PGS Nguyễn Lân Hiếu nói về 'số phận' người bệnh TP.HCM sau sáp nhập

PGS.Nguyễn Lân Hiếu cho rằng nếu không có một tầm nhìn tổng thể và chính sách cụ thể, rõ ràng, hệ thống y tế sẽ dễ rơi vào tình trạng chắp vá, mạnh ai nấy làm.

Một buổi sáng oi nồng của tháng 7, tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu Quốc hội, nguyên Giám dốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương, mặc áo blouse trắng, cần mẫn thăm khám cho gần 50 bệnh nhân trước khi bước vào cuộc họp.

Chỉ khi kim đồng hồ sắp điểm giữa trưa, ông mới dành cho Tri Thức - Znews ít phút để chia sẻ những kỳ vọng và tính toán thẳng thắn, khi ngành y đứng trước một bước ngoặt lớn: TP.HCM sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, vươn mình thành siêu đô thị, mở ra thời cơ bứt phá nhưng cũng đặt ra câu hỏi: Y tế công sẽ đổi mới ra sao để không bị bỏ lại phía sau?

TP.HCM cần "2 bước đi" để y tế công không bị bỏ lại sau sáp nhập

Nhiều người lạc quan TP.HCM sẽ thành siêu đô thị sau sáp nhập, y tế "phất" lên theo. Ông thì sao?

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Tôi nhìn mọi thứ thẳng thắn. Khi sáp nhập, TP.HCM sẽ có hai giai đoạn.

Giai đoạn trước mắt sẽ không có quá nhiều thay đổi, các bệnh viện vẫn hoạt động trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình. Có khác chăng là mất đi cái tên của quận, huyện, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Với nhiều điều luật, quy định được thay đổi sẽ giúp thông thoáng các khâu trong quy trình khám chữa bệnh, đặc biệt đấu thầu mua sắm. Chính vì vậy, chắc chắn sẽ có nhiều sự tiến bộ. Cái khó khăn trước mắt chính là sự quản lý thống nhất trong hệ thống y tế cả công và tư.

Y tế tư nhân đã rất phát triển ở TP.HCM từ nhiều năm nay, khi sáp nhập Bình Dương và Vũng Tàu, nhiều nhà đầu tư sẽ mở rộng địa bàn, nhiều cơ sở khám chữa bệnh mới sẽ mọc lên. Vai trò quản lý nhà nước rất cần phát huy giai đoạn này.

Bên cạnh đó, củng cố và nâng cao chất lượng của hệ thống y tế ở Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu cần được coi là nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn này.

 PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu dành thời gian thăm khám cho bệnh nhân.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu dành thời gian thăm khám cho bệnh nhân.

Vậy còn giai đoạn sau đó?

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Giai đoạn sau là sự phát triển bền vững.

Lúc này, chúng ta đã có một bức tranh tương đối rõ ràng về hệ thống y tế thành phố. Rất cần phân tầng để tối ưu hóa việc chăm sóc sức khỏe người dân.

Với tuyến cơ sở, hoàn toàn có thể biến các trạm y tế thành các phòng khám chuyên khoa theo ngày, đưa khám chữa bệnh từ xa với các bác sĩ của thành phố tham gia theo lịch hàng tháng. Xây dựng trung tâm xét nghiệm lưu động ở những trạm y tế này.

Các bệnh viện quận huyện trước kia hợp nhất với trung tâm y tế. Các bác sĩ, điều dưỡng cùng tham gia công tác khám chữa bệnh và y học dự phòng. Ngân sách nên trả lương, còn bệnh viện tập trung vào phát triển kỹ thuật, dịch vụ theo yêu cầu... để nâng cao thu nhập cho nhân viên y tế. Rất nên khuyến khích y tế tư nhân tham gia vào phân khúc này tạo sự cạnh tranh lành mạnh.

Các bệnh viện khu vực, thành phố, trung ương đặt trên địa bàn cần có những mũi nhọn riêng của mình trong tổng thể bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh. Mỗi bệnh viện luôn có 3 nhiệm vụ đó là chẩn đoán điều trị, đào tạo nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật. Chiến lược phát triển kỹ thuật cao mũi nhọn phải trở thành đề án cụ thể cho từng bệnh viện lớn. Đây là đề án đặc biệt quan trọng đối với địa phương lớn như TP.HCM.

Nhưng bài toán "chảy máu" bác sĩ giỏi luôn ám ảnh y tế công lập. Ông nghĩ có cách nào giữ chân?

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Muốn người ta cống hiến thì phải cho họ lý do để không bỏ đi. Việc giữ bác sĩ giỏi không chỉ bằng lương mà còn bằng văn hóa bệnh viện và môi trường làm việc.

