PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung giải mã những lời đồn về mì ăn liền dưới góc nhìn chuyên gia

Trong buổi Tọa đàm trực tuyến 'Hiểu đúng về Mì ăn liền' chuyên gia dinh dưỡng đã có những phân tích khoa học và hữu ích giúp giải mã những nỗi lo về mì ăn liền.

Theo báo cáo mới đây của WINA (Hiệp hội mì ăn liền thế giới) Việt Nam có mức tiêu thụ mì ăn liền trên bình quân đầu người đứng đầu thế giới. Trung bình mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 85 gói mì mỗi năm, trong khi mức trung bình của một người Hàn Quốc là 77 phần.

Năm 2022, sản lượng tiêu thụ mì gói của Việt Nam khoảng 8,5 tỷ gói. Thống kê từ năm 2020 đến nay Việt Nam luôn xếp vào top 3 quốc gia có tổng sản lượng tiêu thụ mì ăn liền lớn nhất thế giới.

Mặc dù mì ăn liền được xem là món ăn được nhiều người lựa chọn, với sự đa dạng, tiện lợi, thế nhưng, thời gian qua, xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều cho rằng mì ăn liền có nhiều tác hại không ngờ như: nóng, khó tiêu, gây béo phì, hại gan, dùng dầu chiên đi chiên lại... Điều này đã khiến cho người tiêu dùng hoang mang, bởi món ăn hàng ngày, được yêu thích, lại bị gắn mác với những tác hại không ngờ tới.

Vậy mì ăn liền có thật sự có tác hại như những lời đồn thổi, và liệu món ăn này có phải là một sự lựa chọn an toàn trong khẩu phần ăn của mỗi người, mỗi gia đình hay không?

Trong chương trình tọa đàm với chủ đề "Hiểu đúng về Mì ăn liền" do Báo điện tử VTC News tổ chức mới đây với những chia sẻ của chuyên gia dinh dưỡng PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề đã đưa ra lời khuyên bổ ích giúp các bậc phụ huynh, người tiêu dùng có cái nhìn thấu đáo hơn về mì ăn liền.

PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Ảnh: Khổng Chí)

PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Ảnh: Khổng Chí)

Mì ăn liền có gây nóng, khó tiêu, béo phì, hại gan...?

Thực tế, có những xu hướng ăn uống trên thị trường khi chúng ta đã có sự hội nhập, hòa nhập và có nhiều xu hướng ăn uống khác nhau như thực phẩm ăn nhanh, mì gói… Trước việc xuất hiện những xu hướng thực phẩm như vậy, chúng ta cũng không thể cấm trẻ con không nên ăn mà chỉ có thể lựa chọn an toàn cũng như chế biến hợp lý để có bữa ăn lành mạnh.

Tuy nhiên, với mì gói, việc đọc nhãn mác có thể thấy rằng sản phẩm này có rất nhiều nguồn thực phẩm khác nhau. Ví dụ như mì gói có loại sản xuất từ lúa mì, lúa mạch… Như ở Nhật thì mì gói còn sản xuất từ gạo, nhóm ngũ cốc. Do vậy, chúng ta phải có thêm các thực phẩm nhóm vitamin và khoáng chất như rau, củ, quả, nhóm đạm vào thì mới có 1 bát mì đầy đủ chất dinh dưỡng.

Tuy nhiên, đối với bất kì một xu hướng nào, chúng ta cũng không nên cực đoan ở một góc độ này hay một góc độ khác. Nếu như khuyến khích các bạn nhỏ ăn, chúng ta cũng biết nhược điểm của chế độ các bạn quay sang ăn nhanh của các nước đang phát triển sẽ thiếu đi sự đa dạng.

Vì vậy, ngay cả các bữa sáng, chúng ta cũng phải phân bố một cách đồng đều các món bún, miến, phở mỗi ngày. Chúng ta cũng khuyến khích mỗi ngày một món thay đổi, cũng có những bữa là mì. Chúng ta không cấm cản đến nỗi các bạn thèm quá và đến lúc ăn được thì lại không khống chế được.

Những gói mì ấy ăn vào buổi chiều tan trường, khi ấy cơ thể không cần quá nhiều năng lượng nữa, trong khi bữa ăn thay thế hẳn cho bữa sáng mà lại ăn vào buổi không cần năng lượng thì cũng đem đến nguồn năng lượng rất nhiều.

