Petrolimex nói gì về việc giám đốc Petrolimex Long An bị bắt?
Liên quan đến việc Giám đốc Công ty Xăng dầu Long An (Petrolimex Long An) bị bắt vì liên quan đường dây xăng dầu giả, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết đây là sai phạm liên quan đến hoạt động kinh tế cá nhân bên ngoài của ông Lương Đình Tiến, không liên quan đến tập đoàn.
Chiều nay (15-4), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chính thức lên tiếng về trường hợp ông Lương Đình Tiến – Giám đốc Petrolimex Long An bị công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ vì liên quan đến đường dây sản xuất 200 triệu lít xăng dầu giả do Phan Thanh Hữu và Nguyễn Hữu Tứ cầm đầu.
Theo đó, Petrolimex cho biết thông tin sơ bộ từ cơ quan chức năng và báo cáo của Công ty Xăng dầu Long An cho biết sai phạm của ông Tiến là hoạt động kinh tế, xã hội với tư cách cá nhân. Các sai phạm này nằm ngoài phạm vi chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm pháp lý ông Tiến được giao tại Công ty Xăng dầu Long An.
Petrolimex khẳng định các sai phạm này không liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nói chung và Công ty Xăng dầu Long An nói riêng. Toàn bộ nguồn xăng dầu Công ty Xăng dầu Long An kinh doanh đều do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cung cấp, các Công ty thành viên không được phép nhập mua từ nguồn khác.
Tập đoàn này cũng cho biết thêm Công ty Xăng dầu Long An không cho thuê kho, phương tiện để sản xuất và vận chuyển liên quan đến đường dây sản xuất xăng giả.
Trước đó, như Báo Công an TP.HCM đã đưa tin, sáng cùng ngày, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp Cục Cảnh sát Hình sự và một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an tỉnh Long An đã bắt giữ Lương Đình Tiến – Giám đốc Petrolimex Long An do có liên quan đến đường dây sản xuất 200 triệu lít xăng dầu giả (chuyên án 920G) do Phan Thanh Hữu và Nguyễn Hữu Tứ cầm đầu. Đồng thời, cơ quan công an tiến hành khám xét nơi làm việc của ông Tiến tại trụ sở Petrolimex Long An ở số 10 Trà Quý Bình, (phường 2, TP.Tân An).
Liên quan đế chuyên án 920G, đến nay Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố, bắt tạm giam hơn 50 bị can về các hành vi như: buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và mua bán hóa đơn trái phép; thu giữ 14 tàu thủy, 13 xe bồn, phong tỏa số tiền trên 200 tỉ đồng. Hiện chuyên án vẫn đang được tiếp tục điều tra mở rộng.