Petrolimex: Phát triển xe điện chưa ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu
Theo đại diện Petrolimex, xu hướng phát triển xe điện tăng lên từng ngày, nhưng ở thời điểm hiện tại chưa tạo rủi ro lớn cạnh tranh thị phần với xăng dầu.
Ngày 26/4, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 với mục tiêu sản lượng xăng dầu xuất bán hợp nhất đạt hơn 13 triệu m3/tấn, giảm 9% so với năm 2023.
Doanh thu hợp nhất dự kiến đạt 188.000 tỷ đồng; lãi trước thuế mục tiêu 2.900 tỷ đồng, lần lượt giảm 32% và 26% so với thực hiện năm 2023.
Kế hoạch này được dựa trên các dự báo kinh tế thế giới còn nhiều bấp bênh, với các rủi ro như tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị kìm hãm bởi ảnh hưởng còn lại của đại dịch; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột vũ trang, căng thẳng địa chính trị (Nga – Ukraine, Biển Đỏ); lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài… dẫn đến nguy cơ suy thoái toàn cầu, sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều quốc gia.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, Petrolimex dự kiến trả cổ tức tỷ lệ 15% bằng tiền mặt. Năm nay, tập đoàn lên kế hoạch trả cổ tức tỷ lệ 10%.
Tại đại hội, trả lời câu hỏi của cổ đông về chiến lược kinh doanh các sản phẩm năng lượng sạch trong xu hướng hướng tới Net Zero 2050, ông Đào Nam Hải, Tổng giám đốc Petrolimex cho biết, từ năm 2016-2020, Petrolimex đã tiên phong trong việc triển khai những nhiên liệu theo tiêu chuẩn Euro 5, dầu diesel tiêu chuẩn Euro 5.
Trước đó, Petrolimex cũng đưa vào kinh doanh nhiên liệu sinh học xăng E5 và dẫn đầu thị trường về các sản phẩm sạch.
Thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai COP 26, Petrolimex đã tích cực chủ động, nghiên cứu các chiến lược thực hiện chuyển dịch xanh, chuyển đổi năng lượng và có những dự án cụ thể để đăng ký với Bộ Tài nguyên và Môi trường.
"Petrolimex đang nghiên cứu một số năng lượng chuyển đổi như: Biofuel, SAF... về lâu dài sẽ tích cực tham gia vào các chiến lược, quy hoạch quốc gia về hydrogen xanh, chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng tích cực trong việc tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ các tập đoàn xăng dầu, năng lượng lớn trên thế giới, từ Anh, châu Âu, Nhật Bản, Mỹ," ông Đào Nam Hải thông tin.
Đặc biệt, đối với câu hỏi của cổ đông về tăng trưởng tiêu thụ xăng dầu Việt Nam nói chung và PLX nói riêng gặp rủi ro gì trong xu hướng phát triển xe điện, ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT PLX cho hay, trong những năm gần đây, số lượng xe điện bán ra tăng rất nhanh, nhưng thị phần ô tô điện chỉ chiếm trên dưới 1%, chỉ thay thế được phần nhỏ xe gia đình 8 chỗ mà chưa thể thay thế toàn bộ xe vận chuyển hàng hóa, giao thông đường thủy, hàng không, đường sắt…
"Xu hướng phát triển xe điện tăng lên từng ngày, nhưng ở thời điểm hiện tại chưa tạo rủi ro lớn cạnh tranh thị phần với xăng dầu. Xăng dầu vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong giao thông. Theo nghiên cứu, ở Việt Nam trong 5 - 7 năm tới sẽ có sự cạnh tranh còn hiện nay chưa đáng kể," ông Phạm Văn Thanh nhận định.
Cũng theo ông Thanh, vài năm qua, Petrolimex và Vinfast cũng hợp tác tham gia với vai trò đối tác cung ứng hạ tầng trạm sạc, nên trước mắt, việc phát triển xe điện chưa có tác động đến kinh doanh xăng dầu Việt Nam và PLX, nhưng đây cũng là xu thế đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu.
Để bắt kịp xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới hiện nay, Petrolimex đang theo đuổi mục tiêu trở thành tập đoàn năng lượng hàng đầu, cung ứng những sản phẩm xanh, sạch chất lượng cao và thân thiện với môi trường.
Khi được hỏi về lộ trình tăng vốn thời gian tới, ông Đào Nam Hải cho hay, theo đề án tái cơ cấu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam 2021-2025 đã được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thông qua và được ĐHĐCĐ bất thường phê chuẩn, đến năm 2025, vốn điều lệ Petrolimex sẽ được nâng lên 20.000 tỷ đồng.
Tổng giám đốc Petrolimex cho biết thêm, tập đoàn đã tích cực xây dựng hồ sơ, phương án để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt lộ trình đến hết năm 2025 vốn điều lệ Petrolimex có thể nâng lên 20.000 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển và hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn.
"Mục tiêu năm 2024 là tăng vốn điều lệ lên 15.000 tỷ đồng nhưng do vướng về cơ chế, thể chế và quy định pháp luật nên chưa được thông qua. Hy vọng rằng, trong thời gian tới các quy định sẽ được sửa đổi theo hướng bao quát được hết các trường hợp như trường hợp của Petrolimex để Tập đoàn có thể tăng vốn đúng theo lộ trình," ông Hải cho biết.