PGS Trần Đắc Phu: Hà Nội dập dịch tốt nhưng khó đưa số ca mắc về 0

Theo ông Trần Đắc Phu, việc Hà Nội không để dịch Covid-19 bùng lên sau thời gian giãn cách là thành công nhưng những nguy cơ vẫn luôn thường trực.

Từ cuối tháng 4 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận thêm tổng cộng hơn 3.800 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Song song với đó là hàng loạt ổ dịch được phát hiện có diễn biến phức tạp. Gần đây nhất là ổ dịch Thanh Xuân Trung với gần 600 người đã nhiễm nCoV.

Tuy nhiên, thành phố đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực khi tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19 trong hơn một tuần qua luôn ở ngưỡng trên 100.000 mũi/ngày. Riêng ngày 12/9, thành phố đã thực hiện được số mũi tiêm kỷ lục với 573.829 liều.

Ngoài ra, một tín hiệu đáng mừng khác là số ca nhiễm nCoV mới trong ngày được phát hiện thời gian gần đây tại Hà Nội có xu hướng giảm. Sau ngày 6/9 với 53 người dương tính, thành phố đã trải qua 9 ngày liên tiếp có số ca nhiễm nCoV mới dưới ngưỡng 50 trường hợp.

Mới đây, ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND Hà Nội, cũng tự tin khẳng định thành phố cơ bản đã kiểm soát được dịch.

Trao đổi với Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhận định sau đợt giãn cách vừa qua, dịch Covid-19 tại Hà Nội không bùng phát rộng là thành công.

Kiểm soát tốt nhưng khó đưa số F0 về 0

Theo ông Phu, với ổ dịch Thanh Xuân Trung, số người nhiễm nCoV được ghi nhận trong thời gian qua khá cao nhưng các trường hợp này chủ yếu chỉ tập trung tại 2 ngõ đã phong tỏa. Trong khi đó, vị chuyên gia này đánh giá các ổ dịch khác trên địa bàn về cơ bản đã được khống chế.

“Thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện khá tốt việc truy vết và phong tỏa, dập dịch. Với tình hình dịch của thành phố hiện nay, Hà Nội vẫn có thể tiếp tục truy vết và bóc tách F0 khỏi cộng đồng”, PGS Phu nhận định.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng trong thời gian tới, việc đưa số lượng F0 về 0 tại Hà Nội là rất khó.

 Một số trường hợp liên quan F0 tại ổ dịch Thanh Xuân Trung được chuyển tới khu cách ly tập trung. Ảnh: Nhật Sinh.

Một số trường hợp liên quan F0 tại ổ dịch Thanh Xuân Trung được chuyển tới khu cách ly tập trung. Ảnh: Nhật Sinh.

Ông giải thích: “Thời gian qua, các trường hợp nhiễm nCoV đã xuất hiện rải rác khắp cộng đồng. Qua quá trình xét nghiệm, chúng ta có thể thấy dịch đã xâm nhập vào các chuỗi cung ứng như bán hàng online, lò mổ, lái xe...”.

Kịch bản sau ngày 21/9

Đầu tháng 9, UBND Hà Nội đã công bố phân vùng chống dịch Covid-19 theo mức độ nguy cơ. Thời gian thực hiện từ 6h ngày 6/9 đến 6h ngày 21/9.

Theo PGS Phu, sau thời gian này, Hà Nội có thể nới lỏng dần khi số ca nhiễm nCoV chủ yếu tập trung trong diện hẹp, lượng người dương tính với SARS-CoV-2 ở cộng đồng cũng đã giảm.

“Tuy nhiên, nới lỏng giãn cách phải đảm bảo các phương án an toàn. Nguyên nhân là tình hình dịch trên cả nước vẫn rất phức tạp, biến chủng Delta lây lan nhanh, Hà Nội lại là đầu mối giao lưu, thường xuyên tập trung đông đúc”, ông nhấn mạnh.

Theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, chỉ một ca nhiễm nCoV xâm nhập vào thành phố, dịch Covid-19 tại Hà Nội hoàn toàn có nguy cơ bùng phát trở lại và tạo ra nhiều chùm lây nhiễm nghiêm trọng.

 Người dân tại vùng xanh ở Gia Lâm (Hà Nội) tới mua đồ ăn trưa tại một cửa hàng vừa được mở bán. Ảnh: Thạch Thảo.

Người dân tại vùng xanh ở Gia Lâm (Hà Nội) tới mua đồ ăn trưa tại một cửa hàng vừa được mở bán. Ảnh: Thạch Thảo.

“Một điểm nữa là Hà Nội cần bảo vệ chặt vùng xanh. Tại những khu vực này, trường hợp có ca nhiễm xâm nhập cũng phải được phát hiện sớm, truy vết ngay. Tất cả địa phương phải có phương án đảm bảo an toàn sau giãn cách, yêu cầu người dân cảnh giác, thực hiện tốt 5K, gia đình an toàn, siêu thị an toàn, cửa hàng an toàn... Chúng ta tuyệt đối không được chủ quan”, PGS Phu nói.

Kiểm soát tốt để sống chung với dịch

PGS Trần Đắc Phu cho rằng trong bối cảnh chuẩn bị sống chung với dịch, Việt Nam cần làm mọi cách để kiểm soát được tình hình.

“Ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn phải làm tốt công tác dự phòng. Tùy địa phương, chúng ta cần có mục tiêu, mục đích và tiêu chí khác nhau về việc giãn cách hay nới lỏng. Tuy nhiên, điều cốt lõi là phải kiểm soát được dịch. Phương châm hàng đầu là không để người mắc Covid-19 diễn biến nặng, phải nhập viện, gây quá tải hệ thống y tế và tử vong”, PGS Phu nhấn mạnh.

 Người dân tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) được tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Việt Linh.

Người dân tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) được tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Việt Linh.

Theo ông, việc tiêm chủng vaccine phòng bệnh Covid-19 vẫn là biện pháp quan trọng nhất để giúp các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng nhẹ, không cần nhập viện. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tỷ lệ tử vong do mắc Covid-19 sẽ giảm.

Dẫu vậy, khi tỷ lệ tiêm chủng còn chưa cao, PGS Phu nhận định các địa phương vẫn phải làm tốt tất cả biện pháp nhằm phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch...

“Toàn dân phải phải thực hiện tốt 5K và xây dựng lối sống an toàn, cơ quan an toàn, nhà máy an toàn, phường, xã, quận, huyện an toàn, bảo vệ vùng xanh... Từ đó, thành phố mới có thể an toàn. Ngoài ra, mỗi địa phương, đơn vị phải có phương án an toàn, tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng khi nới lỏng giãn cách mới có thể đảm bảo an toàn bền vững. Qua đây, chúng ta mới có thể thực hiện tốt mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, ông nói.

Vị chuyên gia này kết luận mỗi địa phương cũng cần dựa trên tình hình thực tế để đưa ra quyết định cụ thể. “Không chỉ số ca mắc, chúng ta cần căn cứ vào tình hình dịch, mức độ kiểm soát và nhu cầu cụ thể để đảm bảo kinh tế cũng như an sinh xã hội cho người dân”, ông nhấn mạnh.

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho sản phụ tại Hà Nội Bệnh viện Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 1.020 phụ nữ mang thai từ tuần 13 trở lên.

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/pgs-tran-dac-phu-ha-noi-dap-dich-tot-nhung-kho-dua-so-ca-mac-ve-0-post1263271.html