PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Hệ thống khám chữa bệnh lấy tiêu chí chất lượng, lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ
Hôm nay 19/12, Bộ Y tế tổ chức Lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Cục Quản lý Khám chữa bệnh và 70 năm hệ thống khám bệnh, chữa bệnh Việt Nam. Nhân dịp này Báo Sức khỏe & Đời sống đã trao đổi với PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh.
Tham mưu, xây dựng, ban hành hàng loạt chính sách về khám chữa bệnh
- Sau 15 năm tái lập, Cục quản lý Khám, chữa bệnh đã ghi lại những dấu ấn quan trọng như thế nào đối với hệ thống khám chữa bệnh Việt Nam, thưa ông?
PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Trong lịch sử 70 năm thành lập, với nhiều lần đổi tên gọi khác nhau, nhưng chức năng, nhiệm vụ chính của Cục vẫn là quản lý nhà nước về công tác khám bệnh, chữa bệnh của Bộ Y tế. Chặng đường 15 năm tái lập từ Vụ Điều trị sang Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chưa dài nhưng là quãng thời gian có nhiều sự kiện và điểm nhấn quan trọng đối với hệ thống khám chữa bệnh Việt Nam.
Thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về các lĩnh vực: khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần; phát triển, nâng cao năng lực và chất lượng của hệ thống khám, chữa bệnh trong phạm vi cả nước, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã có một số kết quả, cụ thể:
Thứ nhất, về xây dựng thể chế: Cục đã triển khai xây dựng Luật Khám bệnh chữa bệnh (sửa đổi) và đã được Quốc hội thông qua vào đầu năm 2023. Luật có nhiều điểm mới đã khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế.
Luật góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Hiện nay, Cục cùng các Vụ, Cục chức năng của Bộ Y tế đang hoàn chỉnh và trình Chính phủ ký các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Thứ hai, Cục đã xây dựng và hoàn chỉnh các quy định chuyên môn, các thể chế hướng dẫn, phác đồ điều trị, xây dựng quy trình chuyên môn của 27 chuyên khoa để ban hành định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở cho việc tính đúng tính đủ chi phí vào giá dịch vụ, hướng tới xóa bỏ bao cấp của nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công, hướng đơn vị sự nghiệp công đến tự chủ hoạt động, tự chủ tài chính ở mức cao hơn qua nguồn thu theo giá dịch vụ được chi trả bởi quỹ BHYT và người sử dụng dịch vụ.
Thứ ba, về các quy định quản lý, quản trị bệnh viện, chúng tôi tiếp cận với thế giới về các tiêu chí đánh giá chất lượng bện viện. Xây dựng 83 tiêu chí với trên 1.576 tiểu mục để các bệnh viện không ngừng hoàn thiện theo.
Đây là văn bản quan trọng của hệ thống khám, chữa bệnh và hiện nay được Luật hóa trong Luật Khám bệnh chữa bệnh. Các bệnh viện ra đời phải thực hiện tiêu chí chất lượng, lấy mục tiêu người bệnh làm trung tâm, an toàn và hài lòng cho người bệnh.
Người bệnh có thể đánh giá, nhận xét đánh giá các hoạt động dịch vụ y tế của bệnh viện. Các thầy thuốc, các hoạt động của bệnh viện, của cán bộ y tế được đánh giá, phản hồi với 5 nhóm hoạt động: quan tâm đến người bệnh, quan tâm đến chuyên môn, nguồn lực, phát triển các kỹ thuật, các thể chế hoạt động cho bệnh viện.
Điểm nhấn nữa là công tác chỉ đạo tuyến của các bệnh viện trung ương giúp cho hệ thống các bệnh viện trong cả nước và người dân vùng sâu, vùng xa. Từ 7 bệnh viện hạt nhân ban đầu sau đó qua các thời kỳ bộ trưởng đã được nhân rộng và thay đổi linh hoạt các chiến dịch, quyết định như Đề án 1816, BV vệ tinh; gần đây là chuyển đổi số thực hiện Đề án khám chữa bệnh từ xa.
