Petrovietnam vượt mốc tổng sản lượng điện 300 tỷ kWh trong năm 2025

Năm 2025, sản lượng điện lũy kế của các nhà máy điện của Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã vượt mức 300 tỷ kWh, đánh dấu một cột mốc quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, đúng vào dịp chào mừng Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ IV và kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Petrovietnam (1975–2025).

Thành tựu này không chỉ phản ánh sự trưởng thành, phát triển bền vững của lĩnh vực điện lực dầu khí, mà còn khẳng định vai trò trụ cột của Petrovietnam trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thành quả của chiến lược đầu tư bài bản và vận hành hiệu quả

Xác định công nghiệp điện là một trong những ngành then chốt trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Petrovietnam đã chủ động đầu tư sớm để góp phần đáp ứng nhu cầu phụ tải điện ngày càng tăng. Ngay từ năm 2001, Tập đoàn đã nghiên cứu đầu tư các dự án Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1 và 2. Đến năm 2007, Tập đoàn thành lập Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) và các Ban Quản lý dự án để quản lý đầu tư xây dựng và vận hành các dự án điện theo nhiệm vụ Chính phủ giao. Đến năm 2023, Petrovietnam đã thành lập Chi nhánh Phát điện Dầu khí (PVPGB) để quản lý, vận hành, bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy điện do Tập đoàn làm chủ đầu tư.

Hiện nay, điện và năng lượng tái tạo là một trong năm lĩnh vực cốt lõi của Petrovietnam, bao gồm sản xuất điện từ các nguồn nhiệt điện khí, thủy điện, nhiệt điện than, đồng thời hướng tới các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi và sắp tới là điện hạt nhân. Petrovietnam là nhà sản xuất điện đứng thứ hai tại Việt Nam, và là nhà sản xuất điện khí lớn nhất.

Nhà máy điện Cà Mau 1&2

Nhà máy điện Cà Mau 1&2

Cột mốc 300 tỷ kWh là kết quả của gần hai thập kỷ hình thành và phát triển lĩnh vực điện lực dầu khí, khởi đầu từ các dự án trọng điểm như Nhơn Trạch, Cà Mau, Vũng Áng,… và mở rộng quy mô qua các giai đoạn với sự tham gia của nhiều đơn vị thành viên như PV Power, BSR, PV GAS, PVFCCo, đảm bảo chuỗi giá trị đồng bộ “khí - điện - đạm”.

Hiện nay, 10 nhà máy của Tập đoàn với tổng công suất 6.629 MW, chiếm khoảng 7,5% tổng công suất của cả nước (88.700MW), dự kiến trong thời gian tới sẽ bổ sung thêm 2 nhà máy điện sử dụng khí LNG đầu tiên tại Việt Nam là Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 với tổng công suất 1.624 MW. Trong năm 2024, tổng sản lượng các nhà máy điện của Petrovietnam đạt khoảng 29,15 tỷ kWh, chiếm khoảng 9,4% sản lượng điện quốc gia.

Dự án NMĐ Nhơn Trạch 3&4, nhà máy điện sử dụng nguồn nhiên liệu LNG đầu tiên tại Việt Nam

Dự án NMĐ Nhơn Trạch 3&4, nhà máy điện sử dụng nguồn nhiên liệu LNG đầu tiên tại Việt Nam

Song song đó, Petrovietnam tiếp tục phát triển thích ứng với xu thế chuyển dịch năng lượng, đa dạng hóa danh mục sản phẩm, đầu tư vào năng lượng tái tạo/ năng lượng mới và các dạng năng lượng sạch; bao gồm: toàn bộ chuỗi giá trị dầu khí truyền thống (thăm dò, khai thác, sản xuất xăng dầu), phát triển công nghiệp khí, LNG và mở rộng sang năng lượng tái tạo/năng lượng mới: điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, hydro xanh, amoniac xanh, nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) và các giải pháp lưu trữ năng lượng,... Đây là hướng đi chiến lược, tạo động lực tăng trưởng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế quốc tế của Tập đoàn.

Đặc biệt, Petrovietnam luôn đi đầu trong ứng dụng chuyển đổi số và tối ưu vận hành, từ tự động hóa trong giám sát thiết bị, phân tích dữ liệu lớn, đến số hóa toàn bộ quy trình quản trị, góp phần nâng cao năng suất, tiết giảm chi phí và bảo đảm vận hành bền vững.

Nhà máy Thủy điện Hủa Na

Nhà máy Thủy điện Hủa Na

Trong bối cảnh nhu cầu điện tăng cao và nguồn lực đầu tư chịu nhiều áp lực, việc duy trì sản lượng ổn định và vượt mốc 300 tỷ kWh mang ý nghĩa đặc biệt, là nguồn lực thiết thực phục vụ phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị hóa và nâng cao đời sống người dân. Không chỉ vậy, Petrovietnam còn chủ động đề xuất nhiều giải pháp đảm bảo an ninh điện trong các thời điểm cao điểm, góp phần ổn định vĩ mô và phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời, Tập đoàn kiên định mục tiêu chuyển dịch năng lượng công bằng, thúc đẩy các dự án điện khí LNG và năng lượng tái tạo, hướng tới hệ thống điện xanh, sạch, hiệu quả và thân thiện môi trường, phù hợp định hướng năng lượng quốc gia đến năm 2050.

Vững bước trong hành trình mới

Là lĩnh vực “non trẻ” nhất của Petrovietanm trong hành trình 50 năm xây dựng và trưởng thành, dấu mốc 300 tỷ kWh không chỉ là biểu tượng của thành tựu trong lĩnh vực điện và năng lượng tái tạo, mà còn là cam kết mạnh mẽ về năng lực, trách nhiệm và khát vọng cống hiến của Petrovietnam trong giai đoạn phát triển mới.

Người lao động tại NMĐ Sông Hậu 1

Người lao động tại NMĐ Sông Hậu 1

Hướng tới mục tiêu xây dựng Petrovietnam trở thành tập đoàn công nghiệp - năng lượng hàng đầu khu vực, Petrovietnam xác định tiếp tục phát triển lĩnh vực điện và năng lượng tái tạo theo hướng tối ưu hóa vận hành hệ thống các nhà máy hiện hữu; thúc đẩy đầu tư vào các dự án điện khí sử dụng LNG nhập khẩu, điện tái tạo, điện gió ngoài khơi; thực hiện các dự án: Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, năng lượng tái tạo (ĐGNK, mặt trời, sinh khối...). Đặc biệt, tham gia tích cực thị trường điện cạnh tranh và phát triển hệ sinh thái năng lượng thông minh đồng thời đẩy mạnh các giải pháp để giảm phát thải và hướng tới mục tiêu Net Zero.

Với nền tảng vững chắc, sự đồng hành của các cấp, ngành và sự quyết tâm, sáng tạo của đội ngũ người lao động Công nghiệp – Năng lượng, lĩnh vực điện lực của Petrovietnam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và là nguồn động lực cho tăng trưởng xanh, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

H.A

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/petrovietnam-vuot-moc-tong-san-luong-dien-300-ty-kwh-trong-nam-2025-730452.html