Petrovietnam tạo đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để bứt phá, tăng trưởng '2 con số'
Triển khai các giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu chiến lược, đạt mức tăng trưởng cao, vừa qua, Đảng ủy Petrovietnam đã ban hành 'Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo động lực mới, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh để Tập đoàn bứt phá, tăng trưởng với tốc độ 2 con số'.
Trong thời gian qua, thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS), Đảng ủy Petrovietnam đã lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện và bước đầu đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hoạt động KHCN, ĐMST, CĐS đã được quan tâm và triển khai ở toàn bộ các khâu, là cơ sở khoa học quan trọng về kỹ thuật, công nghệ, quản lý cho các hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của Tập đoàn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Tập đoàn thời gian qua.
Cơ sở hạ tầng KHCN, ĐMST và CĐS của Tập đoàn đã được trang bị khá đầy đủ trong toàn bộ chuỗi giá trị của lĩnh vực Dầu khí, một lĩnh vực có trình độ tiên tiến so với khu vực Đông Nam Á. Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã hình thành được đội ngũ cán bộ KHCN, kỹ thuật có trình độ cao, được đào tạo bài bản trong toàn bộ các khâu, có đủ năng lực tiếp nhận, làm chủ các công nghệ tiên tiến, bước đầu đã có những nghiên cứu mang tính sáng tạo, đột phá.
Trong quá trình hoạt động, Petrovietnam luôn tập trung nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào hoạt động của ngành, tạo ra đột phá phát triển, nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh. Tập đoàn cũng là doanh nghiệp có nhiều nhất các công trình/cụm công trình được Đảng và Nhà nước trao tặng các giải thưởng cao quý, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KHCN. Trong 15 năm qua, toàn Tập đoàn có 10 Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KHCN; cùng rất nhiều những giải thưởng sáng tạo uy tín khác. Những công trình này đều xuất phát từ thực tiễn SXKD và được ứng dụng, phát huy hiệu quả trong hoạt động của Tập đoàn. Petrovietnam cũng thường xuyên kết nối, hợp tác nghiên cứu với các đối tác, tập đoàn lớn trên thế giới nhằm đón đầu và chuẩn bị cho xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ; chủ động và đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu khoa học và xây dựng lộ trình phát triển về năng lượng tái tạo và năng lượng mới (điện gió ngoài khơi, hydrogen, amoniac xanh), thu giữ và chuyển hóa CO2…
Tuy nhiên, cùng với những thành tựu đạt được, Tập đoàn nhận thấy so với các công ty dầu khí trong khu vực, công tác KHCN, ĐMST và CĐS của Tập đoàn vẫn còn khiêm tốn, chưa có nhiều những cải tiến, sáng tạo mang tính đột phá. Các điểm nghẽn về đầu tư, cơ chế tài chính, nguồn nhân lực, cơ chế phối hợp giữa Công ty Mẹ và các doanh nghiệp, đơn vị trong Tập đoàn, cơ chế thúc đẩy ứng dụng các giải pháp công nghệ, quản lý mới về hệ sinh thái và văn hóa ĐMST, CĐS còn là rào cản làm hạn chế hiệu quả và sự phát triển của ĐMST, KHCN, CĐS trong Tập đoàn.
Trong bối cảnh tiềm năng, trữ lượng dầu khí còn lại không nhiều, sản lượng khai thác đang trên đà suy giảm, môi trường kinh doanh ngày càng nhiều biến động, cạnh tranh và áp lực từ biến đổi khí hậu, các xu hướng chuyển dịch năng lượng, kinh tế các-bon thấp, CĐS, trí tuệ nhân tạo đang diễn ra mạnh mẽ, Tập đoàn xác định KHCN, ĐMST và CĐS là chìa khóa để Tập đoàn duy trì vị thế hàng đầu trong ngành năng lượng và đối mặt với thách thức của chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Việc đẩy mạnh KHCN, ĐMST và CĐS không chỉ giúp Tập đoàn nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của Tập đoàn.
Quán triệt Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; cùng các Nghị quyết, chỉ đạo, định hướng của các cấp về phát triển KHCN, ĐMST, CĐS, cũng như những định hướng phát triển ngành năng lượng, ngành Dầu khí và Petrovietnam trong giai đoạn tới; Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn thống nhất ban hành “Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo động lực mới, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh để Tập đoàn bứt phá, tăng trưởng với tốc độ 2 con số” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự đồng thuận cao từ Công ty Mẹ đến các doanh nghiệp, đơn vị trong Tập đoàn; huy động cả hệ thống chính trị Tập đoàn, từ cán bộ, đảng viên đến người lao động trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
Giải pháp đột phá quan trọng hàng đầu
Theo đó, Đảng ủy Tập đoàn chỉ đạo, phát triển KHCN, ĐMST, CĐS là giải pháp đột phá quan trọng hàng đầu; là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn Tập đoàn; là nền tảng vững chắc để Tập đoàn tăng tốc, vươn tầm trở thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia.