Một bệnh viện sạch đẹp, ngăn nắp tưởng chuyện nhỏ nhưng rất quan trọng. Quan trọng hơn là bầu không khí: phải thân thiện, chân thành, ai cũng thấy mình là một phần, không sợ đấu đá. Ở bệnh viện công, tôi thấy vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng, bởi tư duy nhiệm kỳ nên rất nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra. Chính vì vậy, rất cần sự chuẩn bị lớp kế cận, quy trình tuyển chọn bổ nhiệm minh bạch, chọn đúng người đúng việc. Đây là việc rất khó nhưng làm đúng sẽ là chìa khóa thành công.

 Theo PGS Nguyễn Lân Hiếu, việc giữ bác sĩ giỏi không chỉ bằng lương mà còn bằng văn hóa bệnh viện và môi trường làm việc.

Theo PGS Nguyễn Lân Hiếu, việc giữ bác sĩ giỏi không chỉ bằng lương mà còn bằng văn hóa bệnh viện và môi trường làm việc.

An toàn cho thầy thuốc khi làm nhiệm vụ phải được ưu tiên. Luật pháp cần điều chỉnh mạnh tay, nhưng chính mỗi bệnh viện cũng phải chủ động thay đổi: từ lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp, hệ thống báo động khẩn, đến tập huấn nhân viên sẵn sàng xử lý mọi tình huống bạo hành y tế.

Song song đó, thu nhập phải đủ để nhân viên y tế yên tâm cống hiến. Một điều dưỡng trưởng của tôi vừa sang bệnh viện tư nhân chỉ vì người ta trả mức lương mà bệnh viện nhà nước không thể trả được.

Tôi cho rằng Nhà nước cần trả lương cơ bản cho tuyến cơ sở, đặc biệt các chuyên khoa đặc thù như tâm thần, truyền nhiễm. Dịch vụ y tế công cần phát triển hợp lý, tính đúng tính đủ giá để bệnh viện có nguồn lực tái đầu tư.

Xa hơn, cổ phần hóa các cơ sở y tế công lập đã tự chủ hoàn toàn là hướng đi lâu dài để tạo động lực cho phát triển bền vững. Số tiền thu từ cổ phần hóa sẽ nâng cấp cơ sở vật chất của bệnh viện, gắn bó nhân viên y tế lâu dài khi được mua, thưởng bằng chính những cổ phần của bệnh viện mà mình cống hiến.

Bệnh viện công cần cú hích mới

Vì sao ông cho rằng đây là thời điểm có thể nghĩ đến cổ phần hóa y tế công lập?

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Tôi nghĩ đây là thời điểm phù hợp để tính đến việc cổ phần hóa các bệnh viện công lập đã tự chủ. Hệ thống y tế công đang đối diện 2 vấn đề lớn. Thứ nhất là nguồn lực phát triển: ngân sách Nhà nước không thể mãi chi tiêu theo cách cũ, vừa tốn kém, vừa không hiệu quả. Đất nước phát triển kéo theo nhiều nhu cầu thiết yếu khác - xây bệnh viện mới, trường học mới - nên không thể trông chờ ngân sách mãi được. Muốn đầu tư tiếp, chắc chắn phải huy động thêm nguồn lực xã hội.

Vấn đề thứ hai là tư duy nhiệm kỳ. Ở bệnh viện công, giám đốc nào cũng muốn nhiệm kỳ mình huy hoàng, nhưng lại ít ai dám đặt nền tảng dài hạn cho người kế nhiệm. Hậu quả là cứ hết nhiệm kỳ thì bộ máy lại xáo trộn, chiến lược phát triển bị cắt khúc, thậm chí đổ bể.

Khi cổ phần hóa, cán bộ, bác sĩ, trưởng khoa đều có quyền lợi ràng buộc bằng chính cổ phần của bệnh viện mình cống hiến. Dù về hưu, họ vẫn mong bệnh viện phát triển vì lợi ích lâu dài. Nhờ vậy, bệnh viện tránh lệ thuộc quá mức vào một vị giám đốc, đồng thời giữ chân được những người giỏi.

 Ông cho rằng đây là thời điểm phù hợp để tính đến việc cổ phần hóa các bệnh viện công lập đã tự chủ. Ảnh: Quốc hội.

Ông cho rằng đây là thời điểm phù hợp để tính đến việc cổ phần hóa các bệnh viện công lập đã tự chủ. Ảnh: Quốc hội.

Nếu thực hiện việc này, ông nghĩ nên bắt đầu như thế nào? Nhất là khi trước đây, chúng ta từng không thành công?

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Tất nhiên, cổ phần hóa không thể làm ồ ạt. Phải chọn những bệnh viện có thương hiệu, đang hoạt động hiệu quả, vì chỉ khi đó mới hút được nhà đầu tư thực sự muốn phát triển bệnh viện. Trước đây, ta từng làm nhưng không thành công, như Bệnh viện Giao thông Vận tải, vì chọn bệnh viện chưa có tên tuổi, ruột không thay đổi thì không thể tốt lên được. Cổ phần hóa bệnh viện vùng sâu, miền núi chưa có thương hiệu, rất rủi ro.