Nhiều bạn thức khuya, thức đến 1-2h đêm mà lúc đó đói lại úp bát mì để ăn thì cũng quá nhiều năng lượng cho bữa đêm.

Hiện nay, các bạn cũng có xu hướng thích ăn các món ăn nhanh, các món ăn theo xu thế mới mà quên mất các món ăn truyền thống rất giàu dinh dưỡng và ngon.

Chắc hẳn những ai đi học xa nhà ở nước ngoài thì sẽ rất nhớ các món bún, miến, phở Hà Nội, thì chúng ta luôn luôn phải thích ứng với các nền văn hóa. Chúng ta hòa nhập nhưng vẫn phải giữ truyền thống văn hóa, thì khi đó chúng ta sẽ có một chế độ dinh dưỡng tốt hơn.

PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Ảnh: Khổng Chí).

PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Ảnh: Khổng Chí).

Có cần cấm con cái ăn mỳ vì những mối lo đối với sức khỏe?

Thực tế là chúng ta không cấm được trẻ em. Chúng ta cũng biết rằng kẹo và nước ngọt không tốt cho sức khỏe. Có những em bé bị bố mẹ cấm đến 5 tuổi, chưa bao giờ được ăn một cái kẹo hay nước ngọt. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng, với đường tự do thì có những khuyến cáo, ví dụ như theo khuyến cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới là có thể dùng dưới 12g/ngày. Như vậy, đối với một cái kẹo nhỏ thì không đến mức quá nghiêm trọng như vậy.

Nhiều khi chúng ta hơi cực đoan, dẫn đến việc ngược lại là bỗng một ngày đứa trẻ phát hiện ra là cái kẹo này rất ngon, và khi lên đến bậc tiểu học, THCS, THPT thì lúc đó có những bạn đã không thể kiểm soát được. Vậy, tốt nhất là chúng ta chung sống với tất cả môi trường xung quanh, hướng dẫn con lựa chọn. Ngay cả với những bài học dinh dưỡng, chúng tôi cũng đều hướng dẫn các con đọc nhãn mác, lựa chọn thức ăn khi ở bên ngoài.

Với mì gói cũng vậy. Thực tế đây cũng là một thực phẩm cũng đã được công bố, có quy trình sản xuất. Khi mà các cục, chi cục ATTP cấp giấy phép sản xuất thì có nghĩa đây là một sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, có những sản phẩm ở vùng sâu vùng xa, không có nhãn mác, quy trình chưa chuẩn… thì khi ấy chúng ta phải lựa chọn.

Bây giờ, các bạn đang có xu hướng thích ăn những thực phẩm rất cay. Một số món mì nhập khẩu rất cay. Những vị cay đấy có thể ảnh hưởng tới dạ dày và gây nóng. Do vậy, chúng ta phải lựa chọn một cách phù hợp. Còn để cấm các bạn nhỏ tuyệt đối thì rất khó.

Chúng tôi cũng triển khai một nghiên cứu, tìm hiểu về các loại thực phẩm mà các bạn nhỏ yêu thích và mua ở xung quanh cổng trường, thì mì gói cũng là một thực phẩm được mua rất nhiều. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là ăn vào buổi chiều tối, như vậy có thể cũng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nữa. Bởi lúc đó, nước không còn hợp vệ sinh, cốc cũng đã bốc ra rồi, chưa rửa tay hay đũa cũng mất vệ sinh cả ngày…

Cho nên, với tất cả xu hướng thực phẩm, về cơ bản, chúng tôi đã hướng dẫn cho các con biết lựa chọn và thay đổi, biết ăn và sử dụng một cách vừa phải để không gây hại cho sức khỏe mà vẫn được thưởng thức các món ăn yêu thích. Còn nếu rằng ngày nào cũng ăn mì gói thì chúng tôi không khuyến khích.

PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung (Ảnh: Khổng Chí)

PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung (Ảnh: Khổng Chí)

Kính mời quý vị theo dõi nội dung đầy đủ chương trình tọa đàm "Hiểu đúng về Mì ăn liền" tại đây.

Vân Hồng

Nguồn VTC: https://vtc.vn/pgs-ts-bs-bui-thi-nhung-giai-ma-nhung-loi-don-ve-mi-an-lien-duoi-goc-nhin-chuyen-gia-ar809248.html