PGS. TS. Lê Anh Tuấn: Làm khoa học phải có đam mê

PGS. TS. Lê Anh Tuấn - Giảng viên Bộ môn Kỹ thuật ô tô (Viện Cơ khí, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam) được nhiều người biết đến với những công trình nghiên cứu khoa học, giáo trình giảng dạy mang tầm quốc tế.

PGS. TS. Lê Anh Tuấn (áo kẻ) cùng các đồng nghiệp tại Viện Cơ khí, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam

PGS. TS. Lê Anh Tuấn (áo kẻ) cùng các đồng nghiệp tại Viện Cơ khí, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam

Niềm đam mê nghiên cứu cháy bỏng

Sinh ra và lớn lên tại Thừa Thiên - Huế, ngay từ khi còn là học sinh, thầy Lê Anh Tuấn đã có niềm đam mê mãnh liệt với kỹ thuật và tin học. Năm 1998, thầy quyết định thi vào ngành Kỹ thuật cơ khí, chuyên ngành Cơ giới hóa xếp dỡ của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam và trở thành sinh viên của trường. Được học tập tại cái nôi khoa học, tiếp xúc với nhiều thầy cô dạy giỏi và tâm huyết, niềm đam mê trong thầy ngày càng được nuôi dưỡng và phát triển.

Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, thầy Tuấn được giữ ở lại làm cán bộ giảng dạy của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam và trong thời gian này thầy bắt đầu tập sự nghiên cứu khoa học. Để theo đuổi nghiên cứu khoa học, thầy Lê Anh Tuấn tiếp tục học cao học và làm nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc. Hoàn thành Luận án Tiến sỹ tại Trường Đại học Kyung Hee (Hàn Quốc), thầy trở lại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam công tác từ tháng 10/2012. Từ đó đến nay, ngoài công việc giảng dạy thầy Tuấn tập trung vào nghiên cứu khoa học.

Các công trình nghiên cứu của PGS. TS. Lê Anh Tuấn tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực kỹ thuật như giải quyết các bài toán tự động điều khiển, tự động hóa các thiết bị nâng hạ dùng phổ biến trong công nghiệp, vận tải, xây dựng và cảng biển. Các công trình nghiên cứu đề xuất các thuật toán điều khiển mới nhằm cải thiện năng suất, tăng tốc độ khai thác, đảm bảo các thiết bị nâng vận hành nhanh, chính xác, hàng nâng không bị lắc, góp phần tăng năng suất khai thác, tăng lưu lượng hàng hóa thông qua cảng. Ngoài ra, thầy Tuấn còn nghiên cứu các công trình về thiết kế hệ thống điều khiển cho tay máy công nghiệp.

Đến nay, PGS. TS. Lê Anh Tuấn đã có 21 bài báo khoa học trong nước và gần 30 bài báo khoa học quốc tế đăng trên các tạp chí khoa học uy tín và được báo cáo, đăng trên các kỷ yếu hội thảo quốc tế chuyên ngành.

“Để có được kết quả này, tôi nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ Nhà trường. Nhà trường tạo điều kiện, có cơ chế hỗ trợ nghiên cứu và công bố quốc tế. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi thấy nghiên cứu khoa học là công việc khá vất vả, gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như khó khăn trong việc hình thành nhóm nghiên cứu. Đồng thời, hiện nay chúng ta không dễ tìm nguồn tài trợ cho công tác nghiên cứu vì nguồn tài trợ nghiên cứu ở Việt Nam khá hạn chế và cạnh tranh. Nếu không có đam mê thì sẽ không làm khoa học được”, thầy Lê Anh Tuấn chia sẻ.

“Truyền lửa” đam mê

Không chỉ chú tâm với công tác nghiên cứu khoa học, PGS. TS. Lê Anh Tuấn còn tận tụy trong công tác giảng dạy. Để có thêm kiến thức, thầy Tuấn tình nguyện tham gia biên tập và phản biện cho tạp chí quốc tế và hội thảo quốc tế, tham gia hội đồng chuyên môn một số hội thảo quốc tế. Cũng nhờ công việc biên tập và phản biện các bài báo ở các tạp chí và hội thảo, thầy có điều kiện cập nhật các kiến thức, xu hướng nghiên cứu từ các đồng nghiệp, học hỏi được từ các nhà nghiên cứu khoa học, học giả quốc tế nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong nghiên cứu và hoạt động khoa học, từ đó ứng dụng vào quá trình giảng dạy tại trường. PGS. TS. Lê Anh Tuấn không ngừng tự hoàn thiện, nỗ lực trong việc củng cố kiến thức và hội nhập với các đồng nghiệp trong và ngoài nước.

Ngoài ra, cùng với việc công bố các công trình trên các tạp chí quốc tế, PGS. TS. Lê Anh Tuấn còn chủ trì biên soạn hai sách chuyên khảo bằng tiếng Anh là Adaptive Robust Control Systems, Applied Modern Control và một chương sách có nội dung về điều khiển hệ hụt dẫn động trong cuốn sách Nonlinear Feedback Control of Underactuated Mechanical Systems, Nonlinear Systems - Design, Analysis, Estimation and Control. Đây là những cuốn sách chuyên khảo tập hợp các nghiên cứu gần đây về điều khiển thích nghi bền vững, điều khiển hiện đại có tính ứng dụng cao; là những tài liệu tiêu biểu, nền tảng giúp cho các sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh học tập và nghiên cứu khoa học.

“Điều quan trọng của người thầy khi đứng lớp là luôn biết gợi mở và “truyền lửa” tới sinh viên. Điều mà tôi cảm thấy vui nhất đó là tạo cảm hứng cho các bạn sinh viên tìm tòi và có những sáng tạo trong quá trình học tập. Trong quá trình dạy học, tôi cũng tích cực tham gia hiệu quả và có những giải pháp phù hợp trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch dạy học trong nhóm, tổ chuyên môn của Nhà trường. Tôi thường xuyên chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp trong trường về những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả dạy học”, thầy Tuấn bộc bạch.

Với những nỗ lực trong học tập và nghiên cứu khoa học, đào tạo, PGS. TS. Lê Anh Tuấn đã được tặng nhiều phần thưởng như: Giải nhất Giải thưởng Nghiên cứu khoa học NEPTUNE (Trường Đại học Hàng hải Việt Nam); Kỷ niệm chương Vì sự đóng góp cho khoa học của Đại học Kyung Hee (Hàn Quốc); Bộ Giáo dục và Đào tạo khen thưởng vì có thành tích xuất sắc và hoàn thành luận án tiến sỹ trước thời hạn; Bằng khen, Kỷ niệm chương của Bộ GTVT; là thành viên chủ chốt của IEEE ( IEEE Senior Member); học bổng Endeavor Fellowship của Chính phủ Úc. Năm 2016, thầy vinh dự được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công nhận chức danh Phó Giáo sư

Thùy Dương

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/pgs-ts-le-anh-tuan-lam-khoa-hoc-phai-co-dam-me-d84007.html