Petrovietnam nâng cao năng lực, hiệu quả bảo dưỡng sửa chữa lĩnh vực công nghiệp khí và lọc hóa dầu

Ngày 9/7, tại Thanh Hóa, Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức hội thảo 'Nâng cao năng lực, hiệu quả bảo dưỡng sửa chữa lĩnh vực công nghiệp khí và lọc hóa dầu'.

TS Lê Xuân Huyên - Phó Tổng giám đốc Petrovietnam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Petrovietnam chủ trình hội nghị. Tham dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị PTSC, BSR, PVFCCo, PVChem, PVMR, người đại diện vốn của Petrovietnam tại NSRP; đại diện lãnh đạo các ban chuyên môn Tập đoàn, các chuyên gia trong lĩnh vực vận hành và bảo dưỡng sửa chữa.

Ông Vũ Xuân Ninh - Phó Trưởng ban Công nghiệp Khí và Lọc hóa dầu Petrovietnam phát biểu khai mạc hội thảo.

Ông Vũ Xuân Ninh - Phó Trưởng ban Công nghiệp Khí và Lọc hóa dầu Petrovietnam phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Xuân Ninh - Phó Trưởng ban Công nghiệp Khí và Lọc hóa dầu Petrovietnam chia sẻ, công tác bảo dưỡng sửa chữa ngày càng thể hiện vai trò then chốt bảo đảm vận hành, nâng cao hiệu quả sản xuất của các nhà máy công nghiệp lớn trong lĩnh vực khí và lọc hóa dầu. Đây cũng là yếu tố góp phần quan trọng vào doanh thu và phát triển bền vững của Tập đoàn. Với mục tiêu đưa Tập đoàn vào Top 500 doanh nghiệp lớn trên thế giới, công tác bảo dưỡng sửa chữa để vận hành an toàn các nhà máy là cực kỳ quan trọng. Trong nhiều năm qua, Petrovietnam đã dày công xây dựng đội ngũ, phát triển lĩnh vực bảo dưỡng sửa chữa tại các tổng công ty, các công ty chuyên bảo dưỡng sửa chữa trên cả nước.

Hội thảo được chia thành hai phần nội dung chính, gồm công tác chuẩn bị bảo dưỡng sửa chữa của các nhà máy và công tác triển khai dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa của các công ty dịch vụ của Petrovietnam.

Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Xuân Huyên chủ trì hội thảo.

Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Xuân Huyên chủ trì hội thảo.

Hội thảo đã lắng nghe các tham luận: Công tác tổ chức triển khai bảo dưỡng sửa chữa và định hướng phát triển dịch vụ bảo dưỡng của BSR; Công tác lập kế hoạch chuẩn bị bảo dưỡng tổng thể nhà máy đạm Phú Mỹ năm 2025; Năng lực kinh nghiệm, nguồn lực hiện tại và định hướng phát triển dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa của PVChem trong lĩnh vực công nghiệp khí và lọc hóa dầu; Năng lực kinh nghiệm, nguồn lực hiện tại và định hướng phát triển dịch vụ sửa chữa của PTSC trong lĩnh vực công nghiệp khí và lọc hóa dầu.

Mỗi tham luận được trình bày đều khơi gợi nhiều vấn đề được các đại biểu quan tâm, trao đổi sôi nổi, phản ánh sự quan tâm sâu sắc của các đơn vị đối với lĩnh vực bảo dưỡng, sửa chữa. Đáng chú ý như vấn đề tổ chức bảo dưỡng sửa chữa, BSR đã triển khai công tác số hóa để cập nhật thông tin đầy đủ về thiết bị cần bảo dưỡng, vật tư đang tồn kho, linh kiện cần sử dụng..., giúp lãnh đạo cũng như các kỹ sư, chuyên gia nắm được chi tiết tình hình. Hệ thống thiết bị của BSR cũng đang được giám sát liên tục về độ vận hành tin cậy, đồng thời được chẩn đoán thời gian bảo dưỡng định kỳ kế tiếp một cách chính xác và khoa học.

Các đại biểu trao đổi thông tin bên lề hội thảo.

Các đại biểu trao đổi thông tin bên lề hội thảo.

Phát biểu kết luận hội thảo, TS Lê Xuân Huyên nhấn mạnh: "Thông điệp quan trọng nhất của hội thảo là thắt chặt sự hợp tác giữa các đơn vị trong Tập đoàn trong lĩnh vực bảo dưỡng sửa chữa. Cần phải thống kê có bao nhiêu hạng mục công việc mà các đơn vị trong Tập đoàn đã thực hiện được, đánh giá được năng lực các doanh nghiệp bảo dưỡng sửa chữa đến đâu, chất lượng như thế nào, đã đáp ứng được yêu cầu công việc bảo dưỡng sửa chữa với chất lượng và hiệu quả cao nhất. Để làm được điều này, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bảo dưỡng sửa chữa khẳng định năng lực và kinh nghiệm, từ đó xác lập bằng được chuỗi giá trị bảo dưỡng sửa chữa trong Tập đoàn, bảo đảm an toàn vận hành cho các nhà máy sản xuất khí, lọc hóa dầu của Petrovietnam".

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Hội thảo cũng xác định các giải pháp trọng tâm xây dựng chuỗi giá trị công nghệ bảo dưỡng sửa chữa của Petrovietnam gồm: Tối ưu mô hình quản trị, cải tiến, chuẩn hóa và số hóa công tác bảo dưỡng sửa chữa; Đầu tư ưu tiên hợp tác thuê thiết bị của đối tác trong ngành, trong nước và các đối tác khác trong ngắn hạn; Tìm kiếm các cơ hội đầu tư trang bị thêm thiết bị để nâng cao năng lực.

Về nhân lực, cần duy trì và phát triển đội ngũ quản lý để thực hiện công việc; Tiếp tục phân công nhiệm vụ cụ thể trong công tác thị trường cho các bộ phận, đơn vị trực thuộc liên quan; Ưu tiên hợp tác với các đơn vị trong ngành, trong nước tham gia vào các gói thầu lĩnh vực công nghiệp khí và lọc hóa dầu, xây dựng chuỗi cung ứng trong nước để cùng nhau phát triển. Bên cạnh đó, cần đánh giá và lựa chọn đối tác nước ngoài phù hợp đối với các công việc chuyên sâu đặc thù.

Bùi Công

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/petrovietnam-nang-cao-nang-luc-hieu-qua-bao-duong-sua-chua-linh-vuc-cong-nghiep-khi-va-loc-hoa-dau-729856.html