Đây là nhóm giải pháp hiệu quả trong đại dịch COVID-19 và thể hiện tính ưu việt trong thời gian các bệnh viện bị cách ly hoạt động cũng như trong toàn hệ thống và hiện nay được luật hóa trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam được các nước trong khu vực và trên thế giới đánh giá cao
- Ngành Y tế đã và đang có những bước phát triển nhanh chóng nhờ vai trò không nhỏ của việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào công tác khám, chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Xin ông điểm qua những thành tựu của ngành Y tế trong quá trình phát triển các kỹ thuật cao, cụ thể là kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam?
PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Hơn 30 năm qua, kể từ ca ghép tạng đầu tiên (năm 1992), đến nay các cơ sở y tế ở Việt Nam đã thực hiện thành công khoảng 7.500 ca ghép tạng. Trong số đó nhiều nhất là ghép thận, tiếp đó là ghép gan, ghép tim, ghép phổi; ghép thận - tụy; ghép tim - phổi; ghép ruột…
Nếu trước đây chỉ các bệnh viện lớn như: 103, BV Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), BV Trung ương Huế, BV Chợ Rẫy (TP. HCM) mới có thể thực hiện được kỹ thuật ghép tạng thì đến nay nhiều cơ sở y tế, bệnh viện tuyến tỉnh cũng đã làm chủ kỹ thuật ghép tạng, cứu sống người mắc bệnh hiểm nghèo.
Đây là nỗ lực rất lớn của các chuyên gia chuyên ngành ghép tạng trong cả nước. Kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam được các nước trong khu vực và trên thế giới đánh giá cao. Tổ chức Y tế thế giới nhiều lần cũng nhận xét các bác sỹ Việt Nam có tay nghề khéo.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh còn được giao là Chủ tịch các hội đồng thẩm định ghép tạng quốc gia. Trong thời gian ngắn, chúng ta đã có những kết vượt bậc ghép tim, gan, thận, ghép chi, ghép phổi,… các kỹ thuật ghép cao nhất trong bậc thang của y tế.
Bên cạnh đó, các kỹ thuật khác cũng phát triển như phẫu thuật nội soi đã áp dụng từ tuyến huyện như phẫu thuật Phaco sáng mổ chiều ra, mở khớp gối, khớp háng, cắt khối tá tụy trước mất hàng tuần mà nay mà chỉ mất 1-2 ngày người bệnh có thể ra viện, hòa nhập cuộc sống…
Các bệnh viện đã cải tiến quy trình khám, chữa bệnh từ 10 bước xuống 3-5 bước
- Công tác quản trị bệnh viện đã có những thay đổi như thế nào trong 15 năm qua, thưa ông?
PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Những năm gần đây, quản trị bệnh viện có những thay đổi tư duy sang bệnh viện thông minh. Nhiều bệnh viện đã triển khai, Cục tổ chức nhiều lớp tập tuấn hoạt động chuyển đổi số, cải cách thủ thục hành chính. Các BV thay đổi từ viết tay sang đánh máy, quản trị nhân lực, quản trị trang thiết bị quản trị tài chính… trên hệ thống CNTT và phần mềm quản lý.
Chúng tôi đã phối hợp với các Vụ, Cục chức năng phối hợp với Trung tâm CNTT, Cục Khoa học công nghệ và đào tạo thực hiện Đề án 06, trong đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh sẽ phối hợp trong liên thông dữ liệu giấy chứng sinh giấy báo tử phục vụ người dân làm trực tuyến các dịch vụ công liên quan đến khai sinh, khai tử; liên thông kết quả khám sức khỏe lái xe phục vụ người dân làm thủ tục cấp lại giấy khám sức khỏe lái xe trực tuyến; từng bước xây dựng Số sức khỏe điện tử VNeID để người dân thay thế sổ y bạ bằng giấy khi đi khám, chữa bệnh... Bên cạnh đó, Cục xây dựng các chương trình đào tạo ngắn ngày, dài ngày về quản lý bệnh viện với sự tham gia của hầu hết giám đốc, trưởng các khoa, phòng.
