Peru chìm trong bạo loạn, nhiều bộ trưởng từ chức
Hai bộ trưởng chính phủ đã từ chức ở Peru sau nhiều ngày xảy ra các cuộc biểu tình bạo lực về việc luận tội cựu tổng thống.
Các quan chức cho biết thêm tám người nữa đã chết hôm 15-12 trong các cuộc đụng độ giữa quân đội và những người ủng hộ cựu tổng thống Pedro Castillo.
Trong khi đó, hàng nghìn du khách đang bị mắc kẹt tại thành phố Cusco sau khi những người biểu tình buộc sân bay phải đóng cửa.
Các cuộc biểu tình bắt đầu sau khi ông Castillo bị cách chức bởi một cuộc bỏ phiếu của quốc hội.
Peru đã trải qua nhiều năm bất ổn chính trị, với cuộc khủng hoảng mới nhất bùng phát vào ngày 7-12 khi cựu tổng thống tuyên bố giải tán Quốc hội và ban bố tình trạng khẩn cấp.
Tuy nhiên, kế hoạch của ông Castillo đã phản tác dụng và thay vào đó, Quốc hội đã bỏ phiếu áp đảo để luận tội ông.
Hơn 20 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình sau đó.
Các cuộc đụng độ hôm 15-12 ở khu vực trung tâm Ayacucho khiến ít nhất 8 người thiệt mạng, cơ quan y tế cho biết. Các cảnh quay trên phương tiện truyền thông xã hội cho thấy những người biểu tình chặn các con đường chính và sân bay.
Bộ trưởng Giáo dục Patricia Correa là một trong hai bộ trưởng từ chức hôm 16-12, viết trên Twitter rằng "cái chết của người dân không có lý do chính đáng" và rằng "bạo lực nhà nước không thể không cân xứng và gây ra những cái chết".
Những người biểu tình đang kêu gọi đóng cửa Quốc hội, tổng thống mới Dina Boluarte từ chức và tổ chức bầu cử sớm. Vào ngày 16-12, Quốc hội đã bỏ phiếu chống lại đề xuất đưa các cuộc bầu cử vào năm tới.
Các cuộc biểu tình cũng đang ảnh hưởng đến ngành du lịch của đất nước. Thị trưởng thành phố Cusco nói với hãng tin AFP rằng khoảng 5.000 khách du lịch đang bị mắc kẹt trong thành phố sau khi sân bay ở đó đóng cửa khi những người biểu tình cố xông vào nhà ga.
Thành phố này là cửa ngõ vào Macchu Picchu - một thành cổ của người Inca được hàng trăm nghìn người ghé thăm mỗi năm.
Khoảng 800 khách du lịch cũng bị mắc kẹt tại thị trấn nhỏ dưới chân núi nơi có tòa thành vì tuyến đường sắt phục vụ thị trấn đã ngừng hoạt động.
Một số khách du lịch chủ yếu là người Mỹ và châu Âu được cho là đã rời thị trấn đi bộ dọc theo đường ray xe lửa để cố gắng quay trở lại Cusco.