PGS Bùi Hoài Thắng: Nhiều em quá tự tin nên điểm cao vẫn trượt đại học
PGS.TS Bùi Hoài Thắng cho rằng nhiều thí sinh quá tự tin vào điểm số vì thấy điểm thi cao, nhưng lại không biết phân bổ các nguyện vọng dẫn tới trượt đại học.
Tại TP.HCM, một số trường thuộc top đầu đã công bố điểm chuẩn đại học năm nay.
Điểm vào các trường top luôn cao
Trường ĐH Luật TP.HCM, điểm chuẩn cao nhất thuộc về ngành Luật thương mại quốc tế với 28,5 điểm (tổ hợp D01). Cũng ở trường này, có những ngành điểm chuẩn tổ hợp C00 cũng ở mức gần tuyệt đối như Đông phương học (29,8 điểm), Quan hệ công chúng (29,3 điểm).
Điểm chuẩn nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin đều không dưới 28 điểm ở những trường top đầu. Ở ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Bách khoa và ĐH Khoa học Tự nhiên, mức điểm chuẩn cao nhất cũng thuộc về ngành Khoa học máy tính với 28 điểm.
Với các trường đào tạo kinh tế, điểm chuẩn vào Trường ĐH Ngoại thương năm 2021 ở trụ sở TP.HCM ở mức trên 28 điểm. Trong đó, cao nhất là điểm chuẩn ngành Kinh tế, Quản trị Kinh doanh (tổ hợp A00) với 28,55 điểm.
Các ngành về ngôn ngữ năm nay cũng ở mức điểm cao chót vót lấy từ 36 - 39,35 điểm. Tại trường ĐH Ngoại thương, điểm chuẩn các ngành này dao động từ 36,75 đến 39,35 điểm (ngoại ngữ nhân đôi). Khối các trường Y - dược điểm cũng khá cao. Những ngành hot cũng trên 26 điểm.
Nhiều thí sinh quá tự tin, phân bổ nguyện vọng không hợp lý
Theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), sở dĩ các ngành ngôn ngữ, đặc biệt là chương trình đào tạo bằng Tiếng Anh điểm chuẩn cao và tăng vọt là do xu thế hiện nay, thí sinh lựa chọn nhiều cộng thêm sự đầu tư liên tục của trường nên tăng điểm để không vượt quá chỉ tiêu và các trường có thí sinh tốt nhất.
PGS Thắng cho biết, tại ĐH Bách khoa, ngành máy tính và chương trình đạo tạo bằng tiếng Anh tăng điểm hơn năm ngoái, năm 2020 từ 25 - 27 điểm, năm nay tăng lên 28 điểm. Còn lại các ngành khác điểm chuẩn không cao, có ngành còn thấp hơn năm ngoái.
“Chương trình đại trà đào tạo bằng tiếng Anh 28 điểm hết. Chương trình đại trà bằng tiếng Việt thì một số ngành giảm. Do đầu tư liên tục của nhà trường, theo xu hướng nên điểm chuẩn ngành đào tạo Tiếng Anh tăng điểm, còn các ngành khác bình thường”, PGS Thắng nói.
PGS.TS Bùi Hoài Thắng cho rằng, năm nay, không phải điểm thi cao mà các trường lấy điểm chuẩn cao mà do hiện nay các trường tuyển sinh bằng phương thức khác rất nhiều, có trường lấy chỉ tiêu cho điểm thi THPT ít, thậm chí có trường còn không lấy chỉ tiêu cho phương thức này nên điểm chuẩn tăng lên.
“Nhìn khối B00 là biết ngay, ví dụ trường y điểm chuẩn cũng như mọi năm. Chỉ có một số ngành đào tạo bằng tiếng Anh và khối C là cao”, ông Thắng nói.
Về việc nhiều thí sinh đạt điểm thi THPT cao từ 27-28 điểm, thậm chí có em đạt điểm 29 gần như tuyệt đối nhưng vẫn trượt nhiều nguyện vọng. Ông Thắng lý giải rằng, điểm thi THPT để xét tốt nghiệp THPT, mục tiêu lớn nhất của thi THPT là đánh giá xem 12 năm học sinh học ra sao, nên điểm thi là điểm thực. Vì là điểm thực nên có yếu tố phục thuộc vào đề thi. Đề thi năm nay tiếng Anh làm phân hóa phổ điểm, một số quá cao, một số lại thấp, không đúng như phổ điểm thường thấy.
“Cho nên một số em đạt điểm thi cao nghĩ mình điểm cao nên tranh thủ nộp vào ngành nào đó hot (thường lệ đã có điểm chuẩn cao), không phân bố nguyện vọng, dồn sức hết vào một nhánh “ngành hot, trường top” nên rủi ro xảy ra”, PGS Thắng phân tích.
Cũng theo PGS Thắng, nếu thí sinh rải đều nguyện vọng theo các nhóm: Nhóm đầu, điểm chuẩn cao; nhóm 2 là “nhóm chắc tay” (điểm chuẩn vừa phải), nhóm 3 là “nhóm chắc ăn” (điểm chuẩn trung bình và thấp) thế nào cũng trúng tuyển. Nhưng có một số em quá tự tin không chọn các nhóm còn lại nên đó là nguyên nhân điểm cao vẫn trượt đại học.
“Thấy điểm tốt quá nên chọn các trường có điểm chuẩn cao. Đáng lẽ chiến lược của các em phải phân bố nguyện vọng hợp lý, các em phân bố nguyện vọng không được chắc ăn lắm.
Phân bố nguyện vọng không đều, dồn sức vào ngành cho rằng điểm cao như này là sẽ đậu dẫn đến có sự dịch chuyển nguyện vọng về một số nhóm, các trường thì không thể lấy hết được, sẽ quá chỉ tiêu nên phải nâng điểm chuẩn. Nguyên tắc là phải phòng trừ rủi ro, các em chưa có kinh nghiệm trong chuyện này”, PGS Thắng nói.
Theo vị PGS, sang năm điểm chuẩn các trường sẽ thay đổi, giáo viên phổ thông cần rút kinh nghiệm năm nay để khuyên các em phân bố nguyện vọng hợp lý hơn, tránh rủi ro và đáng tiếc.