PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Rất cần tiết chế khi so sánh về nghệ thuật
Năm 2023 là khoảng thời gian khá sôi động trong đời sống văn hóa - nghệ thuật tại Việt Nam. Trong đó, phát triển công nghiệp văn hóa được tiếp tục thúc đẩy với nhiều hoạt động. Sự kiện nhóm nhạc Hàn Quốc Black Pink biểu diễn 2 đêm tại Hà Nội mang về cho du lịch Thủ đô 600 tỷ đồng đã khiến chúng ta phải suy nghĩ.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng, nếu biết tận dụng các giá trị của công nghiệp âm nhạc không chỉ làm cho đời sống tinh thần của chúng ta phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu giải trí của nhân dân, mà còn lan tỏa sự phát triển này sang lĩnh vực kinh tế - xã hội.
PV: Thưa ông, xin bắt đầu cuộc trò chuyện này từ lĩnh vực âm nhạc. Năm 2023, chúng ta thấy thị trường âm nhạc đã “ấm dần” sau một gian đoạn đóng băng vì Covid-19. Chúng ta được chứng kiến một thị trường âm nhạc đa sắc. Dù vậy băn khoăn về tác phẩm chất lượng cũng được đưa ra. Theo ông, để có những tác phẩm đỉnh cao trong âm nhạc, chúng ta phải đầu tư ra sao?
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN: Tôi cho rằng đánh giá về âm nhạc là điều khó. Âm nhạc là giai điệu của cuộc sống, mỗi bối cảnh khác nhau chúng ta có một loại hình âm nhạc nổi trội hơn so với loại hình âm nhạc khác.
Nếu chúng ta cho rằng những sản phẩm âm nhạc phải là đỉnh cao khi nó thể hiện được tình yêu quê hương đất nước, hay phản ánh được cuộc đấu tranh thần thánh của dân tộc thì rõ ràng bối cảnh ngày hôm nay chúng ta rất khó có được những tác phẩm như vậy. Bởi vì một mặt chúng ta không có bối cảnh để cho các sản phẩm đó dễ được sáng tạo.
Từ đó khiến cho cảm hứng sáng tạo liên quan đến chủ đề chiến tranh, hay chủ đề giai đoạn văn hóa kháng chiến của chúng ta không còn được như vậy nữa. Nhưng rõ ràng hiện nay chúng ta cũng có thể cảm nhận được âm nhạc đã đa dạng và phong phú hơn rất nhiều.
Chúng ta được nghe không chỉ âm nhạc Việt Nam và cả quốc tế, không chỉ thể loại ca khúc về yêu nước, cách mạng mà chúng ta còn được nghe các thể loại nhạc trước kia rất “kiêng kị” khi nói đến như Bolero. Và những tác phẩm âm nhạc về tình yêu đôi lứa cũng rất nở rộ trong giai đoạn hiện nay. Nói vậy để thấy thị hiếu âm nhạc nay đã khác. Đó là lý do tại sao chúng ra rất cần phải tiết chế khi so sánh về nghệ thuật.
Sự nở rộ của âm nhạc ngày hôm nay có phải là những tiền đề quan trọng để chúng ta đang hướng tới phát triển ngành công nghiệp giải trí?
- Đúng vậy, đó là tín hiệu hết sức tích cực. Du lịch Hà Nội thu hơn 600 tỷ đồng trong 2 ngày diễn ra show Black Pink. Nhìn ra các nước, nhóm nhạc BTS của Hàn Quốc 1 năm thu về hơn 4,6 tỷ USD cho đất nước họ. Hay chỉ riêng ca sĩ người Mỹ Taylor Swift đã tạo ra thu nhập hơn 3 tỷ USD trong năm 2023...
Điều đó cho thấy nếu biết tận dụng các giá trị của công nghiệp âm nhạc không chỉ làm cho đời sống tinh thần của chúng ta phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu giải trí của nhân dân, mà chúng ta còn lan tỏa sự phát triển này sang lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Trong năm 2023 các hiện tượng âm nhạc khá nở rộ ở Việt Nam. Ở TPHCM thì có Lễ hội Âm nhạc Hò dô, ở Hà Nội thì Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió Mùa (Monsoon Music Festival), hay các nhóm nhạc quốc tế đến biểu diễn ở Việt Nam đã cho thấy tiềm năng rất lớn của lĩnh vực âm nhạc với sự phát triển của đất nước nếu chúng ta biết tận dụng và phát huy.
