PGS.TS làm khảo nghiệm về khả năng ngoại cảm của bà Nguyễn Ngọc Hoài

Nhiều năm trước đây, khi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi 'Tâm linh có thật hay không?' PGS.TS Nguyễn Ái Việt đã thực hành một khảo nghiệm với nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài.

 Nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài tại sự kiện ra mắt cuốn sách Tìm nhau từ hai cõi âm - dương sáng ngày 7/7. Ảnh: Đức Huy.

Nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài tại sự kiện ra mắt cuốn sách Tìm nhau từ hai cõi âm - dương sáng ngày 7/7. Ảnh: Đức Huy.

Từ những thắc mắc về thế giới tâm linh, nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài và PGS.TS Nguyễn Ái Việt (nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã thực hành một khảo nghiệm để tìm câu trả lời cho thắc mắc: “Tâm linh có thật hay không?”.

Khảo nghiệm này được ông Nguyễn Ái Việt lên kế hoạch và dựa trên một số nghiên cứu được thực hiện trước đó bởi các nhà khoa học nước ngoài.

Đi tìm đáp án trong thế giới tâm linh

Phương pháp được PGS.TS Nguyễn Ái Việt sử dụng có tên là thí nghiệm điểm mù. Khái niệm điểm mù có thể được hiểu là hiện tượng xảy ra khi vùng võng mạc không có tế bào nhận cảm ánh sáng, do đó không thể nhìn thấy hình ảnh rơi vào đó.

Tuy nhiên, não bộ con người có khả năng bù đắp cho thiếu hụt này, tạo ra một trải nghiệm thị giác liên tục. Để khám phá hiện tượng này, có hai thí nghiệm phổ biến: thí nghiệm điểm một điểm mù và thí nghiệm hai điểm mù.

Thí nghiệm điểm một điểm mù là phương pháp đơn giản để xác định vị trí của điểm mù trên võng mạc. Thí nghiệm này minh họa rõ ràng sự tồn tại của điểm mù và cách mắt không thể nhận biết được hình ảnh trong vùng này.

Thí nghiệm hai điểm mù, hay thí nghiệm thị giác hai mắt, khai thác khả năng bù đắp của não bộ khi có cả hai mắt mở. Khi một mắt nhìn vào một điểm, mắt còn lại nhìn vào một điểm khác, não bộ sẽ "lấp đầy" thông tin bị thiếu bằng cách kết hợp dữ liệu từ cả hai mắt.

Thí nghiệm này có thể thực hiện bằng cách sử dụng một màn hình hiển thị hai điểm sáng tại vị trí khác nhau và di chuyển chúng cho đến khi một trong hai điểm biến mất khi chỉ sử dụng một mắt. Sau đó, quá trình này lặp lại với mắt còn lại. Kết quả cho thấy não bộ có khả năng xử lý thông tin từ cả hai mắt để tạo ra một hình ảnh đầy đủ, bù đắp cho điểm mù của từng mắt.

 PGS.TS Nguyễn Ái Việt (nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội).

PGS.TS Nguyễn Ái Việt (nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Với sự phát triển của công nghệ, PGS.TS Nguyễn Ái Việt đã cải biến thành phương pháp ba điểm mù. Tức nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài không được phép nhìn, nghe, ngửi đối tượng tham gia khảo sát để phán đoán thông tin. Tất cả chỉ được trao đổi trên môi trường Internet, hai người nhắn tin với nhau và giấu kín danh tính. Xác suất nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài đưa ra các thông tin chính xác về 30 người tham gia là 38%.

“Kết quả 38% là một con số khá cao, điều này chứng minh rằng các phán đoán của nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài không phải là một loại xác suất. Tuy nhiên, thí nghiệm trên cũng chưa thể đưa ra được kết luận rằng tâm linh có thật hay không vì mẫu số vẫn còn nhỏ. Dù vậy, tôi cho rằng sau này khoa học phát triển hoàn toàn có thể lý giải được điều này”, PGS.TS Nguyễn Ái Việt nhận định. Khảo nghiệm này sau đó đã phải dừng lại vì sức khỏe của bà Nguyễn Ngọc Hoài không đảm bảo.

Hành trình tiến vào thế giới khác

Đối PGS.TS Nguyễn Ái Việt hay nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài (tác giả bộ sách Thế giới khác), nói về vấn đề tâm linh đôi khi là một cách để giáo dục con người về cuộc sống ở hiện tại.

“Khi nhìn về quá khứ, hiểu về những điều người đi trước căn dặn, con người sẽ sống có ý nghĩa, có lý tưởng hơn. Tâm linh không phải chỉ toàn những vấn đề mê tín dị đoan, nó được sinh ra và có ý nghĩa xã hội riêng”, bà Nguyễn Ngọc Hoài chia sẻ tại sự kiện ra mắt sách sáng ngày 7/7.

Năm 2013, bà Nguyễn Ngọc Hoài từng ghi ấn trong lòng độc giả Việt với tác phẩm Hành trình khám phá thế giới tâm linh. Sau 10 năm, bà tiếp tục ra mắt tác phẩm mới mang tên Tìm nhau từ cõi âm - dương. Cuốn sách mới vẫn tiếp tục mạch truyện từ phần trước là quá trình đi tìm mộ liệt sĩ bị thất lạc. Giống cuốn Hành trình khám phá thế giới tâm linh, nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài nói về cả những lần tìm kiếm không có kết quả. Chẳng hạn nhiều liệt sĩ được chôn cất chung nên rất khó mang trọn vẹn hài cốt về hay xác minh được ADN.

Mỗi câu chuyện trong cuốn sách là một cuộc phiêu lưu đầy gian nan, thử thách, đan xen những cung bậc cảm xúc khác nhau: niềm vui, nỗi buồn, hy vọng và cả sự tuyệt vọng. Nhưng trên tất cả, những trang viết có thể mang đến cho người đọc thông điệp về lòng nhân ái, sức mạnh của tình yêu thương và giá trị của sự sống.

 Cuốn sách Tìm nhau từ cõi âm - dương là phần hai trong bộ sách Thế giới khác.

Cuốn sách Tìm nhau từ cõi âm - dương là phần hai trong bộ sách Thế giới khác.

Chia sẻ về lý do phần 2 của cuốn sách phải mất tới 10 năm mới phát hành, nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài cho biết bản thân e ngại rằng những người đọc không đủ lòng bao dung để nhìn nhận vấn đề cuốn sách đưa ra. Đồng thời, nhiều vụ việc xảy ra khiến bà cảm thấy độc giả ngày càng nhạy cảm hơn khi nói về hai tiếng “tâm linh”. Nhưng với sự động viên của những người xung quanh bà Nguyễn Ngọc Hoài vẫn quyết định cho ra phần hai.

“Sau 10 năm, thế giới đã có những biến chuyển mới, xã hội cũng xảy ra nhiều sự kiện và vấn đề nổi cộm liên quan đến tâm linh, ngoại cảm. Nhận thấy sự càn thiết và tầm quan trọng của việc lan tỏa tri thức tâm linh đúng đắn đến cộng đồng, tác giả Nguyễn Ngọc Hoài đã cho ra mắt hai cuốn sách đầy tâm huyết để minh chứng rằng có những câu chuyện ngoài kia chưa thể được lý giải hoàn toàn chi tiết với phương pháp nghiên cứu khoa học”, Đại diện Thái Hà Books cho biết.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/nha-khoa-hoc-thuc-hien-thi-nghiem-ve-kha-nang-ngoai-cam-post1485018.html