Nghị quyết được ban hành nhằm tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của từng người lao động đối với phát triển KHCN, ĐMST và CĐS. Xác định đây là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài với những giải pháp đột phá, mang tính cách mạng. Doanh nghiệp, đơn vị trong Tập đoàn là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt; Công ty Mẹ giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển KHCN, ĐMST và CĐS trong toàn Tập đoàn.
Cùng với đó, các Quy chế/quy định, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những nội dung trọng tâm, cốt lõi. Trong đó, quy chế/quy định là điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước. Chú trọng bảo đảm nguồn nhân lực trình độ cao cho phát triển KHCN, ĐMST và CĐS; có cơ chế, chính sách đặc biệt về nhân tài. Phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, công nghệ số trên nguyên tắc "hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí"; làm giàu tri thức ngành, khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu, đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính, thúc đẩy phát triển nhanh cơ sở dữ liệu lớn chung của toàn ngành dầu khí, giúp nâng cao năng suất lao động, hình thành mô hình kinh doanh mới, tham gia công nghiệp dữ liệu, kinh tế dữ liệu.
Đảng ủy Tập đoàn cũng chỉ đạo việc phát triển nhanh và bền vững, từng bước tự chủ về công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển KHCN, ĐMST và CĐS. Phát huy tối đa tiềm năng, trí tuệ người lao động trong Tập đoàn gắn với nhanh chóng tiếp thu, hấp thụ, làm chủ và ứng dụng thành tựu KHCN tiên tiến của thế giới, đặc biệt là chủ động, tích cực tiếp cận và khai thác triệt để các công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chú trọng nghiên cứu cơ bản, tiến tới tự chủ và cạnh tranh về công nghệ ở một số lĩnh vực Tập đoàn có nhu cầu, tiềm năng, lợi thế, phục vụ phát triển năng lực cạnh tranh của Tập đoàn cho các sản phẩm hàng hóa/dịch vụ chủ lực.
Quá trình thúc đẩy KHCN, ĐMST và CĐS cần được đo lường, theo dõi và đánh giá để bảo đảm hiệu quả, thực chất và kịp thời điều chỉnh, phù hợp với thông lệ thế giới. Tập trung gia tăng số lượng, chất lượng và hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ, chú trọng phát triển tài sản trí tuệ của toàn Tập đoàn cùng với việc tăng cường bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích của Công ty Mẹ và các doanh nghiệp, đơn vị trong Tập đoàn.
Tiềm lực, trình độ KHCN, ĐMST và CĐS mang tầm khu vực và quốc tế
Petrovietnam cũng đặt ra các mục tiêu tổng quát, đến năm 2030, tiềm lực, trình độ KHCN, ĐMST và CĐS của Tập đoàn đạt mức tiên tiến của khu vực ở nhiều lĩnh vực quan trọng, một số lĩnh vực đạt trình độ quốc tế. KHCN, ĐMST và CĐS được phát triển thành động lực tăng trưởng mới, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, góp phần quyết định đưa toàn Tập đoàn tăng trưởng bền vững với tốc độ 2 con số, vươn tầm trở thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia có tiềm lực mạnh, quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế, nằm trong danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới (Fortune Global 500).
Giai đoạn 2026 – 2030, đóng góp của năng suất lao động từ các nhân tố tổng hợp (TFP: đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất/cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động) vào tăng trưởng Tập đoàn ở mức trên 55%; hiệu quả mang lại từ KHCN, ĐMST và CĐS mang lại gấp hơn 2 lần chi phí đầu tư;…
Để hiện thực hóa điều này, Đảng ủy Tập đoàn xác định nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn Tập đoàn về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.
Cùng với đó là sắp xếp lại hệ thống ĐMST của Tập đoàn, hoàn thiện các quy chế/quy định, nâng cao năng lực quản trị KHCN, ĐMST, CĐS; Thường xuyên đo lường và áp dụng các giải pháp quản trị, công nghệ và đào tạo để nâng cao năng suất lao động từ các nhân tố tổng hợp (TFP); Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho phát triển KHCN, ĐMST và CĐS toàn Tập đoàn; Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia; Nâng cao quy mô và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, phục vụ phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên, môi trường; Tăng cường hợp tác, xây dựng và phát triển hệ sinh thái sáng tạo mở.
Với sự đồng thuận, nhất trí cao, từ Công ty Mẹ đến các doanh nghiệp, đơn vị trong Tập đoàn, từ cán bộ lãnh đạo các đơn vị thành viên đến người lao động, toàn hệ thống chính trị Petrovietnam quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu của Nghị quyết đề ra bằng các chương trình, hành động, giải pháp cụ thể,… tạo sự bứt phá cho sự phát triển của Petrovietnam, bước vào kỷ nguyên mới của đất nước.