Điều còn băn khoăn một chút là với sự phát triển âm nhạc của chúng ta chưa bền vững, thiếu tính chuyên nghiệp khiến cho nỗ lực phát triển công nghiệp âm nhạc ở ta còn gặp không ít khó khăn.
Nhìn sang lĩnh vực điện ảnh, chúng ta tiếp tục chứng kiến các hãng phim tư nhân ra mắt một số bộ phim, rồi phim Việt ra nước ngoài có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ Nhất 2023, giải Phim châu Á xuất sắc là giải thưởng quan trọng nhất thuộc về phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn Hà Lệ Diễm. Bộ phim giới thiệu số phận con người ở một vùng đất nhưng đó cũng là cách giới thiệu đất nước và con người Việt Nam. Theo ông, điện ảnh Việt Nam có nên đi sâu vào những đề tài như vậy không?
- Thực ra không chỉ điện ảnh Việt Nam, mà cả điện ảnh thế giới cũng tương tự như vậy. Tức là các thể loại phim có rất nhiều, đa dạng, phong phú và chính sự đa dạng của những thể loại phim khác nhau thúc đẩy điện ảnh phát triển.
Nếu chúng ta chỉ tập trung vào một dòng phim nhất định thì rõ ràng nền điện ảnh sẽ bị méo mó. Đó cũng là lý do chúng ta mong muốn có nhiều dòng phim khác nhau, mặc dù vậy thị trường có quy luật của nó. Chính vì thế một số dòng phim sẽ được ưa chuộng hơn những dòng phim khác, và nó có một sự cạnh tranh, chọn lọc tự nhiên, đồng thời bị chi phối bởi những tác nhân của thị trường trong việc hình thành nên điện ảnh.
Do đó chúng ta rất cần sự điều tiết từ phía Nhà nước để hình thành nền điện ảnh đa dạng, phong phú với nhiều thể loại khác nhau.
Với những bộ phim như “Những đứa trẻ trong sương”, trong nhiều năm chúng ta cố gắng theo đuổi câu chuyện đó với mong muốn hình thành quỹ điện ảnh, mặc dù nhiều nỗ lực nhưng quỹ đó không ra đời được. Nhưng ý định đó rất tốt vì nhờ quỹ chúng ta sẽ khuyến khích những dòng phim khác nhau, những dòng phim thử nghiệm cho các tác giả trẻ, để từ đó tạo sự phong phú cho điện ảnh.
Tuy nhiên không phải lúc nào bộ phim cũng nhận được sự đánh giá cao của những người trong nghề, của những nhà điện ảnh thì cũng nhận được sự đánh gia cao của thị trường.
Đây là câu chuyện không riêng của ta, mà cả trên thế giới. Rất nhiều những bộ phim trên thế giới được giới phê bình đánh giá tốt nhưng sức lan tỏa, lợi nhuận thị trường lại không hơn những bộ phim không được đánh giá cao bằng. Ở Việt Nam cũng tương tự vậy, chúng ta có rất nhiều tranh luận về phim nghệ thuật và phim thị trường.
Còn nhớ từ những năm 1990, đầu những năm 2000 xuất hiện dòng phim “mì ăn liền”, sau đó là dòng phim thị trường với những bộ phim tiêu biểu như: “Gái nhảy”, “Lọ Lem hè phố”… đã có rất nhiều tranh cãi. Ở đây chúng ta phải chấp nhận sự thật là có nhiều dòng phim khác nhau.
Có những dòng phim mà theo quan điểm của Nhà nước khuyến khích, hay là được đánh giá cao của người làm nghề thì lại không nhận được sự hưởng ứng từ phía thị trường.
Nhưng chúng ta phải luôn luôn cân bằng, tại vì chúng ta đã từng nhìn thấy xu hướng làm phim “mì ăn liền” hay thị trường của những năm 1990 và 2000 rộ lên rồi lắng xuống ra sao. Vì thế chúng ta cần cân bằng bởi những chính sách của Nhà nước.
