Peru vượt 'ải dốc' một tuần ba Tổng thống
Peru rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi cựu Tổng thống Martin Vizcarra bị Quốc hội phế truất với cáo buộc tham nhũng và người kế tiếp là ông Manuel Merino cũng phải từ chức chỉ ít ngày sau khi lên nắm quyền.
Ông Francisco Sagasti ngày 17/11 tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 3 của Peru chỉ trong vòng hơn 1 tuần. Là một người mới trên chính trường, ông Sagasti phải gánh vác những trọng trách rất lớn, mà trước tiên là khôi phục lòng tin của người dân trong bối cảnh Peru vừa trải qua cuộc khủng hoảng hiến pháp tồi tệ nhất trong hai thập kỷ.
Trong buổi lễ nhậm chức được truyền hình trực tiếp, tân Tổng thống Peru Francisco Sagasti cam kết khôi phục lòng tin của người dân đối với chính phủ sau các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình làm 2 thanh niên thiệt mạng hồi tuần trước. Nhà lãnh đạo mới của Peru cam kết sẽ không để thảm kịch này tái diễn.
“Để tạo ra sự thay đổi, những người trẻ đóng vai trò rất quan trọng. Tôi một lần nữa lấy làm tiếc về cái chết của hai thanh niên Peru trong các cuộc biểu tình vừa qua. Nếu các tầng lớp chính trị có khả năng chấn chỉnh hoàn cảnh, thì sự hy sinh của những người trẻ tuổi này phải là một dấu mốc để chúng ta thay đổi những phương thức thực hành chính trị có hại”, ông Sagasti nói.
Tại thủ đô Lima, nhiều người dân chia sẻ sự lạc quan thận trọng rằng, vị chính khách có thể đưa đất nước trở lại ổn định sau một tuần biến động. Nhà lập pháp 76 tuổi theo đường lối trung dung hồi đầu tuần đã tới thăm các bệnh viện, nơi những người biểu tình bị thương đang được điều trị và cam kết sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để mang hi vọng trở lại Peru. Thông điệp này một lần nữa được nhắc lại trong phát biểu nhậm chức ngày hôm qua, cùng với lời nhắc nhở các chính trị gia về những giá trị dân chủ mà họ đã cam kết sẽ bảo vệ. Ông đồng thời hứa sẽ tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng.
“Với quyền lực hành pháp, Chính phủ có trách nhiệm giải quyết những việc cấp bách nhất trên cơ sở tôn trọng sự ổn định và cân bằng. Nếu không làm như vậy, cái giá phải trả sẽ là rất lớn. Chúng ta sẽ mất đi lòng tin của người dân, mất đi sự ổn định kinh tế, sẽ phải chứng kiến thất nghiệp và lạm phát gia tăng giống như chúng ta đã từng trải qua trước đây”, tân Tổng thống Sagasti nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Sagasti còn cả một “con đường dốc” phía trước. Người dân Peru, đặc biệt là giới trẻ vẫn còn giận dữ trước một chính phủ mà họ cho là “tư lợi và tham nhũng”, đã tuần hành ở thủ đô ngay sau buổi lễ nhậm chức. Ông cũng sẽ phải hàn gắn một Quốc hội chia rẽ và không ổn định, mà minh chứng rõ nhất là 2 vị Tổng thống bị phế truất chỉ trong hơn 1 tuần. Hầu hết các thành viên Quốc hội đều là những người lần đầu tiên làm nghị sĩ và gần một nửa đang bị điều tra. Bản thân ông Sagasti cũng chỉ có 5 tháng để dẫn dắt đất nước trước khi diễn ra bầu cử Tổng thống.
Peru rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi cựu Tổng thống Martin Vizcarra bị Quốc hội phế truất với cáo buộc tham nhũng và người kế tiếp là ông Manuel Merino cũng phải từ chức chỉ ít ngày sau khi lên nắm quyền, trước sức ép từ các cuộc biểu tình phản đối của người dân. Lần đầu tiên trong lịch sử, Peru bị rơi vào tình trạng “khoảng trống quyền lực” trong hơn 24 giờ.
Dù là một nhân vật mới trên chính trường, song ông Sagasti, tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư và có thiên hướng học thuật, lại là một nhân vật được kính trọng tại Peru. Năm 1996, ông từng nằm trong số những nạn nhân bị phiến quân Tupac Amaru bắt làm con tin tại dinh thự của Đại sứ Nhật Bản ở Lima. Theo ông Michael Shifter, đứng đầu Tổ chức Đối thoại liên Mỹ, danh tiếng của ông Sagasti như một người “xây dựng sự đồng thuận” giúp ông ấy trở thành sự lựa chọn thích hợp vào thời điểm khó khăn hiện nay của Peru./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/peru-vuot-ai-doc-mot-tuan-ba-tong-thong-818413.vov