Peru bước vào làn sóng thứ 5 với số ca mắc COVID-19 tăng 'rất nhanh và đều'

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Lima, Peru. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

* Châu Âu đối mặt cùng lúc nhiều dịch bệnh hô hấp

Bộ trưởng Y tế Peru Kelly Portalatino ngày 2/12 cho biết nước này đã bước vào làn sóng dịch COVID-19 thứ 5 sau khi số ca nhiễm tăng tại hầu hết các khu vực trong 3 tuần qua.

Theo một báo cáo của Bộ Y tế Peru, có 6.541 ca nhiễm mới và 9 ca tử vong do COVID-19 đã được ghi nhận tại nước này trong hai ngày 1 - 2/12. Kể từ khi bùng phát dịch, Peru đã ghi nhận tổng cộng 4.252.383 ca mắc và 217.414 ca tử vong.

Giám đốc Trung tâm dịch tễ, phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh quốc gia, ông Cesar Munayco cho biết: "Theo tiêu chí của trung tâm, sự gia tăng hiện nay có thể gọi là làn sóng thứ 5 và dự kiến sẽ ở mức độ nhẹ hơn so với các làn sóng trước".

Ông Munayco cũng nhấn mạnh rằng sự gia tăng số ca mắc COVID-19 tại Peru "rất nhanh và đều", dẫn tới tăng số ca nhập viện và tử vong. Theo các quan chức y tế Peru, đợt dịch mới tại nước này chủ yếu do biến thể phụ BA.5 của Omicron gây ra.

Tại Pháp, người phát ngôn Chính phủ Pháp Olivier Veran ngày 1/12 kêu gọi các nhóm có nguy cơ cao tiêm mũi tăng cường thứ 2 vắcxin ngừa COVID-19 trước kỳ nghỉ Giáng Sinh và năm mới.

Ông Veran nêu rõ những người từ 60 tuổi trở lên, người có bệnh nền hoặc tiếp xúc hằng ngày với người cao tuổi hoặc người có sức khỏe yếu, nếu chưa tiêm vắcxin mũi tăng cường mới nhất thì nên tiêm vì sẽ hạn chế nguy cơ biến chứng và nhập viện.

Ông Veran - cựu Bộ trưởng Y tế Pháp - cho biết chỉ 20% các nhóm có nguy cơ cao tại nước này đã tiêm mũi tăng cường thứ 2 trong bối cảnh bùng phát một làn sóng mới của dịch COVID-19 và dịch cúm mùa.

Ông Veran nhấn mạnh hiện có một biến thể phụ của virus đang lây lan nhanh ở Pháp và số trường hợp nhiễm bệnh phải điều trị tích cực liên quan đến COVID-19 đã tăng 20%, làm suy yếu yệ thống y tế của đất nước.

Theo nhà miễn dịch học Brigitter Autran, biến thể phụ BA.5 của Omicron vốn phổ biến ở Pháp đã bị thay thế bởi biến thế phụ BQ.1.1.

Cơ quan y tế công Pháp ngày 1/12 thông báo gần 70.000 ca mắc mới COVID-19 được ghi nhận tại nước này trong 24 giờ qua.

Trong diễn biến khác, các nhà lãnh đạo y tế châu Âu ngày 1/12 bày tỏ lo ngại về nguy cơ gia tăng số ca nhiễm các loại virus đường hô hấp trên khắp khu vực vào mùa đông năm nay, đồng thời kêu gọi áp dụng các biện pháp để bảo vệ người dân tốt hơn, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất.

Theo một tuyên bố chung của đại diện Liên minh châu Âu (EU) phụ trách vấn đề sức khỏe và an toàn thực phẩm Stella Kyriakides, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu Hans Kluge và Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) Andrea Ammon, trong khi dịch bệnh do virus hợp bào hô hấp (RSV) và dịch COVID-19 vẫn đe dọa châu Âu, cúm mùa năm nay tại khu vực này đã bắt đầu sớm hơn thường lệ.

Tuyên bố nêu rõ khu vực châu Âu hiện đang chứng kiến sự gia tăng số ca mắc cúm mùa và RSV. Cùng với COVID-19, những loại virus này sẽ tác động lớn đến các dịch vụ y tế và người dân trong mùa Đông này.

Cụ thể, tuyên bố cho biết các virus cúm mùa hiện nay (A và B) đang lây lan tại nhiều khu vực của châu lục trong tất cả các nhóm tuổi. Nhóm người từ 55 tuổi trở lên đặc biệt dễ bị tổn thương và nhóm này chiếm gần một nửa số ca nhập viện do cúm được báo cáo kể từ tháng 10/2022.

Một vấn đề đáng lo ngại khác là sự gia tăng đột biến các ca nhiễm RSV, một loại virus đường hô hấp phổ biến gây viêm phế quản hoặc viêm phổi và có thể dẫn tới tử vong, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và người già. Tuyên bố nhấn mạnh các trường hợp RSV cũng đã gia tăng kể từ tháng 10, trong đó khoảng 20 quốc gia, khu vực ghi nhận RSV đang hoạt động mạnh.

Mặc dù tỉ lệ ca nhiễm, nhập viện, cần chăm sóc đặc biệt (ICU) và tỉ lệ tử vong hiện đều thấp so với 12 tháng trước đây, giới chức y tế vẫn lo ngại tình hình này có thể thay đổi khi các biến thể mới của virus xuất hiện và dịch bệnh tiếp tục gây căng thẳng đối với các nguồn lực chăm sóc sức khỏe.

Các nhà lãnh đạo y tế khuyến nghị các bác sĩ lâm sàng cân nhắc các phương pháp điều trị kháng virus sớm và điều trị dự phòng cúm, RSV và COVID-19 cho những người có nguy cơ bệnh tiến triển nặng nhằm ngăn ngừa các hậu quả nghiêm trọng và giảm gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Báo Tin Tức)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/290931/peru-buoc-vao-lan-song-thu-5-voi-so-ca-mac-covid-19-tang-rat-nhanh-va-deu.html