PGS. TS Đỗ Ngọc Thống: Có sách giáo khoa chuẩn hay không?
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống, Tổng Chủ biên bộ sách giáo khoa Cánh Diều, trong thời hiện đại, không có khái niệm sách giáo khoa chuẩn; chỉ có chương trình chuẩn hoặc chuẩn chương trình.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống chia sẻ với đội ngũ giáo viên quan điểm: Cách đây hơn nửa thế kỉ, do điều kiện phát triển của khoa học giáo dục cũng như tình hình đất nước có chiến tranh, nên nhiều giai đoạn không có chương trình, chỉ biên soạn sách giáo khoa và sách giáo khoa đó được coi là chuẩn.
Đến những năm 60-70 của thế kỉ trước có chương trình các môn học, nhưng hết sức đơn giản, thực chất chỉ là bản phân phối chương trình và cũng không có phê duyệt chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo (trừ chương trình của miền Nam trước 1975 - chương trình của miền Nam đều có các Quyết định, Nghị định phê duyệt và ban hành).
Cho đến thời kì cải cách giáo dục lần thứ 3 (1980 -1992) chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng chính thức cho toàn quốc, nhưng cũng không thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt vào văn bản chương trình. Ví dụ, chỉ thấy ghi vào văn bản chương trình từ lớp 6 - lớp 9: "Bản dự thảo này đã được hội đồng thông qua; Hà Nội – 1986".
Năm 1989 mới làm chương trình cho cấp trung học phổ thông. Chương trình đổi mới năm 2000 theo Nghị quyết 40 của Quốc hội khóa X được xây dựng bài bản hơn, nhưng vẫn làm theo lối tách 3 cấp học làm ở 3 thời điểm khác nhau (chương trình tiểu học: 1995, trung học cơ sở: 1998 và trung học phổ thông: 2000) sau đó 2006 mới thống nhất 3 cấp thành chương trình 2006 và Bộ Giáo dục và Đào tạo kí quyết định ban hành.
Tình trạng 1 chương trình, 1 bộ sách giáo khoa dẫn đến việc đánh đồng chương trình với sách, giáo viên chỉ biết sách và coi sách giáo khoa là chuẩn. Mãi đến khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 ban hành (theo Nghị quyết 88 của Quốc hội 13) thì việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới mang tính chuyên nghiệp hơn, tiếp cận được với cách xây dựng, thiết kế chương trình của quốc tế.
Theo quan niệm của nhiều nước trên thế giới, hầu hết các nước phát triển chỉ tập trung thiết kế chương trình giáo dục và chuẩn chương trình để lấy đó làm cơ sở biên soạn sách giáo khoa và tổ chức dạy học cũng như kiểm tra đánh giá. Với những nước lớn, nhiều bang, vùng, miền, thì mỗi địa phương căn cứ vào chương trình quốc gia để xây dựng, phát triển thành chương trình của bang, vùng, miền... và chương trình riêng của từng nhà trường.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống nhấn mạnh, không có sách giáo khoa chuẩn. Sách giáo khoa chỉ là học liệu quan trọng trong nhiều nguồn khác nhau. Thực hiện xã hội hóa việc biên soạn, in ấn, phát hành; nhà nước (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chỉ ban hành tiêu chí đánh giá sách giáo khoa.
Do khoa học công nghệ ngày càng phát triển nên vai trò của sách giáo khoa ngày càng giảm dần vị trí độc tôn. Giáo viên và học sinh có thể tiếp cận từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, nhiều góc nhìn khác nhau để dạy và học miễn là đáp ứng yêu của chương trình.
Sách giáo khoa rất đa dạng, phong phú, nhưng phải dựa vào chương trình để biên soạn. Chương trình trở thành chuẩn, thành cơ sở quan trọng nhất để xem xét các sách giáo khoa cũng như cách dạy, cách học; đặc biệt cách kiểm tra đánh giá.
"Nói chỉ có chương trình chuẩn, không có sách giáo khoa chuẩn và việc dạy học, kiểm tra đánh giá chỉ dựa vào chương trình. Việc kiểm tra - đánh giá học sinh dựa vào các yêu cầu của chương trình và chuẩn chương trình để xem xét. Không tính đến yếu tố học sinh học sách giáo khoa nào, học ở đâu, bằng cách nào..." - PGS.TS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ.
Tất cả các tổ chức đánh giá quốc tế đều quan niệm và thực hiện đánh giá việc dạy và học theo cách này. Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của OECD (70 nước chỉ thi chung 1 đề đọc hiểu) là 1 ví dụ rất rõ - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống nói thêm về tầm quan trọng của chương trình chứ không phải sách giáo khoa.
Việc đánh giá học sinh phụ thuộc vào khả năng tiếp nhận chứ không hoàn toàn là sách giáo khoa, vì vậy không có chuẩn sách giáo khoa.