PGS Nguyễn Lân Hiếu: Chưa nên mở trường khi chưa tiêm phủ vắc xin cho trẻ em

Theo ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu, không thể để tình trạng trường học cứ mở vài tuần xong lại đóng. Do đó, việc quan trọng nhất là phải tìm mọi cách để phủ vắc xin cho các em.

PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (ĐBQH đoàn Bình Định) sáng 25/10 đã có trao đổi xung quanh kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em.

Theo PGS Nguyễn Lân Hiếu, việc tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ em cần dựa cả vào khoa học lẫn điều kiện xã hội.

Ông phân tích, khi đã tiêm đủ vắc xin cho các đối tượng ưu tiên theo hướng dẫn thì cần tiêm vắc xin cho những người trẻ.

Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: Lê Anh Dũng

Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: Lê Anh Dũng

"Những người trẻ được chọn tiêm nên ở độ tuổi 16 - 18 là học sinh cấp THPT, bởi các em này cơ thể đã phát triển hoàn chỉnh nên nguy cơ mắc bệnh không khác gì người trên 18 tuổi và nguy cơ chuyển biến nặng cũng gần như tương đương.

Do đó, tôi rất mong muốn tiêm cho các học sinh cấp THPT trước để các em đi học và cũng để chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng trong cuộc đời", PGS Nguyễn Lân Hiếu nhận định.

Đối với trẻ từ 12 tuổi trở lên, theo ông Hiếu nên thực hiện tiêm những trường hợp có yếu tố nguy cơ như bị béo phì, bệnh nền... Còn các trường hợp khác nên dựa vào nguyện vọng, nhu cầu của gia đình.

Việc một số địa phương liệt kê các trường hợp trẻ từ 1-3 tuổi để có kế hoạch tiêm chủng, theo Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chưa nên tiêm cho các đối tượng này.

Dẫn số liệu trên thế giới hiện nay, việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-18 đã thống nhất và bằng chứng khoa học, độ an toàn, hiệu quả đã rõ; với trẻ dưới 12 tuổi vẫn đang còn nghiên cứu, do đó theo ông Hiếu "không nên vội".

Ông Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ, khi công tác ở Bình Dương cũng đã thống kê, tỷ lệ trẻ dưới 12 tuổi bị nhiễm bệnh và chuyển nặng rất ít, chủ yếu là các cháu bị bệnh nền. Đối với học sinh THPT thì khả năng mắc bệnh không khác so với người 18-19 tuổi.

"Hiện nay, vắc xin được khuyến cáo tiêm cho trẻ em là Pfizer và tới đây, có một phần đang nghiên cứu về Moderna. Còn các vắc xin khác dù có nghiên cứu nhưng chưa có nước phát triển nào tiêm cho trẻ em.

Trong khi đó, nguồn vắc xin của chúng ta vẫn đang lệ thuộc vào đối tác, nhà cung cấp nên mọi thứ sẽ phải chờ cụ thể", ông Hiếu nói thêm.

Trường học không thể cứ mở vài tuần lại đóng

Liên quan đến việc cho trẻ em đi học, PGS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, khi chưa tiêm phủ được vắc xin cho trẻ em thì không nên mở cửa trường mà vẫn duy trì việc học trực tuyến với các cấp.

Bởi thực tế, một số địa phương như Phú Thọ cho đi học lại nhưng trong lớp học chỉ cần vài ca nhiễm là lại phải đóng lại. Bên cạnh đó, với học sinh THPT nếu cho đi học xong phát hiện ca nhiễm lại phải đóng, học trực tuyến thì gây rất nhiều vấn đề.

"Không thể nào để tình trạng trường học cứ mở vài tuần xong lại đóng, không ổn định như thế. Do đó, quan trọng nhất ở đây là phải tìm mọi cách để phủ vắc xin cho các em", ông nêu ý kiến.

Với học sinh THCS (cấp 2), tùy theo tình hình, nếu số lượng gia đình được tiêm 60 - 70% có thể mở cửa lại toàn bộ.

Đối với học sinh tiểu học, việc học trực tuyến nhiều khó khăn nên sau khi thực hiện tiêm phủ cho các cấp học trên và gia đình thì có thể đi học trực tiếp trở lại.

Hiện ở Hà Nội, nhiều vùng ngoại thành là vùng xanh, không hề có ca nhiễm nhưng địa phương vẫn bắt học sinh học trực tuyến, bác sĩ Hiếu chỉ rõ, nếu Hà Nội mở cửa lại trường học mà có ca dương tính lại đóng thì rất khó.

Ông cho rằng, sống cùng với Covid-19 thì bất cứ ai cũng có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Việc nhiễm ở ngoài cộng đồng số lượng ít vẫn có kế hoạch cách ly, khoanh vùng diện hẹp và điều trị.

Nhưng một trường học rất khó bởi các cháu học tập trung với nhau nên ĐBQH mong tiêm sớm và nếu dồn sức chỉ cần 1 tuần là tiêm được hết cho học sinh THPT ở Hà Nội. Khi tiêm đủ, có thể mở cửa cho các bạn đi học trở lại.

Một số nước đang nghiên cứu và tiêm thêm mũi vắc xin thứ 3, PGS Hiếu cho hay, đối với Việt Nam chưa nên thực hiện trong năm nay, bởi mũi vắc xin thứ 2 có thể có tác dụng trong 6 tháng tới.

Với các trường hợp thật đặc biệt như bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng, đang công tác trong địa bàn đặc biệt nguy hiểm và có hàm lượng kháng thể ít thì có thể xem xét tiêm mũi thứ 3.

Trần Thường - Hương Quỳnh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/pgs-nguyen-lan-hieu-chua-nen-mo-truong-khi-chua-tiem-phu-vac-xin-cho-tre-em-786713.html