Petrolimex 'cắn răng' bán cổ phiếu quỹ để cân đối dòng tiền
Từ tháng 3/2020, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) sẽ thực hiện đợt bán ra cổ phiếu quỹ, điều này sẽ giúp Công ty có một khoản tiền đáng kể để bù đắp cho các hoạt động kinh doanh.
Petrolimex dự kiến bán 25 triệu cổ phiếu quỹ.
Bán đi sẽ khó mua lại
Theo kế hoạch, Petrolimex dự kiến bán 25 triệu cổ phiếu quỹ, thời gian thực hiện từ ngày 1/3/2021 đến ngày 30/3/2021.
Việc Công ty bán ra cổ phiếu thời điểm này đồng nghĩa với việc nếu muốn mua lại sẽ không còn dễ dàng như trước nữa.
Theo quy định mới của Luật Chứng khoán có hiệu lực ngày 1/1/2021, công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình sẽ phải đăng ký giảm vốn điều lệ tương ứng với số cổ phần mua lại. Tuy nhiên, quy định trên không áp dụng với trường hợp mua trước ngày 1/1/2021.
Theo đó, những doanh nghiệp đã có cổ phiếu quỹ tồn tại từ trước ngày 1/1/2021, như trường hợp Petrolimex, thì số cổ phiếu quỹ đang nắm giữ vẫn sẽ được tiếp tục nắm giữ mà không cần phải giảm vốn điều lệ, đồng thời có quyền được bán số cổ phiếu quỹ đó ra nếu có nhu cầu.
Tuy nhiên, nếu sau đó, doanh nghiệp muốn mua cổ phiếu quỹ sẽ phải thực hiện theo Luật Chứng khoán mới, tức sẽ phải đăng ký giảm vốn. Trường hợp này, về bản chất, tương tự việc doanh nghiệp tự nguyện thu hẹp quy mô vốn.
Với Petrolimex, số cổ phiếu dự kiến bán ra chỉ chiếm khoảng 1/3 trong tổng số hơn 75 triệu cổ phiếu quỹ mà Petrolimex đang nắm giữ. Theo đó, nếu Petrolimex bán hết 25 triệu cổ phiếu quỹ theo kế hoạch lần này, thì số lượng cổ phiếu quỹ đang nắm giữ vẫn còn hơn 50 triệu cổ phiếu.
Với thị giá cổ phiếu PLX hiện nay hơn 57.000 đồng/cổ phiếu, khi Petrolimex bán được hết số cổ phiếu dự kiến bán ra lần này với giá bình quân bằng thị giá hiện tại, thì số tiền thu về là hơn 1.400 tỷ đồng.
Mục tiêu bán cổ phiếu quỹ
Việc thu về số tiền hàng ngàn tỷ đồng như trên sẽ có ý nghĩa gì đối với đại gia ngành xăng dầu trong thời điểm hiện tại?
Petrolimex hiện có vốn điều lệ hơn 12.900 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 24.000 tỷ đồng, nợ phải trả hơn 37.000 tỷ đồng. Quy mô nợ gấp khoảng 1,5 lần vốn chủ sở hữu, tuy không phải mức quá cao, nhưng việc tổng nợ cao hơn so với vốn tự có cũng đặt ra yêu cầu đối với doanh nghiệp về việc cần kiểm soát nguồn tài chính theo hướng an toàn và ổn định hơn.
Nếu Petrolimex bán hết 25 triệu cổ phiếu quỹ theo kế hoạch lần này, thì số lượng cổ phiếu quỹ đang nắm giữ vẫn còn hơn 50 triệu cổ phiếu.
Yêu cầu trên càng cần thiết hơn trong bối cảnh kinh doanh đang sụt giảm. Năm 2020, Petrolimex đạt doanh thu thuần là 123.900 tỷ đồng, giảm so với kết quả 189.600 tỷ đồng đạt được trong năm 2019. Lợi nhuận sau thuế của đại gia số 1 ngành xăng dầu cũng giảm rất mạnh, chỉ đạt 1.235,4 tỷ đồng, khá thấp so với con số 4.676,6 tỷ đồng đạt được trong năm 2019.
Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Petrolimex vẫn duy trì được dòng tiền dương trong hoạt động kinh doanh trong cả 2 năm 2019 - 2020. Tuy nhiên, doanh nghiệp bị hút tiền nhiều cho hoạt động đầu tư, sau khi dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư bị âm gần 2.500 tỷ đồng trong năm 2019 và âm thêm hơn 4.400 tỷ đồng trong năm 2020.
Dòng tiền âm từ hoạt động đầu tư không có gì đáng quan ngại với phần lớn doanh nghiệp vì nó là “của để dành” cho tương lai. Với Petrolimex, việc đầu tư cũng là cần thiết để giữ vị thế doanh nghiệp đầu tầu của ngành.
Theo trao đổi của ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị với giới truyền thông đầu năm 2021, các tập quán tiêu dùng mới (dựa vào mạng di động và dữ liệu) ngày càng tăng, buộc các doanh nghiệp phải thay đổi cách thiết kế, tiếp thị và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ hiện có cũng như trong tương lai. Điều này khiến các công ty lớn, đang nắm giữ thị phần chi phối và dẫn dắt thị trường như Petrolimex có thể phải phát triển kinh doanh sang cả các phân khúc, sản phẩm gần kề, có thể là các sản phẩm năng lượng sạch, tái tạo, năng lượng mới khác…
Tuy nhiên, “của để dành” có thực sự trở thành nguồn thu nhập tương lai hay gánh nặng cũng còn thuộc nhiều vào hiệu quả của các khoản đầu tư. Ngoài ra, việc đầu tư cũng cần trên cơ sở cân đối được dòng tiền để doanh nghiệp không bị hụt hơi.
Nhìn vào bức tranh tài chính của Petrolimex, năm 2019, thặng dư dòng tiền từ hoạt động kinh doanh lớn gấp gần 1,7 lần so với thâm hụt dòng tiền từ hoạt động đầu tư. Nếu tính cả dòng tiền thâm hụt từ hoạt động tài chính, thì dòng tiền thuần thặng dư trong kinh doanh vẫn đủ bù cho cả 2 khoản thâm hụt từ các hoạt động đầu tư và tài chính trong năm 2019. Nhưng diễn biến dòng tiền trong năm qua đã đảo chiều, với dòng tiền kinh doanh năm 2020 tuy vẫn giữ được mức dương, nhưng chưa đủ bù đắp cho thâm hụt từ hoạt động đầu tư, chưa kể doanh nghiệp còn bị thâm hụt 413,4 tỷ đồng trong hoạt động tài chính trong năm này.
Với diễn biến dòng tiền hiện tại, việc có thêm một lượng tiền thu về từ bán cổ phiếu quỹ sẽ có ý nghĩa cho “đại gia” ngành xăng dầu trong việc cân đối dòng tiền, ít nhất cho giai đoạn trước mắt.