổng thống ở thủ đô Lima vào tối 29.3 dưới sự cho phép của cơ quan tư pháp. Các điều tra viên được cho là đang tìm kiếm bằng chứng liên quan đến nguồn gốc của ít nhất 3 chiếc đồng hồ Rolex.
Bà Boluarte từng là Phó Tổng thống, trước khi trở thành nguyên thủ quốc gia vào vào tháng 12.2022, sau khi Tổng thống Peru lúc đó là Pedro Castillo cố gắng giải tán Quốc hội và cai trị đất nước bằng sắc lệnh, dẫn đến việc ông bị bắt giữ. Tiếp đó, Peru rơi vào bất ổn với các cuộc biểu tình bạo lực kêu gọi Tổng thống từ chức và tổ chức các cuộc bầu cử mới.
Cuộc điều tra chống lại nữ Tổng thống nổ ra vào giữa tháng 3 khi một chương trình truyền hình chiếu cận cảnh bà Boluarte đeo chiếc đồng hồ Rolex trị giá tới 14.000 USD. Ít nhất có 2 chiếc đồng hồ xa xỉ nữa của Tổng thống sau đó đã được tiết lộ.
Những cáo buộc tham nhũng chống lại bà được đưa ra trong bối cảnh các nhà lập pháp từ nhiều đảng phái khác nhau, bao gồm cả đảng Peru Tự do mà bà Boluarte từng là thành viên, đệ trình yêu cầu bãi nhiệm Tổng thống vì "mất năng lực đạo đức vĩnh viễn" lên Quốc hội.
Vị Tổng thống 61 tuổi đã khẳng định, những chiếc đồng hồ là thành quả của một cuộc đời làm việc chăm chỉ. Tuy nhiên, bà không cung cấp thông tin chi tiết về việc chúng thuộc quyền sở hữu của mình như thế nào. Với vị trí Tổng thống, bà Boluarte ước tính kiếm được khoảng 55.000 USD mỗi năm.
Bà Boluarte dự kiến sẽ đưa ra tuyên bố chính thức trước các nhà điều tra vào ngày 5.4. Tổng thống đã được hướng dẫn sẽ công khai tất cả số đồng hồ Rolex mà bản thân sở hữu khi có mặt trong ngày hôm đó.
Các cáo buộc sẽ không dẫn tới một phiên tòa cho đến khi nhiệm kỳ của bà Boluarte kết thúc, dự kiến vào tháng 7.2026, hoặc vào thời điểm bà bị luận tội, theo Hiến pháp Peru.
Vụ việc đã làm gia tăng tình trạng bất ổn gia trên chính trường Peru, nơi đã chứng kiến 6 đời tổng thống khác nhau chỉ trong vòng 8 năm.