Bên cạnh đó còn có các chương trình về quản lý tài chính quản trị bệnh viện, ứng dụng CNTT. Một loạt hoạt động về quản lý, quản trị bệnh viện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030 tầm nhìn đến 2050, Chiến lược quốc gia Phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030 và tầm nhìn 2045... trong thời đại mô hình bệnh tật kép; Kế hoạch quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn, công tác dinh dưỡng lâm sàng. Nhiều hoạt động trước đây chưa được quan tâm nay đã được các bệnh viện phát triển mạnh, đem lại hiệu quả to lớn cho cả bệnh viện và người bệnh đó là hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện.
Các bệnh viện đã đẩy mạnh cải cách hành chính, cải tiến quy trình khám bệnh, chữa bệnh, từ quy trình khám chữa bệnh từ 10 bước xuống 3-5 bước, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản lý và đổi mới tinh thần thái độ, phục vụ người bệnh.
Trong thời gian chưa dài 15 năm nhưng hoạt động của Cục tạo hành lang pháp lý cùng các Vụ Cục chức năng của Bộ Y tế dưới sự chỉ đạo của Ban Cán sự, Lãnh đạo Bộ Y tế đã thực hiện nhiều giải pháp điều trị giúp cho hệ thống khám chữa bệnh điều trị cho người bệnh trong mô hình bệnh tật kép và đại dịch về các bệnh không lây nhiễm. Cục đã xây dựng nhiều hướng dẫn, quản lý các bệnh không lây nhiễm; ung thư, tim mạch, COPD, chăm sóc sức khỏe tâm thần, tai nạn thương tỉchs…
Các chiến lược đang xây dựng dựa trên những kết quả và thành quả trong thời gian qua. Hiện Cục đang trình Chính phủ nghị đinh, trong đó nhiều hoạt động cung cấp dịch vụ với quan điểm của Đảng và Nhà nước là giúp cho Người dân Việt Nam được hưởng dịch vụ ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Quan điểm của Luật là lấy người bệnh làm Trung tâm với tiêu chí chất lượng bệnh viện, an toàn cho người bệnh.
- Xin trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư!
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết những kinh nghiệm trong đại dịch chống SARS 2003 và năm tiếp theo đã được áp dụng hiệu quả trong công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19 mà Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng là một trong những trụ cột chính trong chiến đấu với đại dịch COVID-19. Thời gian này đã có nhiều sáng kiến trong chiến đấu với đại dịch với phác đồ điều trị 9 lần được cập nhật với Tổ chức Y tế Thế giới, các nước trong khu vực và trên thế giới, cập nhật các loại thuốc điều trị, các xét nghiệm các hoạt động điều trị…
Cục đã có sáng kiến trong phân cấp điều trị; sáng kiến thành lập các đội cơ động phản ứng nhanh, ngay từ ngày đầu xuống nhanh chóng hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới và khẳng định 649 bệnh viện có thể điều trị COVID-19 nếu có sự hỗ trợ của tuyến trên; Sáng kiến Teleheath:; thành lập 32 Trung tâm hồi sức cấp cứu khi đại dịch bùng lên các Trung tâm này triển khai thực hiện đã góp phần cứu chữa bệnh nhân nặng được các bệnh viện triển khai thực hiện hiệu quả, đặc biệt bệnh nhân COVID-19 đặc biệt trong khu vực Bắc Giang, Hải Dương, TP HCM được các bệnh viện thực hiện cứu chữa người bệnh.
Các hoạt động kiểm soát lây nhiễm chéo trong đại dịch, quy định sử dụng thuốc, trang thiết bị ở các cấp độ khác nhau, các bệnh viện dã chiến được xây dựng mô hình và đến nay đã hoàn thành sứ mạng khi chuyển sang dịch nhóm B.