Petrovietnam xác định vai trò tiên phong trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng
Mục tiêu tăng trưởng 'hai con số' trên nền tăng trưởng cao của năm 2024 là áp lực lớn đối với Petrovietnam trong bối cảnh nhiều thách thức. Ngay sau Hội nghị tổng kết năm 2024, Tập đoàn đã xây dựng Nghị quyết 01/NQ-DKVN về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển và sản xuất kinh doanh (SXKD), đầu tư năm 2025.
Ngày 7/1, HĐTV Petrovietnam họp nghe Ban Điều hành báo cáo công tác triển khai kế hoạch SXKD và đầu tư năm 2025. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chủ trì cuộc họp. Cùng tham dự có ông Lê Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc Petrovietnam; ông Trần Quang Dũng, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn; các Thành viên HĐTV, Phó Tổng Giám đốc và đại diện các ban chuyên môn Tập đoàn.
Cân đối tăng trưởng giữa các lĩnh vực
Năm 2025, Petrovietnam đề ra phương châm hành động “Đổi mới từ cốt lõi - Phát triển mô hình vượt trội - Hội nhập chuỗi toàn cầu - Nâng tầm tri thức năng lượng - Bứt phá trong tăng trưởng - Tạo bước chuyển xanh bền vững”.
Với 6 quan điểm chỉ đạo: Quán triệt, chấp hành nghiêm, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các nghị quyết, kế hoạch của Đảng, Chính phủ, Nhà nước; Phát huy sức mạnh trong toàn hệ thống Petrovietnam; Đẩy mạnh công tác đầu tư, song song với củng cố hệ thống quản trị danh mục đầu tư; Tập trung xử lý các thủ tục đầu tư/phân cấp đầu tư; Ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ trong trung và dài hạn; Tinh gọn bộ máy tạo động lực phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động, tập trung công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài.
Để thực hiện mục tiêu, kế hoạch đề ra, Petrovietnam dự thảo Nghị quyết 01/NQ-DKVN với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Nhóm một, ưu tiên phát triển bền vững, cơ cấu lại mô hình hoạt động, đổi mới mô hình tăng trưởng đảm bảo mục tiêu; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới; giữ vững vị thế, chuyển dịch thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia.
Nhóm hai, triển khai Kế hoạch quản trị năm 2025 và Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2026-2030. Nhóm ba, hoạch định và cân đối nguồn lực trong toàn hệ thống cho năm 2025 và giai đoạn 2026-2030. Nhóm bốn, hoạt động đầu tư và quản trị danh mục đầu tư: xác định 2025 là năm bứt phá trong thực hiện, giải ngân vốn đầu tư. Nhóm năm, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nhóm sáu, tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy. Nhóm bảy, giải quyết các tồn tại trong hoạt động SXKD và đầu tư, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.
Tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết 01/NQ-DKVN, các Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Cường, Lê Xuân Huyên đều cho rằng, cần điều chỉnh kế hoạch phù hợp với tiềm năng từng khối, cân đối tăng trưởng giữa các khối và đơn vị, không đổ đều tất cả các lĩnh vực để đảm bảo tính khả thi và tạo nền tảng cho các năm tiếp theo. Để đạt mục tiêu tăng trưởng "hai con số", động lực doanh thu và lợi nhuận cần phân loại theo các khối có thế mạnh tương ứng, phân bổ từng lĩnh vực, xác định đơn vị trọng tâm.
Về lĩnh vực điện, Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Phan Tử Giang nhìn nhận, để tăng trưởng "hai con số" cần đảm bảo nguồn nguyên liệu (than và khí) và nâng mức đầu tư mở rộng.
Về tư duy đột phá, ông Dương Mạnh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn đề xuất tập trung vào 3 điểm: Chuyển đổi số một cách thực chất; chú trọng công tác cán bộ; xử lý các tồn tại một cách triệt để.
Cùng đóng góp ý kiến, các Thành viên HĐTV Petrovietnam đưa ra quan điểm, để tăng trưởng “hai con số” cần xác định trọng tâm ở đơn vị, lĩnh vực nào; vai trò của Công ty mẹ Tập đoàn là phân bổ và tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy kế hoạch SXKD ở các đơn vị; Nghị quyết cần được xây dựng ngắn gọn, mang tính bao quát, thể hiện định hướng của HĐTV; và có các giải pháp cho từng khối, rà soát kỹ lưỡng, làm rõ các mục tiêu về mặt định tính và định lượng.
Ông Trần Quang Dũng, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn khẳng định, 2025 là năm rất đặc thù với Petrovietnam, do đó việc ban hành Nghị quyết là vô cùng cần thiết, cần rà soát các chỉ tiêu về dư địa thực hiện, tạo đà cho giai đoạn tiếp theo với tinh thần xác định đây là năm "khởi động của tất cả sự khởi động”.
