PGS.TS LÊ MINH THÔNG: NHIỀU ĐỔI MỚI QUAN TRỌNG VỀ QUY TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH
Theo PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, công tác lập pháp đã có những tiến bộ về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống và tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch. Hệ thống pháp luật đã thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, quy định mới của Hiến pháp, bám sát yêu cầu cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước từ trung ương tới cơ sở.
Ở Việt Nam, bộ máy Nhà nước nói chung và Quốc hội Việt Nam nói riêng đều đặt dưới sự lãnh đạo của một đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam và được tổ chức theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là tập trung thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân, bộ máy Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Trên các nguyên tắc này, Quốc hội nước ta được tổ chức theo mô hình một viện; Quốc hội hoạt động không thường xuyên; đa số các đại biểu Quốc hội không chuyên trách. Những đặc điểm này của Quốc hội đã quyết định những đặc điểm riêng của đại biểu Quốc hội Việt Nam.
Với vai trò, vị trí được Hiến định, thực hiện chủ trương của Đảng, kế thừa và phát huy những thành quả của Quốc hội các khóa trước, Quốc hội khóa XV đã tiếp tục đổi mới về phương thức, cách thức tổ chức hoạt động. Trong tiến trình đổi mới chung của Quốc hội, cùng với chức năng giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng, chức năng lập pháp của Quốc hội không ngừng được nâng cao, góp phần hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hội nhập quốc tế sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra những yêu cầu mới đối với Quốc hội, đại biểu Quốc hội.
PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, trước yêu cầu khách quan và định hướng phát triển đất nước giai đoạn mới, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đặt ra nhiệm vụ tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội tập trung vào 3 chức năng quan trọng của Quốc hội là lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng và giám sát tối cao.
Công tác lập pháp đã có những tiến bộ về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.
Đối với hoạt động lập pháp, PGS.TS Lê Minh Thông khẳng định, thời gian qua chức năng này có sự đổi mới mạnh mẽ, quy trình ban hành luật, pháp lệnh được hoàn thiện qua các nhiệm kỳ. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được ban hành từ năm 1996 và được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2002. Luật được thay thế bằng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và tiếp tục được sửa đổi, bổ sung năm 2020.
Với việc sửa đổi, bổ sung này, quy trình làm luật đã có sự thay đổi căn bản đối với luật được thông qua tại 2 kỳ họp. Tại kỳ họp thứ hai, việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật chuyển từ cơ quan trình dự thảo sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chuyển từ Quốc hội thông qua từng điều luật làm cho công tác thông qua dự án luật kéo dài sang việc biểu quyết vấn đề còn ý kiến khác nhau và thông qua cả dự án luật; Quốc hội dành nhiều thời gian thảo luận về chính sách của dự án luật.
Quốc hội khóa VIII ban hành số lượng lớn luật, pháp lệnh tăng cao mở đầu cho một thời kỳ mới trong công tác xây dựng luật của Quốc hội, góp phần vào hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo môi trường ổn định và thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế-xã hội.
Các nhiệm kỳ Quốc hội sau này, với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường ban hành luật của Quốc hội, giảm số lượng pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chú trọng hơn tới quy trình phân tích, hoạch định chính sách. Tăng vai trò của cơ quan thẩm tra đối với dự án luật, mở rộng dân chủ, tăng cường tính công khai, minh bạch trong xây dựng, bàn hành luật (quy định lấy ý kiến Nhân dân, tăng tải công khai dự án luật trên trang web), quy định việc thực hiện quyền sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội.
PGS.TS Lê Minh Thông đánh giá, hoạt động lập pháp của Quốc hội những năm qua đã có nhiều tiến bộ, công tác xây dựng pháp luật đã được quan tâm hơn, quy trình xây dựng luật đã có nhiều đổi mới. Công tác lập pháp đã có những tiến bộ về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống và tiêu chí của hệ thống pháp luật về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch. Hệ thống pháp luật đã thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, quy định mới của Hiến pháp, bám sát yêu cầu cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước từ trung ương tới cơ sở, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển; thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Nhiều đổi mới, cải tiến trong quy trình xây dựng luật, tách bạch quy trình xây dựng chính sách và quy trình soạn thảo, tăng cường tính công khai, minh bạch, huy động trí tuệ vào quy trình xây dựng luật, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua hoạt động phản biện xã hội, đã góp phần nâng cao chất lượng ban hành luật. Yêu cầu chặt chẽ hơn về ban hành văn bản quy định chi tiết nên hạn chế việc luật chậm thi hành trong thực tiễn bởi phải đợi văn bản hướng dẫn.