Cổ phần hóa đúng cách vừa mang lại vốn lớn để nâng cấp hạ tầng, vừa giữ thương hiệu bệnh viện bền vững. Điều quan trọng là Nhà nước vẫn nắm tỷ lệ chi phối, định giá đúng giá trị con người và thương hiệu - cái mà hiện nay chưa dễ làm.

Y tế công lập từng là xương sống của hệ thống, nhưng y tế tư nhân đang phát triển rất nhanh, có nguồn lực mạnh. Nếu không thay đổi, bệnh viện công sẽ bị tụt lùi, mất vai trò đầu tàu, đặc biệt là trong việc chăm sóc người nghèo, người yếu thế.

"Nhiều kỳ vọng, nhưng tôi rất lo"

Trở lại với câu chuyện sáp nhập, ông kỳ vọng như thế nào về tương lai của một siêu đô thị y tế TP.HCM?

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Nhiều người rất kỳ vọng việc sáp nhập sẽ tạo ra một siêu đô thị đầy cơ hội phát triển. Nhưng tôi rất lo. Nếu không có một tầm nhìn tổng thể và chính sách cụ thể, rõ ràng, hệ thống y tế sẽ dễ rơi vào tình trạng chắp vá, mạnh ai nấy làm.

 PGS Hiếu cho rằng muốn TP.HCM trở thành đầu tàu y tế đúng nghĩa khi sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu thì phải có một quy hoạch tổng thể.

PGS Hiếu cho rằng muốn TP.HCM trở thành đầu tàu y tế đúng nghĩa khi sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu thì phải có một quy hoạch tổng thể.

TP.HCM không chỉ là đầu tàu kinh tế, mà còn được kỳ vọng dẫn đầu về khoa học kỹ thuật, trong đó có y tế.

Muốn TP.HCM trở thành đầu tàu y tế đúng nghĩa khi sáp nhập, phải có một quy hoạch tổng thể. Phân tuyến rõ ràng: Bệnh viện lớn tập trung làm kỹ thuật cao, khó; bệnh viện tuyến dưới lo ca thường gặp.

Không để cảnh "trăm hoa đua nở", bệnh nhân bị quay vòng, bệnh viện A chỉ định mổ chỗ này, bệnh viện B nói không mổ rồi mất niềm tin. Quy hoạch tốt sẽ giúp cả hệ thống công - tư phát triển lành mạnh, bệnh viện công lập đủ sức cạnh tranh, đủ sức giữ người giỏi ở lại và phục vụ bệnh nhân tốt hơn.

Nói thì dễ, làm mới khó. Vậy làm sao để thành công, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Tôi tin sắp tới sẽ có những chủ trương, nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển y tế trong giai đoạn mới, với những định hướng đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế mà chúng ta đang bàn tới hôm nay.

Điều quan trọng là các cơ quan quản lý Nhà nước phải cụ thể hóa chủ trương thành phương pháp, quy trình rõ ràng, thông qua các nghị định, thông tư kịp thời. Ở đây, Bộ Y tế đóng vai trò then chốt: vừa tham mưu, tư vấn chính sách, vừa đề xuất cho Chính phủ những quyết sách đột phá, khả thi, để hệ thống y tế công lập và toàn ngành thực sự chuyển mình theo đúng hướng mà nghị quyết đã vạch ra.

Cuối cùng, theo ông, người dân sẽ hưởng lợi gì từ những thay đổi này?

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Người dân chắc chắn sẽ là bên hưởng lợi lớn nhất. Trước tiên, họ sẽ được điều trị bài bản hơn, minh bạch hơn, không còn cảnh mất niềm tin như hiện nay - xuống tuyến cơ sở thì lo, lên tuyến trung ương vẫn bất an.

20 năm trước, nhiều ca bệnh đến hỏi tôi "có mổ được không", bây giờ ngược lại, người bệnh đến lại lo "có nên mổ không?". Đây là nghịch lý phải được chấn chỉnh.

Thứ hai, giá dịch vụ sẽ minh bạch hơn. Khi hệ thống quản trị rõ ràng, chỉ định hợp lý, bảo hiểm y tế cũng cởi mở hơn, quyền lợi người dân được hưởng đúng và đủ, giảm bớt gánh nặng chi phí "móc túi".

Thứ ba, quan trọng nhất, người dân sẽ được tiếp cận kỹ thuật y tế cao, công nghệ mới như mổ robot, ứng dụng AI, các kỹ thuật tiên tiến đang phổ biến trên thế giới. Khi các bệnh viện công lập yên tâm về nguồn lực phát triển, họ sẽ dồn sức cho những ca khó, không phải loay hoay chạy bệnh nhẹ để tự nuôi mình. Nhờ đó, người bệnh Việt Nam mới thực sự được hưởng lợi từ một nền y tế hiện đại, tiến kịp thế giới.

Phương Anh

Ảnh: Việt Linh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/pgs-nguyen-lan-hieu-noi-ve-so-phan-nguoi-benh-tphcm-sau-sap-nhap-post1568881.html