Tức là Nhà nước phải có tôn vinh, hỗ trợ cả về sản xuất, phát hành phim?
- Để có thể đưa được những bộ phim có chất lượng cao cũng sẽ nhận được sự quan tâm của thị trường, khán giả, để từ đó chúng ta làm được mấy điều: Thứ nhất, đưa được những tác phẩm đã được chọn lọc ra thị trường.
Thứ hai, nâng cao nhận thức, trình độ thẩm mỹ của công chúng để từ đó hình thành nên một nền điện ảnh dựa trên nền của nhận thức thẩm mỹ điện ảnh cao lên. Từ đó tạo điều kiện cho điện ảnh Việt Nam phát triển bền vững.
“
Du lịch Hà Nội thu hơn 600 tỷ đồng trong 2 ngày diễn ra show Black Pink. Nhìn ra các nước, nhóm nhạc BTS của Hàn Quốc 1 năm thu về hơn 4,6 tỷ USD cho đất nước họ. Hay chỉ riêng ca sĩ người Mỹ Taylor Swift đã tạo ra thu nhập hơn 3 tỷ USD trong năm 2023... Điều đó cho thấy nếu biết tận dụng các giá trị của công nghiệp âm nhạc không chỉ làm cho đời sống tinh thần của chúng ta phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu giải trí của nhân dân, mà còn lan tỏa sự phát triển này sang lĩnh vực kinh tế - xã hội.
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN
Nhưng có thực tế là, trong năm 2023, hai bộ phim “Đào, Phở và Piano” (Nghệ sĩ ưu tú Phi Tiến Sơn đạo diễn) và phim lịch sử “Hồng Hà nữ sĩ” (Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Đức Việt đạo diễn) do Nhà nước đặt hàng nhưng chỉ ra rạp được ít ngày. Theo ông là vì đâu? Chúng ta cần phải đổi mới cách đầu tư vào điện ảnh để làm sao tác phẩm vừa có tính nghệ thuật nhưng cũng đảm bảo được doanh thu?
- Ở đây có khá nhiều lý do khác nhau khiến cho những bộ phim của Nhà nước đặt hàng khó tiếp cận được với thị trường. Quan trọng là khi tài trợ, đặt hàng cho các bộ phim chúng ta chưa coi trọng yếu tố thị trường. Nghĩa là khi đặt hàng chúng ta không có kinh phí dành cho phát hành.
Khi phát hành trong bối cảnh hiện nay, một số nhà sản xuất nói rằng để phát hành họ phải đóng tiền cọc 1 tỷ đồng, sau khi phát hành lại có sự “ăn chia” giữa các rạp chiếu phim và nhà sản xuất. Nhưng nhà sản xuất lại không được đồng nào. Số tiền đó chia 50/50 theo các tỉ lệ khác một phần cho phát hành, phần còn lại nộp về Nhà nước, thế là nhà sản xuất ra những bộ phim này họ mất động lực, hào hứng để đưa phim ra rạp.
Tức là bị chặn ngay ở khâu phát hành, thì những bộ phim thêm một rào cản không đến được với khán giả. Và rõ ràng rằng đây là điều đi ngược lại với tinh thần của thị trường, đi ngược lại với mong muốn phát triển công nghiệp điện ảnh, chấn hưng điện ảnh.
Ý ông là muốn phát triển công nghiệp điện ảnh thì cần liên thông tất cả các khâu, từ sản xuất, phát hành đến thưởng thức các sản phẩm nghệ thuật, phê bình điện ảnh…?
- Đúng vậy. Nếu chúng ta chỉ sản xuất mà không biết thị trường có cần hay không, hay không biết tiếp cận thị trường, làm thế nào để xây dựng thượng hiệu cho bộ phim, các tác giả, đạo diễn, diễn viên… và phát triển khán giả thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Và đó là một trong những điều mà người làm nghề, người yêu điện ảnh, những người mong muốn cho điện ảnh phát triển rất lấy làm đau lòng khi bị chặn ngay ở khâu phát hành.
Đây là một vướng mắc về chính sách mà chắc chắn trong thời gian tới phải có sự sửa đổi nếu chúng ta muốn đưa những tác phẩm Nhà nước đặt hàng đến được với khán giả. Rõ ràng chúng ta đã đầu tư rất nhiều tiền nhưng chúng ta lại không đưa đến được cho khán giả thì tôi cho rằng đó là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước.