Quốc hội đã đổi mới phương thức thảo luận, tranh luận, đề cao vai trò của đại biểu; đối với những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, Quốc hội chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, điển hình như Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, Luật Giao thông đường bộ, Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở…
“Vai trò của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong thẩm tra các dự án luật được nâng lên, chất lượng báo cáo thẩm tra nhìn chung có chất lượng ngày càng cao, thể hiện rõ chính kiến, tính phản biện, có cơ sở khoa học và thực tiễn hơn. Tham gia từ sớm, từ xa các dự án luật, báo cáo, tờ trình của Chính phủ và các cơ quan trình Quốc hội theo quy trình thẩm tra sơ bộ, báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tham khảo chuyên gia, Hội nghị đại biểu chuyên trách”, PGS.TS Lê Minh Thông nhận định.
Quốc hội chú trọng bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật; đồng thời triển khai nhiều đổi mới quan trọng về quy trình xây dựng luật, pháp lệnh như: kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp được thể hiện bằng văn bản, làm cơ sở, định hướng để các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý hoặc báo cáo giải trình bổ sung trình Quốc hội xem xét, quyết định; các hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách được tăng cường, ngày càng đi vào nề nếp; các hình thức thảo luận, lấy ý kiến được đổi mới, đa dạng, bảo đảm đúng quy trình, có chất lượng, tiết kiệm thời gian…
Tuy nhiên, PGS.TS Lê Minh Thông cho rằng, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn phải điều chỉnh nhiều; một số dự án, dự thảo có chính sách chưa rõ, chưa đánh giá tác động sâu sắc. Việc quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật cũng phần nào làm giảm vai trò, trách nhiệm của cơ quan trình dự án luật và dồn trách nhiệm lên cơ quan chủ trì thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật, pháp lệnh, nhưng chưa nhiều đại biểu Quốc hội trình dự án Luật. Quy trình xây dựng, ban hành luật có lúc chưa được tuân thủ triệt để; việc gửi hồ sơ dự án luật trong nhiều trường hợp chưa đảm bảo tiến độ về thời gian, cơ chế lấy ý kiến còn chưa thực sự đảm bảo hiệu quả, thực chất. Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, chất lượng một số luật chưa cao, phải sửa đổi, bổ sung trong thời gian ngắn sau khi ban hành….
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình lập pháp theo hướng dân chủ, chặt chẽ, chuyên nghiệp, khoa học.
Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động lập pháp, PGS.TS Lê Minh Thông cho rằng, cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình lập pháp theo hướng dân chủ, chặt chẽ, khoa học, hiện đại, chuyên nghiệp, có bước đột phá; đầu tư thích đáng cho công tác phân tích chính sách, đánh giá tác động; áp dụng kỹ thuật lập pháp tiến bộ. Trong đó, rút ngắn thời gian xây dựng pháp luật để kịp thời điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn; có cơ chế tạo điều kiện để Nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn sâu tham gia thực chất hiệu quả vào quy trình xây dựng pháp luật.
Phát huy vai trò phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình soạn thảo, tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan chủ trì soạn thảo với các cơ quan thẩm tra; đổi mới hoạt động thẩm tra và tiếp thu chỉnh lý dự án luật, bảo đảm nguyên tắc làm việc tập thể, quyết định theo đa số; nghiên cứu xây dựng cơ chế để điều chỉnh hoạt động vận động chính sách trong xây dựng pháp luật. Tăng cường trách nhiệm lồng ghép thẩm tra, đánh giá sự phù hợp với dự án luật với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Chuyển hoạt động lập pháp từ chiều rộng (xây dựng nhiều dự án luật) đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng, nội dung của các dự án luật sau khi ban hành được thực thi ngay trong thực tế.
Cùng với đó, cần tăng cường tính chủ động của Quốc hội trong công tác lập pháp; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa cơ quan chủ trì soạn thảo với các cơ quan thẩm tra, tham gia phối hợp từ sớm, từ xa. Đổi mới mạnh mẽ cách thức, phương thức thẩm tra; xác định rõ chủ thể và nâng cao chất lượng nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết. Hoàn thiện cơ chế lấy ý kiến Nhân dân tham gia xây dựng luật pháp, đặc biệt là các đối tượng chịu tác động, ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách; tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động lập pháp. Hoàn thiện cơ chế ủy quyền lập pháp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đảm bảo theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Đồng thời, đổi mới nâng cao trình độ công nghệ xây dựng luật, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, đặc biệt là nền tảng công nghệ số trong công tác xây dựng pháp luật để đổi mới phương thức, rút ngắn thời gian xây dựng pháp luật; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa…
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=83990