Phát huy vai trò tiên phong của Petrovietnam
Tổng hợp lại các ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Nghị quyết 01/NQ-DKVN, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn nhấn mạnh, Nghị quyết cần tập trung thực hiện nhiệm vụ năm 2025 với các chỉ tiêu đề ra cho từng lĩnh vực, đơn vị.
Về nhiệm vụ, ông Sơn đề nghị phân công cho từng lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực mới; đồng thời chú trọng các nhiệm vụ: huy động vốn, đổi mới sáng tạo, an sinh xã hội, tái cấu trúc, nâng cao quản trị doanh nghiệp…
Về giải pháp, phương thức thực hiện, Tổng Giám đốc Petrovietnam nêu rõ: hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tăng tốc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong SXKD, phát triển thị trường, M&A, hình thành chuỗi giá trị năng lượng trong nước và khu vực.
Ông Lê Ngọc Sơn cũng yêu cầu xác định các động lực theo mục tiêu của từng lĩnh vực, ngoài việc phát huy tối đa giá trị hiện có, cần đẩy mạnh những động lực mới: xác định LNG là trọng tâm tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận; mở rộng hợp tác quốc tế, tạo tăng trưởng cho các khối...
Khẳng định việc xây dựng Nghị quyết 01/NQ-DKVN có vai trò quan trọng, quán triệt các đơn vị kiên định mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm trước, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Dù áp lực rất lớn nhưng đây là yêu cầu trong "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", Petrovietnam không thể đứng ngoài. Bối cảnh năm 2025 đã thay đổi nhiều so với trước, tăng trưởng các nước lớn chậm lại, trong khi yêu cầu tăng trưởng của đất nước đặt kỳ vọng cao, Petrovietnam là doanh nghiệp lớn nhất trong khối doanh nghiệp nhà nước phải phát huy vai trò tiên phong”.
Trên cơ sở ghi nhận các ý kiến trao đổi, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam nêu rõ một số yêu cầu chính của Nghị quyết: Các quan điểm trong Nghị quyết quán triệt theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phát huy các nền tảng được xây dựng qua nhiều thế hệ dầu khí; phát huy văn hóa người dầu khí để thực hiện cho kỳ được kế hoạch năm 2025.
Đồng thời, Nghị quyết cần xác định mục tiêu cụ thể năm 2025 nằm trong mục tiêu Kế hoạch 5 năm 2026-2030: Tăng quy mô doanh thu tối thiểu 10%, đầu tư tăng tối thiểu 15%, tăng nộp ngân sách 10%, lợi nhuận tăng 3-5%, chi phí quản lý giảm 10-20%, năng suất lao động tăng từ 10-15%, để dịch chuyển mang tính hệ thống, trở thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia.
Về mục tiêu dài hạn, người đứng đầu Petrovietnam yêu cầu hoàn thành ở mức toàn diện Kế hoạch 5 năm 2021-2025; xây dựng lộ trình dịch chuyển thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia có năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; từng bước hiện thực hóa trở thành Tập đoàn có hệ thống quản trị kiểu mẫu để các tập đoàn, doanh nghiệp khác học tập, theo kỳ vọng của Chính phủ.
Để hiện thực hóa mục tiêu, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam nêu ra định hướng bộ giải pháp, gồm: Thứ nhất, đánh giá hiệu suất sử dụng tài sản, đưa ra phương án quản trị tăng năng suất lao động. Thứ hai, tổ chức lại mô hình quản trị Công ty mẹ tích hợp các đơn vị thành viên. Thứ ba, rà soát lại toàn bộ hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ, tiến tới phân cấp, phân quyền triệt để cho người đại diện vốn.
Thứ tư, tập trung đẩy nhanh và mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong quản lý, quản trị điều hành hoạt động một cách đồng bộ từ Công ty mẹ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên; ứng dụng 100% mô hình "văn phòng điện tử" trong toàn hệ thống Tập đoàn. Đặc biệt, Chủ tịch HĐTV Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh trong thời đại chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ thì việc mỗi cán bộ, nhân viên Tập đoàn sử dụng thành thạo tiếng Anh sẽ là cơ sở để Petrovietnam "hội nhập chuỗi toàn cầu". Thứ năm, quản trị nhân tài, tuyển dụng từ bên ngoài vào và từ đơn vị lên, trên cơ sở chính sách lương vừa ban hành để thu hút những người có năng lực.
Từ Nghị quyết được ban hành, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng yêu cầu trong tháng 1/2025, Tập đoàn ban hành Quyết định giao nhiệm vụ kế hoạch quản trị cho các đơn vị một cách đồng bộ, báo cáo Chính phủ về các kế hoạch, quyết định đã ban hành, tập trung vào các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để đạt tăng trưởng “hai con số”.