Trong bức tranh văn nghệ có những điểm sáng, chúng ta vẫn còn những show diễn truyền hình thực tế sử dụng nhiều chiêu trò gây ra ý kiến khác nhau. Như chương trình “Chị đẹp đạp gió, rẽ sóng”. Những chương trình thế này mời người nổi tiếng để tạo Rating (lượng khán giả) theo ông có tác dụng gì về thẩm mỹ, tính giáo dục không?
- Chúng ta lo ngại về các chương trình truyền hình thực tế, vì rất nhiều trong số đó người ta sử dụng chiêu trò câu khách, bất chấp các nguyên tắc về đạo đức hay những quy tắc khác để đạt Rating cao. Đặc biệt nữa là việc can thiệp quá nhiều của các công ty tổ chức sự kiện, của các nhãn hàng trong việc tạo ra những nội dung của chương trình truyền hình thực tế này.
Điều đó ảnh hưởng khá tiêu cực không chỉ với lĩnh vực âm nhạc, khi mà rất nhiều ngôi sao nổi tiếng tham gia vào chương trình truyền hình thực tế này. Đối với cả nền nghệ thuật của chúng ta, điều này ảnh hưởng đến thẩm mỹ của công chúng khi mà nhiều người nghĩ rằng nghệ thuật chỉ là như vậy, giải trí chỉ ở mức độ như vậy. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thẩm mỹ, nhân cách đạo đức của con người.
Như thế chúng ta cũng khá lo ngại khi xu hướng này vẫn tiếp tục chi phối thời lượng phát sóng, nhận thức thị hiếu thẩm mỹ của công chúng. Chắc chắn chúng ta mong muốn những điều tốt đẹp hơn dù là chương trình truyền hình thực tế nhưng vẫn cần có những giá trị giáo dục đạo đức, bồi đắp cho sự phát triển nhân cách của con người.
Về cuộc thi nhan sắc Hoa hậu Thế giới Việt Nam năm 2023, Hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi có những phát ngôn gây tranh cãi. Vẫn biết thi nhan sắc thì người ta ưu tiên nhan sắc nhưng kiến thức của người đẹp cũng rất cần được quan tâm. Để nâng tầm các cuộc thi sắc đẹp ta cần phải làm gì?
- Tôi cho rằng các cuộc thi nhan sắc không có lỗi. Nhu cầu làm đẹp trong xã hội là có thật. Chúng ta có thể thấy biểu hiện qua rất nhiều trung tâm thẩm mỹ, thể hình, hay dịch vụ làm đẹp. Khi có nhu cầu làm đẹp và hình thành thị trường thẩm mỹ thì việc tổ chức các sự kiện sắc đẹp để tôn vinh vẻ đẹp hình thể và trí tuệ của người phụ nữ cũng là việc làm cần thiết.
Tuy nhiên rõ ràng qua sự cố gần đây, trong đó có sự cố của hoa hậu Ý Nhi… cho thấy sự đáng báo động về việc cần phải tổ chức chuyên nghiệp hơn đồng thời chấn chỉnh cấp phép đối với các cuộc thi hoa hậu. Các cuộc thi hoa hậu cũng phải thể hiện trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm xã hội nhiều hơn đối với công chúng.
Nếu chỉ chạy theo giá trị vật chất để thi hoa hậu thì rõ ràng quá trình tuyển chọn gặp vấn đề. Như vậy việc mua bán giải tất yếu xảy ra, dẫn đến những sản phẩm kém chất lượng. Chúng ta phải có những thay đổi để từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng của những cuộc thi, của những người đẹp, từ đó biến cuộc thi sắc đẹp trở thành sự kiện tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Từ vụ hoa hậu Ý Nhi, sau những phát ngôn cô bị cộng đồng mạng “ném đá”, thóa mạ không thương tiếc dù đã xin lỗi. Ở góc độ nào đó cô ấy mới chỉ là người mới trưởng thành, sau đó cô đã phải sống khép kín. Qua đó cũng cho thấy, có khá nhiều hiện tượng khác trong âm nhạc, điện ảnh, hay thậm chí phát ngôn của ai đó đã nhận được khá nhiều “gạch đá” từ mạng xã hội. Điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn để làm sao xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng?
- Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Ở đó đề cao 4 nguyên tắc: An toàn, tôn trọng, trách nhiệm và lành mạnh.
Tôi nghĩ đó chính là những nguyên tắc để cho mỗi người khi tham gia vào không gian mạng định hướng ứng xử của mình, khi ứng xử bằng cách tôn trọng những người khác thì lúc đó sẽ giúp chúng ta hình thành nên môi trường mạng có nhiều điều tích cực ảnh hưởng tới mỗi người sử dụng cũng như là đến toàn xã hội. Đó chính là giải pháp mang tính căn cơ.
Tuy nhiên để giải pháp này đi vào thực tế và có tác dụng trong việc điều chỉnh hành vi của con người thì cần rất nhiều giải pháp khác nữa. Chúng ta biết nhận thức rất quan trọng nhưng chế tài để thực hiện cũng quan trọng không kém. Như vậy rất cần phải sửa đổi các văn bản luật để điều chỉnh hành vi của con người trên không gian mạng. Chúng ta có Luật An ninh mạng, Nghị định 72… để điều chỉnh.
Nhưng việc áp dụng xử lý hành vi từ vi phạm pháp luật chưa nhiều. Gần đây chúng ta xử lý một số trường hợp như bà Phương Hằng hay một số trường hợp khác có những vi phạm trên mạng xã hội chính là những vụ việc điển hình để mang tính răn đe làm gương cho người khác. Và cần phải hoàn thiện hơn nữa văn bản quy phạm pháp luật để nó thích ứng nhiều hơn, điều chỉnh tốt hơn thực tế cuộc sống?
- Thực tế cuộc sống luôn thay đổi và nó sinh động hơn các văn bản luật rất nhiều. Vì thế chúng ta luôn phải cập nhật những văn bản để điều chỉnh, xử phạt quá nhẹ với hành vi thì không có tính răn đe. Bên cạnh đó việc tuyên truyền cũng cần làm tốt hơn.
Chúng ta cần tuyên truyền những tấm gương tốt, những bài học hay, những việc làm truyền cảm hứng để mọi người hướng tới môi trường tích cực, lành mạnh trên không gian mạng. Cũng cần phải tuyên truyền theo hướng các yêu tố tiêu cực trên không gian mạng phải được xử lý một cách triệt để.
Thêm nữa, rõ ràng sự chung tay góp sức từ phía cộng đồng mạng có vai trò hết sức quan trọng, vì môi trường mạng rất nhanh. Nếu không có sự góp sức thông qua sự báo xấu, thông qua việc xây dựng nên một cộng đồng mạng lành mạnh, tích cực, phản ứng với lại những điều tiêu cực thì rất khó cho cơ quan quản lý có thể bao quát được tất cả các vấn đề liên quan đến không gian mạng.
Tiếp theo nữa chúng ta cũng lưu ý về nguồn lực cho việc quản lý không gian mạng. Nguồn lực này đến từ cơ sở vật chất với những trang thiết bị hiện đại hơn, cập nhật hơn có thể xử lý được những vấn đề nhanh hơn, đến những vấn đề nguồn nhân lực để xử lý thông tin tiêu cực trên mạng.
Nó phải là đồng bộ các giải pháp khác nhau thì chúng ta mới có thể giải quyết căn cơ được. Có điều chúng ta cần nhấn mạnh những vấn đề phát sinh từ mạng xã hội là rất mới, không chỉ với Việt Nam mà với cả thế giới, nhân loại vì thế chúng ta vừa xử lý vừa rút kinh nghiệm, vừa học hỏi quốc tế để làm tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền văn hóa, chủ quyền đất nước trên không gian mạng. Từ đó giúp cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Trân trọng cảm ơn ông!
“
Các cuộc thi hoa hậu cũng phải thể hiện trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm xã hội nhiều hơn đối với công chúng. Nếu chỉ chạy theo giá trị vật chất để thi hoa hậu thì rõ ràng quá trình tuyển chọn gặp vấn đề. Như vậy việc mua bán giải tất yếu xảy ra, dẫn đến những sản phẩm kém chất lượng.
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN